You are here

Sự Sống Đời Đời (13)

Sự Sống Đời Đời (13)

Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (1)

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Lu-ca 10:25 – 28. 25 Bấy giờ một thầy dạy Luật đứng lên để thử Chúa rằng: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 26 Chúa nói rằng: “Trong Luật Pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” 27 Ông thầy dạy Luật trả lời rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Gia-vê Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như mình.” 28 Chúa nói rằng: “Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó thì sẽ được sống.”

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su nói rằng nếu ta muốn được hưởng sự sống đời đời, thì ta phải làm theo hai điều răn này. Kỳ trước chúng ta đã tra khảo điều răn quan trọng nhất trong Kinh Thánh: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Gia-vê Chúa Trời Ngươi.” Hôm nay chúng ta học tiếp điều răn thứ hai: “Yêu thương người lân cận như mình.”

Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình Có Nghĩa Là Gì?

Đầu tiên yêu thương người lân cận như mình có nghĩa là gì?

Đức Khổng Tử có dạy rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Câu này có nghĩa là những gì mà ta không muốn người khác làm cho mình, thì ta đừng làm những điều đó cho người ta. Nếu ta không muốn bị người ta chưởi mắng thì đừng chưởi mắng người ta. Nếu ta không muốn bị người ta hành hạ thì đừng hành hạ người ta. Nếu ta không muốn bị người ta lừa gạt thì đừng lừa gạt người ta. Nếu ta không muốn bị người ta nói xấu thì đừng có nói xấu người ta.

Câu nói này có một tiêu chuẩn đạo đức rất cao, hồi xưa tất cả những người theo học sách Nho đều quen biết câu nói này. Nhưng Chúa Giê-su giảng dạy cho ta một điều răn còn cao siêu hơn câu nói của Không Tử rất nhiều.

Ma-thi-ơ 7:12. 12 Vậy tất cả những gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là Luật pháp và lời tiên tri.

Chúa Giê-su dạy rằng điều gì mà ta muốn người ta làm cho mình, thì ta nên đi làm điều đó cho người ta. Ấy chính là tổng hợp của tất cả điều răn trong Luật pháp và lời dạy của các đấng tiên tri. Nếu ta muốn người khác yêu thương mình, thì ta nên yêu thương người ta. Nếu ta muốn người khác tôn trọng mình, thì ta nên tôn trọng người ta v.v.

Thực hành điều răn này chính là yêu thương người lân cận như mình. Nếu ta yêu người lân cận như mình, thì ta nên làm cho họ những điều mà ta muốn người khác làm cho mình.

Tôi khao khát sống theo điều răn này. Tôi không phải nói rằng tôi có khả năng thực hành điều răn này hoàn toàn trọn vẹn. Tôi không thể nào thực hành điều răn này bằng khả năng lực lượng của mình, nhưng tôi hằng cầu nguyện xin Chúa Trời giúp đỡ tôi thực hành điều răn này và tôi quyết tâm vâng giữ điều răn này bằng ân điển của Ngài.

Xin các bạn để ý, khi ta làm những điều tốt lành cho người lân cận, mục đích của ta không phải là để sau này họ sẽ trả ơn cho mình và họ cũng làm những điều tốt lành cho mình; mục đích của ta hoàn toàn không phải như vậy. Một người Tín-Đồ Cơ Đốc chân chính làm những điều tốt lành cho người lân cận là vì kính mến Chúa Trời Gia-vê, ta muốn làm đẹp lòng Ngài, chứ ta không phải mong được người khác trả ơn. Chúng ta chỉ tìm cầu phần thưởng do Chúa Trời ban cho, chứ ta không bao giờ làm điều lành vì lợi ích của riêng minh.

Quí vị có muốn thực hành điều răn này không? Nếu bạn không muốn thực hành điều răn này, thì bạn sẽ thấy những lời tôi nói tiếp sau đây là hoàn toàn vô lý, yêu cầu quá đáng. Nhưng nếu bạn là người khao khát công nghĩa, thì bạn sẽ thấy lời dạy của Chúa Giê-su là cao siêu và quý báu vô cùng.

Vậy ta nên thực hành điều răn này như thế nào ?

Ta Phải Bỏ Quên Chính Mình Mới Có Thể Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình

Thực hành yêu thương người lân cận như mình chính là tất cả những điều mà ta muốn người khác làm cho mình, thì ta làm những điều đó cho người lân cận. Nếu ta muốn người khác quan tâm mình, thì ta nên đi quan tâm người lân cận; nếu ta muốn người khác yên ủi khuyến khích mình thì ta nên đi yên ủi khuyến khích người lân cận; nếu ta thấy người lân cận bị đói trong khi ta có cơm ăn, thì ta nên chia xẻ chén cơm của mình với họ.

Những thí dụ này thì rất đơn giản, nếu bạn đang ăn no mặc ấm, sung sướng bình yên thì bạn hẳn có thể làm được những việc này. Nhưng giả sử bạn đang buồn rầu thê thảm, bạn muốn người khác đến quan tâm yên ủi mình, lúc đó bạn có thể đi quan tâm yên ủi người lân cận không?

Không chừng bạn sẽ nói rằng: “Lúc đó tôi đang cần người khác yên ủi tôi, làm sao mà tôi còn đủ sức lực đi yên ủi người lân cận nữa? Chúa Trời nên sai một người đến yên ủi tôi, khi tôi cảm thấy đỡ hơn rồi, thì tôi mới đi yên ủi người khác được chứ!”

Nhưng Chúa Giê-su dạy rằng những gì ta muốn người khác làm cho mình, thì ta nên làm những điều đó cho người ta. Khi bạn thấy buồn rầu thê thảm, điều mà bạn mong mỏi nhất là được người ta yên ủi, vậy thì bạn nên đi yên ủi những kẻ còn buồn rầu thê thảm hơn bạn nữa, đó chính là thực hành điều răn của Chúa Giê-su. Chúa không phải nói rằng: “Khi các ngươi vui vẻ sung sướng, lúc đó tất cả những gì mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ!” Chúa Giê-su không phải nói vậy!

Khi ta thấy buồn rầu đau thương, nếu ta cứ giấu mình ở trong phòng mà khóc lóc, thì ta sẽ thấy càng buồn thảm hơn. Chẳng thà ta vâng theo lời của Chúa Giê-su đi giúp đỡ yên ủi người khác, thì Chúa Trời hẳn sẽ ban quyền năng cho ta, và nỗi buồn của ta sẽ được giảm bớt dần dần qua quyền năng của Ngài.

Trong bài giảng kỳ trước tôi đã kể câu chuyện một người chị vu cáo tôi la hét chửi mắng chị nhưng Chúa Trời đã cứu vớt tôi khỏi chuyện vu cáo này! (xin đọc bài giảng “Hết Lòng, Hết Linh Hồn, Hết Sức, Hết Trí Mà Kính Mến Gia-vê Chúa Trời Ngươi”“Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền (4)” để biết rõ những chi tiết) Dầu vậy, tôi đau lòng buồn thảm vô cùng. Tạ ơn Chúa Trời, Ngài đã ở cùng với tôi yên ủi khuyến khích tôi. Ngày hôm sau, cho dù lòng tôi vẫn đau đớn buồn thảm, tôi cứ bỏ qua một bên nỗi buồn thảm của mình, tôi tiếp tục đi giúp đỡ các anh chị em trong Hội Thánh. Kỳ diệu thay! Chính là khi tôi bỏ quên chính mình mà đi giúp đỡ người khác, thì quyền năng của Chúa Trời đến chữa lành vết thương trong lòng tôi. Rốt cuộc tôi tha lỗi cho chị này, tôi hòa hảo lại với chị.

Chúng ta đều mong được người khác đối đãi tử tế, vậy thì ta nên đối đãi người ta một cách hiền lành tử tế. Nếu chúng ta đang được những người xung quanh đối đãi đàng hoàng tử tế, thì ta cũng có thể tử tế với người khác. Nhưng nếu bạn đang bị người ta ngược đãi làm khổ, tương tự như tôi bị chị kia la hét rồi bị vu cáo, trong trường hợp như vậy, bạn còn có thể tử tế thương yêu người khác không?

Chúa Giê-su đã để lại một gương mẫu cho chúng ta. Khi Chúa bị bắt, Chúa bị người ta làm nhục, đánh đập. Khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa mở miệng cầu nguyện cho những người làm nhục đánh đập mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì!” (Căn cứ theo Lu-ca 23:34)

Qua những thí dụ trên, ta thấy rằng nếu ta muốn thực hành điều răn : “Yêu thương người lân cận như mình”, thì ta phải bỏ quên chính mình, rồi ta mới có thể đi làm cho người lân cận những điều mà ta muốn người khác làm cho mình.

“Yêu Thương Người Lân Cân Như Mình” Sẽ Dẫn Đến “Yêu Thương Người Lân Cận Còn Nhiều Hơn Chính Mình”

Nếu bạn là giàu sang, khi bạn thấy người khác đang bị đói, thì bạn chắc có thể cho người đó ăn no. Giả sử bạn cũng rất nghèo, nhưng bạn vẫn có một chén cơm ăn; Khi bạn thấy người khác bị đói, bạn có muốn chia chén cơm với người đó không? Nếu một mình bạn ăn chén cơm đó, thì bạn được no, nếu bạn phải chia chén cơm đó với người khác, bạn được nửa chén, người kia cũng được nửa chén; Vậy thì bạn không được no, nhưng cũng không bị đói. Bạn có chịu làm như vậy không? Nếu ta muốn thực hành yêu thương người lân cận như mình, thì ta phải sẵn sàng hy sinh lợi ích thích thú của mình, thậm chí những nhu cầu cần thiết của mình để giúp đỡ người lân cận.

Nhưng có những tình trạng còn khó khăn hơn nữa. Giả sử trong lúc trời lạnh, bạn chỉ có một chiếc áo ấm, chỉ là đủ để mặc cho ấm thôi. Khi bạn thấy một người không có áo ấm, đang run cầm cập đứng ở ngoài đường, thì bạn nên làm gì? Nếu bạn thương yêu người lân cận như mình, thì bạn nên cho người kia chiếc áo ấm của bạn. Một chiếc áo thì không thể chia làm hai được, không phải như một chén cơm vậy. Bạn có bằng lòng chịu lành để cho người kia được mặc ấm không?

Nếu ta thực sự yêu thương người lận cận như mình, thì ta nên cho người kia chiếc áo ấm của mình, và ta bằng lòng chịu lạnh. Rốt cuộc từ “yêu thương người lân cận như mình” sẽ dẫn đến “yêu thương người lân cận còn nhiều hơn chính mình” nữa!

Ta Bằng Lòng Hy Sinh Mạng Sống Của Mình Để Cho Người Lân Cận Được Sống

Bây giờ tôi dùng một thí dụ khác để mô tả cho các bạn thấy ý nghĩa cao siêu nhất của điều răn “yêu thương người lân cận như mình”. Giả sử bạn đi tàu biển, giữa đường chiếc tàu gặp gió bão sắp chìm rồi, và áo cứu đắm thì không đủ. Trong tình trạng này thì phải có người chịu hy sinh mạng sống của mình để cho người khác được sống. Nếu ta thực sự yêu thương người lân cận như mình, điều chi mà ta muốn người khác làm cho mình, thì ta nên làm điều đó cho người ta, vậy trong trường hợp này ta nên hy sinh mạng sống của mình để cho người lân cận được sống.

Ai Là Người Lân Cận Của Ta ?

Đến đây không chừng các bạn sẽ hỏi rằng: “Ai là người lân cận của tôi? Nếu tôi phải yêu thương người lân cận đến dường này, thì ta phải biết ai là người lân cận của tôi chứ?” Đó chính là câu hỏi mà ông thầy dạy Luật kia hỏi Chúa Giê-su. Sau khi Chúa nói rằng nếu người muốn được hưởng sự sống đời đời thì phải sống theo hai điều răn : “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Gia-vê Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như mình,” thì ông thầy dạy Luật hỏi rằng: “Ai là người lân cận của tôi?”

Lu-ca 10: 29 – 37 . 29 Nhưng thầy ấy muốn chứng tỏ mình là công nghĩa, nên nói cùng Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lân cận của tôi?” 30 Chúa Giê-su trả lời rằng: “Một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, người bị lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo của người, đánh đập người, rồi bỏ đi, để lại người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy người ấy, cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy người ấy thì động lòng thương xót; 34 người bèn áp lại, băng bó vết thương, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương; rồi người cho kẻ bị thương cỡi trên con lừa của mình, chở đến nhà quán trọ mà săn sóc cho. 35 Hôm sau, người lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: “Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả cho.” 36 Trong ba người đó, ngươi nghĩ ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” 37 Thầy dạy Luật nói rằng: “Ấy là kẻ đã có lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su nói rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy.”

Chúa Giê-su trả lời câu hỏi của ông thầy dạy Luật bằng một ví dụ. Có một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Giê-ri-cô, người lâm vào tay của bọn cướp, người bị giựt hết áo quần, còn bị đánh đập gần chết. Bọn cướp của bỏ người ấy nằm giữa đường. Có một thầy tế lễ đi qua , thấy người ấy, nhưng không giúp đỡ gì hết, vội vàng đi tránh qua bên kia đường. Có một người Lê-vi đi qua, cũng không chịu giúp đỡ rồi đi khỏi. Có một người Sa-ma-ri tới, thấy người ấy và động lòng thương xót. Người Sa-ma-ri săn sóc cho kẻ bị thương, rồi đem người ấy đến nhà quán trọ. Sáng hôm sau, người Sa-ma-ri trao hai đơ-ni-ê cho ông chủ quán, dặn ông này hãy săn sóc cho kẻ bị thương, nếu món tiền đó không đủ, thì khi ông làm xong công chuyện trở về, ông sẽ trả cho. Rồi Chúa Giê-su hỏi ông thầy dạy Luật rằng trong số ba người này, ai là người lân cận của kẻ bị thương ? Câu trả lời thì rất hiển nhiên, người Sa-ma-ri là người lân cận của kẻ bị thương. Rồi Chúa Giê-su dặn ông thầy dạy Luật rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy.”

Ý nghĩa của ví dụ này là gì? Ông thầy dạy Luật muốn biết ai là người lân cận của mình bởi vì ông phải yêu người lân cận như mình ! Chúa Giê-su bèn dùng ví dụ này để giảng dạy cho ông một bài học.

Xin các bạn để ý, người Giu-đa thì không có giao thiệp với người Sa-ma-ri (căn cứ theo Giăng 4:9: “dân Giu-đa không có giao thiệp với dân Sa-ma-ri”). Bởi vậy người Sa-ma-ri này vốn không phải là người bạn của kẻ bị thương, hai người này vốn không quen biết nhau.

Khi người Sa-ma-ri thấy kẻ bị thương, người không có xem xét coi kẻ bị thương này có phải là bạn bè thân thuộc, rồi mới quyết định có nên giúp đỡ người ấy hay không. Không! Không phải như vậy ! Khi người Sa-ma-ri thấy một người bị thương nặng gần chết, và không ai giúp đỡ nó, thì người đứng ra hết lòng hết sức giúp đỡ người ấy cho dù người ấy không phải là bạn bè thân thuộc. Chúa Giê-su dặn ông thầy dạy Luật hãy làm theo như vậy.

Bởi vậy thái độ của ta không phải là ta đi tìm coi ai là người tốt với mình, thì ta coi người đó là người lân cận của mình, và ta sẽ yêu thương người đó như mình; còn những người xa lạ không quen biết hoặc những người không tốt với mình, thì ta không coi họ là người lân cận, và ta cũng không cần yêu thương họ như mình. Ấy là tâm trạng của phần đông người đời, thái độ này là ích kỉ tội lỗi.

Hàng ngày khi ta gặp phải người nào bị lâm vào nguy hiểm gian nan, thì ta nên giúp đỡ người ấy bất cứ người ấy có phải là bạn bè thân thuộc hay không.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã học tập điều răn “yêu thương người lân cận như mình” phần (1). Ta thấy rằng yêu thương người lân cận như mình có nghĩa là những gì mà ta muốn người khác làm cho mình, thì ta hãy đi làm những điều đó cho người lân cận. Nếu ta muốn thực hành điều răn này:

  • Đầu tiên ta phải bỏ quên chính mình mới có thể yêu thương người lân cận như mình.
  • Thứ hai ta sẵn sàng “yêu thương người lân cận còn nhiều hơn chính mình”.
  • Thứ ba ta bằng lòng hy sinh mạng sống của mình để cho người lân cận được sống.

Mà người lân cận không những chỉ là bạn bè thân thuộc, những người hàng xóm, hoặc các anh chị em Tín-Đồ trong Hội Thánh. Lẽ dĩ nhiên ta phải yêu thương anh chị em Tín-Đồ như mình, ta yêu thương bà con thân thuộc như mình, và ta yêu thương những người hàng xóm như mình vậy. Nhưng Chúa Giê-su dạy rằng hàng ngày khi ta gặp những kẻ bị lâm vào nguy hiểm gian nan, thì ta nên giúp đỡ yêu thương họ như mình bất cứ họ có phải là bạn bè thân thuộc hay không.

Không chừng các bạn cảm thấy rằng làm sao mà làm nổi điều răn này, khó khăn quá ! Vâng, điều răn của Chúa Giê-su là luôn luôn trái ngược với bản tánh của ta, cho nên loài người không cách nào làm nổi bằng khả năng lực lượng của mình. Nhưng nếu ta phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời, thì Ngài sẽ ban Thánh Linh cho ta để chỉ dẫn giúp đỡ ta, Ngài sẽ biến chuyển tâm hồn của ta, rồi nhờ vào ân điển của Ngài chúng ta có thể làm nổi điều răn này.

Khi chúng ta vâng phục lời dạy của Chúa Trời, ta sẽ kinh lịch một niềm vui mừng bình yên không diễn tả nổi, cho dù cuộc sống của ta là nghèo khổ gian nan, nhưng ta vẫn có vui vẻ bình yên trong lòng. Đó chính là sự sống đời đời trên thế gian này. Nếu hiện bây giờ chúng ta đã kinh lịch sự sống đời đời như vậy, thì ta hẳn được sự sống đời đời ở nước Thiên Đàng trong tương lai.

Kỳ sau chúng ta sẽ học tiếp “Yêu thương người lân cận như mình” phần (2).

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church