You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (7)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (7)

Phước Cho Những Kẻ Nghèo Khổ Trong Tâm Linh

Ma-thi-ơ 5:1 – 3

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Đại Ý Sơ Lược Của Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 4:12 – 25

Kỳ Trước chúng ta đã tra khảo sự kiện ma quỉ cám dỗ Chúa Giê-su, hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp. Khi Chúa Giê-su nghe tin rằng Giăng Báp-tít đã bị bỏ tù rồi, thì Chúa rời đến thành phố Ca-bê-na-um của xứ Ga-li-lê. Ở đó Chúa Giê-su khởi sự truyền giảng Tin Lành, Chúa dạy rằng: “Các ngươi hãy ăn năn, vì vương quốc Thiên Đàng đã đến gần.” (Xin đọc bài giảng “Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su” để hiểu rõ ý nghĩa của ăn năn hối cải). Một hôm Chúa Giê-su đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, Chúa thấy Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, cùng với em là Anh-rê, họ đang thả lưới dưới biển. Chúa kêu gọi hai anh em này: “Các ngươi hay theo ta, ta sẽ khiến cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” (Xin đọc bài giảng “Tay Đánh Lưới Người” để hiểu rõ ý nghĩa của “Tay Đánh Lưới Người”). Chúa Giê-su đi khắp xứ Ga-li-lê, Chúa đi vào các nhà hội để rao truyền Tin Lành của vương quốc Chúa Trời, và Chúa còn chữa lành mọi thứ bịnh tật trong dân chúng.

Tám Phước Lành Trong Bài Giảng Trên Núi

Bây giờ chúng ta bắt đầu tra khảo Ma-thi-ơ 5. Lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Lành theo Ma-thi-ơ có thể chia làm 5 bộ phận, mà chương 5, 6 và 7 chính là phần thứ nhất trong nguyên bộ lời dạy của Chúa. Ba chương này được gọi là “Bài giảng trên núi”.

Trong 3 chương này Chúa Giê-su giảng dạy về những đức tính của người dân của vương quốc Chúa Trời. Các nhà học giả Kinh Thánh cho rằng Ma-thi-ơ chương 5, 6 và 7 là Hiến Pháp của vương quốc Chúa Trời. Trong Tân Ước, Tín Đồ Cơ Đốc là người dân của vương quốc Chúa Trời, cho nên chúng ta phải hiểu rõ lời dạy trong 3 chương này, rồi chúng ta mới có thể sống một cuộc sống xứng đáng là người dân của vương quốc Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 5:1 – 12 1 Khi Chúa Giê-su thấy đoàn dân đông, Chúa đi lên núi. Khi Chúa ngồi xuống, các môn đồ đến gần Chúa. 2 Chúa mở miệng mà truyền dạy rằng:

3 “Phước cho những kẻ nghèo khổ trong tâm linh, vì vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy!

4 Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!

5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ được thừa hưởng đất đai!

6 Phước cho những kẻ đói khát sự công nghĩa, vì sẽ được thỏa mãn!

7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!

8 Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ được thấy Chúa Trời!

9 Phước cho những kẻ tạo nên bình yên, vì sẽ được gọi là con Chúa Trời!

10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa, vì vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy! 11 Khi nào vì cớ của ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ vu cáo các ngươi, thì các ngươi được phước. 12 Hãy vui vẻ, và hân hoan mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời thì lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su giảng dạy về 8 phước lành Chúa Trời ban cho chúng ta. Các bạn hẳn muốn được hưởng phước lành do Chúa Trời ban cho chứ, phải không? Nếu bạn muốn được hưởng 8 phước lành này, thì bạn phải trở thành loại người mà Chúa mô tả trong đoạn Kinh Thánh trên, nào là kẻ nghèo khổ trong tâm linh, nào là kẻ than khóc, nào là kẻ nhu mì, nào là kẻ bị người ta mắng nhiếc, bắt bớ v.v. Khi chúng ta trở thành loại người này, thì chúng ta mới phù hợp điều kiện để được hưởng phước lành.

Không chừng bạn sẽ nói rằng: “Cái gì đây? Hạng người như vậy mới được Chúa Trời ban phước ư? Cái gì mà kỳ lạ ghê!” Hỡi các bạn ơi, đây là lời dạy của Chúa Giê-su, chứ không phải là lời của tôi, tôi chỉ là thuật lại lời của Chúa thôi. Lời dạy của Chúa Giê-su thì rất sâu xa uyên thâm; tại vì chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa trong lời dạy của Chúa, cho nên ta thấy lời của Chúa thiệt là kỳ lạ. Bây giờ để chúng ta đi tìm hiểu ý nghĩa của từng phước lành kể trên.

Nghèo Khổ Trong Tâm Linh Có Nghĩa Là Gì?

Ma-thi-ơ 5:3 3 Phước cho những kẻ nghèo khổ trong tâm linh, vì vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy!

Nghèo khổ trong tâm linh có nghĩa là gì? Chúng ta đều biết rõ nghèo khổ về tiền tài vật chất là cái gì, phải không? Vậy để tìm hiểu ý nghĩa của nghèo khổ trong tâm linh, chúng ta có thể so sánh một người nghèo khổ trong tâm linh với một người nghèo khổ về tiền tài vật chất.

Một người nghèo khổ về tiền tài vật chất thì không có tiền, nhiều khi còn mắc nợ nữa, một người càng nghèo thì mắc nợ càng nhiều. Còn một người nghèo khổ trong tâm linh thì mắc nợ Chúa Trời! Các bạn đừng có ngạc nhiên, Kinh Thánh mô tả tội lỗi như một món nợ, khi ta phạm tội lỗi thì ta mắc nợ Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 6:12 – 15 12 “Xin tha nợ cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ mắc nợ cùng chúng tôi. 13 Xin chớ để chúng tôi sa vào cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” 14 Nếu các ngươi tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. 15 Nhưng nếu các ngươi không tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ các ngươi.

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su nói về tha nợ trong câu 12, rồi Chúa nói về tha tội cho người ta trong câu 14 và 15. Chúa so sánh tội lỗi như một món nợ. Khi ta phạm tội nghịch với Chúa Trời thì ta mắc nợ Ngài. Tương tự như vậy khi người khác phạm tội nghịch với ta thì họ mắc nợ ta. Khi chúng ta tha kẻ mắc nợ ta có nghĩa là ta tha tội cho người đó. Nếu ta tha tội cho người ta thì Chúa Trời cũng sẽ tha thứ chúng ta, nếu chúng ta không tha tội cho người ta thì Chúa Trời cũng sẽ không tha thứ chúng ta.

Ma-thi-ơ 18:21 – 27 21 Lúc ấy, Phi-e-rơ bèn đến gần Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, tôi sẽ tha cho người mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” 22 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. 23 Vì thế, vương quốc Thiên Đàng ví như vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ mình. 24 Khi vua bắt đầu soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua mười ngàn ta-lâng. 25 Nhưng vì người không có gì để trả nợ, thì chủ ra lệnh bán người, vợ con và tất cả tài sản để trả nợ. 26 Tên đầy tớ nầy quỳ xuống van lạy: “Xin chủ hoãn lại cho con, con sẽ trả hết!” 27 Chủ của tên đầy tớ kia bèn động lòng thương xót, thả người ra và tha nợ của người.”

Trong đoạn Kinh Thánh này, Phi-e-rơ hỏi Chúa Giê-su rằng người phải tha cho anh em bao nhiêu lần, Chúa đáp rằng phải đến bảy mươi lần bảy; rồi Chúa giảng dạy về sự tha tội bằng câu chuyện của một người đầy tớ được ông vua tha nợ. Ở đây Chúa Giê-su lại so sánh tội lỗi như một món nợ.

Tên đầy tớ này mắc nợ ông vua mười ngàn (10.000) ta-lâng bạc. Các bạn có biết mười ngàn ta-lâng bạc là bao nhiêu không? Trong thời của Chúa Giê-su, tiền công một ngày của người công nhân lao động là 1 đơ-ni-ê; 1 ta-lâng bạc là tương đương với 10 ngàn (10.000) đơ-ni-ê, có nghĩa là người công nhân phải làm việc 10.000 ngày mới kiếm được 1 ta-lâng bạc, mà 10.000 ngày tức là 27 năm. Một người công nhân phải làm việc 27 năm trời mới kiếm được 1 ta-lâng bạc. Tên đầy tớ kia mắc nợ ông vua mười ngàn (10.000) ta-lâng, người phải làm việc 270.000 (2 trăm 70 ngàn) năm mới trả được món nợ!! Người sẽ không bao giờ trả được món nợ!

Chúa Giê-su muốn cho ta thấy rằng tội lỗi của ta là nghiêm trọng đến dường nào, chúng ta không bao giờ trả được món nợ, chúng ta tuyệt đối không cách nào tẩy sạch tội lỗi của mình. Chỉ có một lối thoát duy nhất cho chúng ta là cầu xin Chúa Trời ban ơn điển tha tội cho ta!

Một người nghèo khổ trong tâm linh là một người biết rằng mình đã mắc nợ Chúa Trời một món tiền khổng lồ, có nghĩa là mình đã phạm tội lỗi trầm trọng; người biết rằng mình không cách nào trả nổi món nợ này bằng khả năng của mình. Cho nên người tự hạ mình xuống cầu xin Chúa Trời ban ơn điển tha tội cho mình, người vui lòng phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài để Ngài cải quản sử dụng.

Căn cứ theo câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:3 thì vương quốc Thiên Đàng là của những người như vậy. Những người nghèo khổ trong tâm linh thì được nhận vào vương quốc Chúa Trời, họ là người dân của vương quốc Chúa Trời.

Hết thảy người đời đều đã phạm tội, nhưng rất ít người nhận thấy mình là tội nhận. Có nhiều người còn kiêu ngạo khinh thường ơn điển của Chúa Trời nữa. Ngược lại những đầy tớ rất trung tín của Chúa Trời lại thấy rằng mình đã phạm tội trầm trọng. Sứ đồ Phao-lô hết lòng hết sức rao truyền Tin Lành suốt đời, mà người nói rằng mình là người nặng tội nhất.

1 Ti-mô-thê 1:15 15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng được đón nhận hoàn toàn: Chúa Giê-su Christ đã đến vào thế gian để cứu vớt những người tội lỗi, mà tôi là người nặng tội nhất.

Sự Liên Hệ Giữa Nghèo Khổ Trong Tâm Linh Và Nghèo Khổ Về Tiền Tài Vật Chất

Các bạn nghĩ rằng giữa nghèo khổ trong tâm linh và nghèo khổ về tiền tài vật chất có sự liên hệ hay không?

Lu-ca 6:20 20 Chúa ngước mắt ngó môn đồ mà phán rằng: “Phước cho các ngươi nghèo khổ, vì vương quốc Chúa Trời thuộc về các ngươi!”

Đây là câu Kinh Thánh tương đương với Ma-thi-ơ 5:3. Trong câu này Chúa không phải nói về nghèo khổ trong tâm linh nữa, mà là nghèo khổ túng thiếu về tiền tài vật chất. Căn cứ theo câu Kinh Thánh này thì những người nghèo khổ về tiền tài vật chất là có phước lắm, tại vì vương quốc Chúa Trời thuộc về họ, họ là người dân của vương quốc Chúa Trời.

Các bạn chắc ngạc nhiên lắm, phải không? Tại sao chỉ vì những người này là nghèo khổ thì họ được làm người dân của vương quốc Chúa Trời? Điểm này thì khó hiểu quá! Bây giờ để tôi giải thích cho các bạn từng bước một.

Câu Kinh Thánh Lu-ca 6:20 dạy rằng vương quốc Chúa Trời thuộc về những người nghèo khổ về tiền tài vật chất; còn câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:3 thì dạy rằng vương quốc Thiên Đàng thuộc về những kẻ nghèo khổ trong tâm linh. Khi chúng ta so sánh hai câu Kinh Thánh này với nhau, ta thấy rằng giữa nghèo khổ trong tâm linh và nghèo khổ về tiền tài vật chất hẳn có một sự liên hệ rất quan trọng. Sự liên hệ đó là cái gì?

Khi chúng ta thiếu thốn vật chất tiền tài thì ta biết rõ lắm, lẽ dĩ nhiên ta biết mình là nghèo hay không. Nhưng về phương diện tâm linh thì phần đông người đời không biết mình đang mắc nợ Chúa Trời, chỉ có một số ít người nhận thấy được tội lỗi trầm trọng của mình. Tại sao có người thì nhận thấy được tội lỗi của mình mà có người thì không nhận thấy được?

Thông thường những người giàu sang thì khó mà nhận thấy được tội lỗi của mình. Chẳng những thế, Kinh Thánh ghi rằng khi người dân của Chúa Trời trở nên giàu sang sung túc thì họ sẽ phản nghịch lại Ngài.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:20 20 Vì ta sẽ đưa dân nầy vào xứ tràn trề sữa và mật ong, là xứ ta đã hứa ban cho các tổ tiên của họ, và họ sẽ ăn no nê và béo mập, rồi họ sẽ hướng về các thần khác và thờ phượng chúng, họ sẽ khinh dể ta và phá vỡ giao ước của ta.

Chúa Trời Gia-vê phán rằng sau khi người dân Y-sơ-ra-ên ăn no nê và béo mập thì họ sẽ thờ phượng các thần khác và khinh dể Ngài!

Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:15 15 Giê-su-run đã mập mạp và tung chân đá, người trở nên mập, lớn và béo tròn. Người đã lìa bỏ Chúa Trời, là Ðấng dựng nên người, và khinh dể Hòn Ðá của sự cứu chuộc của người.

Giê-su-run tức là Y-sơ-ra-ên. Khi Y-sơ-ra-ên trở nên mập mạp, béo tròn thì người sẽ lìa bỏ Chúa Trời và còn khinh dể Ngài nữa!

Hai đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng ngay cả người dân của Chúa Trời cũng sẽ phản nghịch lại Ngài khi họ trở nên giàu sang béo mập. Tiền tài có tác dụng khiến cho người ta không thấy được quyền năng vĩ đại của Chúa Trời và khiến họ trở nên phản nghịch với Ngài.

Khi những người giàu sang gặp điều gì khó khăn, họ có thể dùng tiền bạc để giải quyết hầu hết nan đề của họ. Xin các bạn để ý, tôi nói là hầu hết nan đề của họ, chứ không phải là hết thảy nan đề. Thông thường những người giàu sang không cần phải cầu xin Chúa Trời giúp đỡ họ, vì vậy họ không kinh lịch được quyền năng và ơn điển của Ngài. Nhưng chính là khi ta kinh lịch quyền năng và ơn điển của Chúa Trời thì đôi mắt tâm linh của ta mới được sáng tỏ, rồi ta mới thấy được tội lỗi của mình và nhân từ thương xót của Ngài. Mà những người giàu sang không kinh lịch được quyền năng và ơn điển của Chúa Trời, cho nên đôi mắt tâm linh của họ là mù lòa, họ không thấy được tội lỗi của mình.

Ngược lại những người nghèo khổ túng thiếu thường gặp khó khăn về mọi phương diện, không ai giúp đỡ họ, không ai thương xót cho họ, họ chỉ có cầu xin Chúa Trời, bởi vậy mà họ kinh lịch được quyền năng ơn điển của Ngài thường xuyên, cho nên đôi mắt tâm linh của họ được sáng tỏ, họ thấy rõ tội lỗi của mình và nhân từ thương xót của Ngài, họ cầu xin Ngài tha tội và họ vui lòng phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài. Rốt cuộc họ được nhận vào vương quốc Chúa Trời!

Khi tôi còn ở Việt Nam, gia đình tôi tuy nghèo, nhưng có ba má trông nom che chở tôi, tôi không cần phải lo nghĩ đến bao nhiêu nan đề trên đời này, tôi chỉ ráng học là được rồi. Hồi đó tôi không nhận thấy tội lỗi trầm trọng của mình, tôi nghĩ rằng cho dù tôi có phạm một số tội lỗi, nhưng tôi vẫn tốt hơn rất nhiều người. Mãi đến khi tôi đi qua Canada, tôi sống một mình, không ai trông nom che chở tôi nữa, lúc đó tôi phải đối diện với bao nhiêu gian nan nguy hiểm, không ai giúp đỡ tôi, tôi chỉ có kêu cầu Chúa Trời cứu tôi. Sau khi tôi kinh lịch quyền năng và ơn điển của Chúa Trời thì đôi mắt tâm linh của tôi được sáng tỏ, tôi nhận thấy tội lỗi của mình, tôi cầu xin Ngài tha tội và tôi phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài để Ngài cai quan đời tôi. (Xin đọc 5 bài giảng “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền (1), (2), (3), (4), (5)” để biết rõ về những kinh lịch kỳ diệu của tôi)

Nói tóm lại thông thường những người nghèo khổ về tiền tài vật chất có thể thấy được tội lỗi của mình một cách dễ dàng hơn, cho nên họ là kẻ có phước. Nghèo khổ về tiền tài vật chất có thể dẫn đến nghèo khổ trong tâm linh.

Lẽ dĩ nhiên nếu một người chỉ là nghèo khổ túng thiếu nhưng lại không muốn tìm cầu Chúa Trời, thì người ấy hẳn không phải là người có phước. Thật ra có nhiều người vì nghèo khổ mà rất ham tiền, họ đi làm những chuyện phi pháp để kiếm tiền, rồi dần dần họ bị lạc vào tội lỗi ngày càng nghiêm trọng. Cũng có những người nghèo khổ cầu xin Chúa Trời giúp đỡ họ, nhưng sau khi Ngài giúp họ rồi, thì họ không chịu vâng phục Ngài, họ chỉ muốn sự giúp đỡ của Ngài nhưng họ không muốn chịu sự cai quản của Ngài; những người này chỉ là lợi dụng lòng thương xót của Chúa Trời thôi, như vậy thì hẳn không có phước lành gì cả.

Ngược lại cũng có những người giàu sang lại rất ham mộ lẽ thật, họ thấy rõ tội lỗi của mình, họ tự hạ mình xuống cầu xin Chúa Trời tha tội, họ phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài để Ngài tùy ý sử dụng. Những người giàu sang về tiền tài vật chất nhưng lại có thái độ nghèo khổ trong tâm linh thì là những kẻ có phước, họ được nhận vào vương quốc Chúa Trời. Thật ra có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc vốn là giàu sang sung túc, rồi họ từ bỏ tiền tài địa vị mà đi truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời; họ vui lòng sống một cuộc đời nghèo khổ túng thiếu vì cớ của vương quốc Chúa Trời, cho nên vương quốc Chúa Trời hẳn thuộc về những kẻ ấy!

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:3, “Phước cho những kẻ nghèo khổ trong tâm linh, vì vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy!” Những người nghèo khổ trong tâm linh là những người thấy rõ tội lỗi trầm trọng của mình, cho nên họ tự hạ mình xuống cầu xin Chúa Trời ban ơn điển tha tội, họ vui lòng phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài. Vương quốc Chúa Trời là thuộc về những kẻ này!

Thông thường những người nghèo khổ về tiền tài có thể thấy rõ tội lỗi của mình, ngược lại những người giàu sang thường không thấy được tội lỗi của mình. Cho nên những người nghèo khổ túng thiều là có phước hơn những người giàu sang sung túc, tại vì nghèo khổ về tiền tài vật chất có thể dẫn đến thái độ nghèo khổ trong tâm linh. Bạn có vui lòng sống trong nghèo khổ túng thiếu để có thái độ nghèo khổ trong tâm linh không?

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church