You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (28)

 

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (28)

Xin Tha Nợ Cho Chúng Tôi

Ma-thi-ơ 6:12

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Trong bài giảng trước, chúng ta đã tra khảo câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:11, bây giờ chúng ta tra khảo câu Kinh Thánh kế tiếp:

Ma-thi-ơ 6:12 12 Xin tha nợ cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha nợ cho những kẻ mắc nợ chúng tôi;

Khi bạn đọc câu Kinh Thánh này, bạn có thắc mắc không? Bạn chắc nghĩ rằng: “Tại sao Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải xin Chúa Trời tha nợ ? Tôi đâu có mắc nợ Chúa Trời, tôi chưa hề thấy Chúa Trời bao giờ, làm sao mà tôi mắc nợ Ngài ?”

Hỡi các bạn ơi, Kinh Thánh so sánh tội lỗi như một món nợ. Khi chúng ta phạm tội lỗi thì ta mắc nợ Chúa Trời.

Kinh Thánh So Sánh Tội Lỗi Như Một Món Nợ

Lu-ca 11:1 – 4 1 Có một ngày, Chúa Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình.” 2 Chúa nói với chúng rằng: “Khi các ngươi cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha! danh Cha được tôn thánh; vương quốc Cha đến. 3 Xin cho chúng tôi bánh đủ sống mỗi ngày; 4 xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha mọi người mắc nợ chúng tôi; và xin chớ đem chúng tôi vào sự cám dỗ!’”

Đây là đoạn Kinh Thánh tương đương của Ma-thi-ơ 6:9 – 13. Trong Kinh Thánh có những đoạn Kinh Thánh tương đương với nhau, có nghĩa là những đoạn Kinh Thánh này thuật lại cùng một sự kiện bằng những lời hơi khác nhau. Lu-ca 11:1 – 4 thuật lại bài cầu nguyện của Chúa Giê-su bằng những lời hơi khác với Ma-thi-ơ 6:9 – 13.

Trong Lu-ca 11:4, Chúa Giê-su nói rằng: “Xin tha tội cho chúng tôi,” còn trong Ma-thi-ơ 6:12, Chúa nói rằng: “Xin tha nợ cho chúng tôi.” Hai đoạn Kinh Thánh tương đương này chỉ ra rằng cầu xin Chúa Trời tha nợ tức là cầu xin Ngài tha tội.

Ma-thi-ơ 18:21 – 27 21 Lúc ấy, Phi-e-rơ bèn đến gần Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, tôi sẽ tha cho người mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” 22 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. 23 Vì thế, vương quốc Thiên Đàng ví như vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ mình. 24 Khi vua bắt đầu soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua mười ngàn ta-lâng. 25 Nhưng vì người không có gì để trả nợ, thì chủ ra lệnh bán người, vợ con và tất cả tài sản để trả nợ. 26 Tên đầy tớ nầy quỳ xuống van lạy: “Xin chủ hoãn lại cho con, con sẽ trả hết!” 27 Chủ của tên đầy tớ kia bèn động lòng thương xót, thả người ra và tha nợ của người.”

Phi-e-rơ hỏi Chúa Giê-su rằng người phải tha tội cho anh em bao nhiêu lần, có phải đến 7 lần chăng? Chúa Giê-su đáp rằng không phải 7 lần, nhưng đến 70 lần 7 (70x7). Người Do Thái cho rằng số 7 là con số toàn vẹn, mà 70x7 là tuyệt đỉnh rồi. Bởi vậy 70x7 tức là vô số lần. Chúa dạy rằng chúng ta phải tha tội cho anh em vô số lần. Rồi từ câu 23, Chúa bắt đầu kể một ví dụ về một ông vua tha nợ cho tên đầy tớ của mình.

Tên đầy tớ này mắc nợ ông vua 10 ngàn ta-lâng. Các bạn có biết 10 ngàn ta-lâng là bao nhiêu không? 1 ta-lâng bạc là tương đương với 6000 đơ-ni-ê, nếu 1 ta-lâng vàng thì giá trị càng cao hơn. Nhưng đoạn Kinh Thánh trên không có nói rõ là ta-lâng bạc hay ta-lâng vàng, chúng ta giả sử ấy là 10 ngàn (10.000) ta-lâng bạc.

1 ta-lâng bạc = 6000 đơ-ni-ê,

10.000 ta-lâng bạc = 10.000 x 6000 = 60.000.000 (60 triệu) đơ-ni-ê.

Hồi đó, người công nhân lao động làm việc một ngày mới kiếm được 1 đơ-ni-ê, vậy tên đầy tớ này phải làm việc 60 triệu (60.000.000) ngày mới kiếm được 10 ngàn ta-lâng bạc để trả nợ ông vua. Một năm có 365 ngày, 60 triệu (60.000.000) ngày tức là 164 ngàn (164.000) năm! Vậy tên đầy tớ này sẽ không bao giờ trả được món nợ khổng lồ này.

Tên đầy tớ không có tiền để trả nợ, ông vua ra lệnh bán người, vợ con người và tất cả tài sản để trả nợ. Người cầu xin ông vua hoãn lại, người hứa rằng người sẽ ráng trả hết nợ cho vua. Ông Vua biết rằng người sẽ không bao giờ trả được món nợ này, nhưng vua động lòng thương xót cho người và tha hết nợ của người.

Trong ví dụ trên, Chúa Giê-su so sánh tội lỗi như một món nợ. Khi chúng ta phạm tội thì ta mắc nợ Chúa Trời. Trẻ con từ lúc 5, 6 tuổi đã bắt đầu nói dối, càng lớn thì phạm tội càng nặng. Mỗi lần chúng ta phạm tội thì món nợ gia tăng thêm. Cho đến khi trưởng thành chúng ta đã phạm bao nhiêu tội lỗi, món nợ của ta đã quá lớn rồi, ta không cách nào trả nổi. Chúng ta chỉ có một lối thoát duy nhất là cầu xin Chúa Trời tha tội.

Nhưng tha tội không phải là vô điều kiện. Chúng ta phải làm gì mới được Chúa Trời tha tội ?

Chúng Ta Phải Tha Tội Những Kẻ Đã Phạm Tội Cùng Ta

Nếu chúng ta muốn được Chúa Trời tha tội, đầu tiên ta phải tha tội những kẻ đã phạm tội nghịch cùng ta.

Ma-thi-ơ 6:14 – 15 14 Nếu các ngươi tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha tội các ngươi. 15 Nhưng nếu các ngươi không tha tội cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha tội các ngươi.

Mác 11:25 25 Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có điều gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, hầu cho Cha các ngươi ở trên trời cũng tha tội cho các ngươi.

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 6:14 – 15 và Mác 11:25 đều dạy rằng nếu chúng ta tha tội cho người ta thì Cha ở trên trời cũng tha tội của ta. Nếu chúng ta không tha tội cho người ta thì Cha ở trên trời cũng không tha tội của ta.

Lu-ca 17:3 – 4 3 Các ngươi hãy cảnh giác. Nếu anh em ngươi phạm tội, hãy khiển trách người; và nếu người ăn năn hối cải, thì hãy tha tội. 4 Nếu trong một ngày, người phạm tội cùng ngươi bảy lần, và bảy lần trở lại cùng ngươi mà nói rằng: “Tôi ăn năn hối cải,” thì hãy tha tội cho người.

Đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 17:3 – 4 dạy rằng khi chúng ta thấy anh chị em Tín Đồ khác phạm tội, thì ta có bổn phận phải chỉ ra cho người thấy tội lỗi của người. Nếu người ăn năn hối cải, thì ta phải tha tội. Cho dù anh chị em phạm tội cùng ta 7 lần, có nghĩa là nhiều lần, nhưng mỗi lần người đều trở lại và ăn năn hối cải, thì ta nên tha tội cho người.

Ở phần trên, chúng ta đã học tập phân nửa của ví dụ (Ma-thi-ơ 18:21 – 27) mà Chúa Giê-su dùng để dạy bảo Phi-e-rơ rằng người cần phải tha tội cho anh em vô số lần. Bây giờ chúng ta học tiếp phần sau của ví dụ này.

Ma-thi-ơ 18:28 – 35 28 Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người bạn đầy tớ mắc nợ mình một trăm đơ-ni-ê; người bắt lấy và nắm cổ bạn mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta!’ 29 Người bạn quỳ xuống mà nài xin rằng: ‘Xin hoãn lại cho tôi, tôi sẽ trả cho anh.’ 30 Nhưng người không chịu, và bắt người bạn đầy tớ vào tù cho đến khi trả hết nợ. 31 Các bạn đầy tớ khác thấy vậy, họ buồn lắm và đi thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. 32 Chủ bèn gọi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; 33 tại sao ngươi lại không thương xót đồng bạn đầy tớ của ngươi như ta đã thương xót ngươi vậy ?” 34 Chủ nổi giận, giao nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào nó trả hết nợ. 35 Cha ta ở trên trời cũng sẽ đối xử với các ngươi như thế nếu các ngươi không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Trong ví dụ này, người bạn mắc nợ tên đầy tớ này 100 đơ-ni-ê. Người bạn cầu xin tên đầy tớ hoãn lại và người sẽ ráng trả hết. Xin các bạn để ý, 100 đơ-ni-ê là một món nợ rất nhỏ so với món nợ 10.000 ta-lâng bạc (tức là 60.000.000 đơ-ni-ê). Một người công nhân chỉ cần làm việc 100 ngày thì có thể kiếm được 100 đơ-ni-ê. Nhưng tên đầy tớ không chịu gia hạn cho người bạn, người bỏ người bạn vào tù. Khi ông vua hay biết chuyện này, vua nổi giận và bỏ tên đầy tớ này vào tù cho đến chừng nào nó trả hết nợ. Tên đầy tớ này sẽ không bao giờ trả được món nợ.

Qua ví dụ này, chúng ta học được những bài học thuộc linh quan trọng:

  • Tên đầy tớ này không cách nào trả được món nợ khổng lồ của mình (10.000 ta-lâng bạc = 60.000.000 đơ-ni-ê), ấy là tương tự như chúng ta không cách nào tẩy sạch được tội lỗi của ta. Chúng ta chỉ có một lối thoát duy nhất là cầu xin Chúa Trời tha tội.
  • Người bạn mắc nợ tên đầy tớ một số tiền rất nhỏ so với món tiền khổng lồ mà tên đầy tớ mắc nợ ông vua, ấy là tương tự như tội lỗi mà người khác đã phạm cùng ta là rất nhẹ so sánh với tội lỗi ta đã phạm cùng Chúa Trời.
  • Ông vua khiển trách tên đầy tớ này là độc ác vì người không tha nợ cho người bạn. Nếu chúng ta không tha tội cho người ta, thì ta là độc ác trong mắt của Chúa Trời.
  • Ông vua tra hỏi tại sao tên đầy tớ không thương xót cho người bạn cũng như vua đã thương xót cho người. Chúa Trời tha tội cho chúng ta vì Ngài thương xót cho ta, và Ngài đòi hỏi chúng ta phải thương xót cho người khác cũng như Ngài đã thương xót ta vậy.
  • Nếu chúng ta không tha tội cho người khác, thì Ngài cũng không tha tội cho ta. Khi chúng ta không thương xót người khác thì Ngài cũng không thương xót ta. Chúng ta đối đãi người ta thể nào thì Chúa Trời đối đãi ta cùng một thể ấy.

Nói tóm lại, điều kiện đầu tiên để được tha tội là chúng ta phải tha tội cho những người đã phạm tội cùng ta.

Tha Tội Là Dính Liền Với Ăn Năn Hối Cải

Điều kiện thứ hai là ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình.

Mác 1:1 – 4 1 Khởi đầu Tin Lành của Chúa Giê-su Christ, Con của Chúa Trời. 2 Như đã chép trong sách tiên tri Ê-sai rằng: “Nầy, ta sai sứ giả ta đến trước ngươi, người sẽ dọn đường cho ngươi. 3 Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: ‘Hãy dọn đường của Chúa, ban bằng các nẻo của Chúa.’” 4 Giăng Báp-tít xuất hiện trong đồng vắng, truyền giảng phép báp-tem của ăn năn hối cải để được tha tội.

Lu-ca 3:3 3 Giăng đi khắp tất cả các vùng lân cận sông Giô-đanh, truyền giảng phép báp-tem của ăn năn hối cải để được tha tội,

Hai đoạn Kinh Thánh trên Mác 1:1 – 4 và Lu-ca 3:3 đều nói về sự kiện Giăng Báp-tít truyền giảng phép báp-tem ở nơi đồng vắng. Phép báp-tem mà Giăng Báp-tít truyền giảng là phép báp-tem của ăn năn hối cải để được tha tội. Người Do Thái phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình, và chịu phép báp-tem, rồi họ mới được tha tội.

Xin các bạn để ý, chính Chúa Giê-su cũng chịu phép báp-tem của Giăng Báp-tít, sau đó Chúa mới bắt đầu truyền giảng Tin Lành của vương quốc của Chúa Trời. (Xin đọc bài giảng “Chúa Giê-su Chịu Phép Báp-tem” để hiểu rõ các chi tiết)

Lu-ca 24:46 – 47 46 Chúa nói cùng họ rằng: “Có lời chép rằng: ‘đấng Christ phải chịu đau đớn, rồi đến ngày thứ ba sống lại từ kẻ chết, 47 và người ta sẽ nhân danh Chúa mà truyền giảng ăn năn hối cải để được tha tội cho tất cả các dân tộc, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.’

Sau khi Chúa Giê-su phục sinh rồi, Chúa hiện ra trước mặt các môn đồ và giải thích cho họ biết rằng Kinh Thánh đã báo trước rằng Chúa phải chịu đau đớn và chết chóc; và sau khi Chúa sống lại từ kẻ chết, thì người ta sẽ nhân danh Chúa mà truyền giảng ăn năn hối cải để được tha tội cho tất cả các dân tộc. Tất cả những chuyện này đều nằm trong kế hoạch cứu chuộc của Chúa Trời Đức Gia-vê.

Xin các bạn để ý, Chúa Giê-su dặn các môn đồ phải truyền giảng ăn năn hối cải để được tha tội.

Sau khi Chúa Giê-su thăng lên trời rồi, các môn đồ vâng theo lời dặn dò của Chúa mà ở lại thành Giê-ru-sa-lem để chờ đợi Thánh Linh giáng lâm. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh đến trên các môn đồ và họ nhận được quyền năng. Rồi họ bắt đầu truyền giảng Tin Lành tại Giê-ru-sa-lem, nhiều người tin vào Chúa Giê-su là Cứu Chúa của nhân loại.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh.”

Sứ đồ Phi-e-rơ kêu gọi người dân phải ăn năn hối cải, nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh. Tha tội là dính liền với ăn năn hối cải.

Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29 – 31 29 Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: “Chúng ta phải vâng lời Chúa Trời hơn là vâng lời người ta. 30 Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Chúa Giê-su sống lại, là đấng mà các ngươi đã giết đi bằng cách treo Chúa trên cây gỗ. 31 Chúa Trời đã đề cao Chúa lên bên hữu Ngài, làm vua và Cứu Chúa, để ban sự ăn năn hối cải và sự tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên.

Tại vì nhiều người Do Thái tin vào Chúa Giê-su Christ là Chúa Cứu Thế, điều này khiến những thầy tế lễ trong Đạo Do Thái bực tức vô cùng. Họ sai người đi bắt các sứ đồ đến tòa công luận, và ra lệnh cấm các sứ đồ không được truyền giảng về Chúa Giê-su và Tin Lành của vương quốc Chúa Trời. Nhưng Phi-e-rơ trả lời rằng: “Chúng ta phải vâng lời Chúa Trời hơn là vâng lời người ta.”

Xin để ý trong câu 31, Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su đã được Chúa Trời Đức Gia-vê lập làm vua và Cứu Chúa, để ban ăn năn hối cải và tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên. Một lần nữa sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng chúng ta phải ăn năn hối cải rồi mới được tha tội.

Nói tóm lại, 5 đoạn Kinh Thánh trên: Mác 1:1 – 4, Lu-ca 3:3, Lu-ca 24:46 – 47, Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 và Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29 – 31 đều chỉ ra rằng ăn năn hối cải và tha tội là dính liền với nhau. Nếu bạn muốn Chúa Trời tha tội cho bạn, thì bạn phải ăn năn hối cải, và trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 sứ đồ Phi-e-rơ còn nói rõ rằng ta phải ăn năn hối cải, nhân danh của Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, rồi mới được tha tội, sau đó ta sẽ được ban cho Thánh Linh.

Này là điểm thứ hai, ăn năn hối cải là điều kiện để được tha tội. Nếu chúng ta muốn được Chúa Trời tha tội, thì ta phải ăn năn hối cải.

Ý Nghĩa Của Ăn Năn Hối Cải

Nhưng ăn năn hối cải có nghĩa là gì? Ăn năn hối cải không phải chỉ là than khóc về tội lỗi của mình, mà còn phải cải chính, tức là sửa đổi lại.

Có người nói rằng: “Tôi đâu có phạm tội nặng, tôi chỉ làm một vài điều sai lầm nho nhỏ thôi!”

Nhiều người tưởng rằng ăn năn hối cải chỉ là sửa đổi lại những lầm lẫn tội lỗi của mình; giả tỉ trước kia tôi thường nói dối, bây giờ tôi không được nói dối nữa, trước kia tôi thường chưởi mắng người ta, bây giờ tôi không được chưởi mắng người ta nữa, v.v... Lẽ nhĩ nhiên chúng ta phải sửa đổi lại những tội lỗi lầm lẫn của mình, nhưng chưa đủ. Ăn năn hối cải trong Kinh Thánh không phải chỉ là sửa đổi lại lầm lẫn này hay tội lỗi kia mà thôi. Chúng ta phải thay đổi cả tư tưởng, thái độ trong lòng và cuộc sống của mình nữa.

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “ăn năn hối cải” là “μετανοέω” (metanoeo) (đọc là mê-ta-nô-ê-u). Ý nghĩa của chữ này là: thay đổi tư tưởng, thái độ trong lòng và cuộc sống. Sự thay đổi này là về cả 3 phương diện: tư tưởng, thái độ và cuộc sống.

Loài người chúng ta đều là ích kỷ, chúng ta luôn luôn coi lợi ích của mình là quan trọng hơn sự cần thiết của người khác. Nếu lợi ích của chúng ta không có xung đột với sự cần thiết của người khác thì ta cũng vui lòng giúp đỡ hay chăm lo cho sự cần thiết của người khác. Nhưng nếu sự cần thiết của người khác ảnh hưởng đến lợi ích của ta, thì ta chỉ lo cho lợi ích của mình mà bỏ quên sự cần thiết của người khác. Chưa kể có nhiều người luôn luôn chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, họ hoàn toàn không lo cho sự cần thiết của người khác.

Chúng ta đều không muốn vâng phục quyền hành cai quản của Chúa Trời, chúng ta muốn làm chủ nắm giữ cuộc đời của mình. Nếu ý chỉ của Chúa Trời không khác với ý muốn của ta thì ta chịu làm theo ý chỉ của Ngài. Ngược lại nếu ý chỉ của Chúa Trời là trái ngược với ý muốn của ta thì ta chối bỏ ý chỉ của Ngài và một mực làm theo ý muốn của mình. Thí dụ: Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc kết hôn với kẻ không tin cho dù họ biết rằng ấy là phản nghịch lại lời dạy trong Kinh Thánh.

2 Cô-rinh-tô 6:14 – 15 14 Đừng mang ách chung với những kẻ không tin, tại vì công nghĩa và gian ác có thể hòa hiệp với nhau được chăng? Sự sáng và tối tăm có tương giao được chăng? 15 Ðấng Christ và Bê-li-an đâu có hòa hiệp được? Hay là kẻ tin đâu có chung phần gì với kẻ không tin?

Bao nhiêu tội lỗi trên thế gian đều bắt nguồn từ tư tương chống nghịch lại Chúa Trời và thái độ ích kỷ. Khi chúng ta thật sự ăn năn hối cải, thì ta phải:

  • Thay đổi tư tưởng chống nghịch lại Chúa Trời thành ra hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Ngài.
  • Thay đổi thái độ ích kỷ thành ra thái độ hiến dâng hy sinh. Chúng ta bỏ quên lợi ích của mình để lo cho sự cần thiết của người khác.

Khi tư tưởng và thái độ trong lòng của chúng ta thay đổi rồi, thì tự nhiên hành vi việc làm cũng thay đổi dần dần. Cho nên rốt cuộc là tư tưởng, thái độ và cuộc sống đều thay đổi cả.

Lu-ca 3:7 – 14 7 Vậy, Giăng nói cùng đoàn dân đến để chịu phép báp-tem rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ sắp đến? 8 Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn hối cải; và đừng tự nói rằng: ‘Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta;’ vì ta nói cùng các ngươi, Chúa Trời có thể khiến từ những hòn đá nầy sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được. 9 Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn đi và quăng vào lửa.” 10 Chúng bèn hỏi Giăng rằng: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì?” 11 Người đáp rằng: “Ai có hai chiếc áo, hãy chia sẻ một chiếc với kẻ không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy.” 12 Cũng có những người thâu thuế đến để chịu phép báp-tem; họ hỏi rằng: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Người nói rằng: “Đừng đòi thêm ngoài số qui định.” 14 Quân lính cũng hỏi rằng: “Còn chúng tôi phải làm gì?” Người nói rằng: “Đừng hà hiếp, đừng vu cáo ai hết, mà hãy bằng lòng về lương bổng mình.”

Đoạn Kinh Thánh trên Lu-ca 3:7 – 14 thuật lại lời dạy của Giăng Báp-tít về ăn năn hối cải. Khi đoàn dân đến cùng Giăng để chịu phép báp-tem thì người khiển trách họ phải ăn năn hối cải. Giăng răn dạy những người thâu thuế không nên đòi thêm ngoài số qui định, và những người lính thì không nên hà hiếp, vu cáo dân chúng. Việc làm của những người thâu thuế và những người lính là phản nghịch lại lời dạy của Chúa Trời, lẽ dĩ nhiên họ không nên làm những chuyện này nữa. Họ phải ăn năn hối cải, từ nay trở đi họ phải hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Chúa Trời. và Giăng cũng khuyên bảo những kẻ có hai chiếc áo thì nên chia sẻ một chiếc với kẻ không có, và những người có đồ ăn cũng nên làm như vậy. Họ phải từ bỏ thái độ ích kỷ và học tập yêu thương người khác như mình.

Nói tóm lại, bản tánh của chúng ta đều là ích kỷ, chống nghịch lại Chúa Trời Đức Gia-vê và ta đã phạm tội lỗi trầm trọng. Chúng ta sẽ bị trừng phạt vào ngày Phán Xét. Nhưng Chúa Trời đầy lòng thương xót, Ngài đã sửa soạn một lối thoát cho ta. Nếu chúng ta tin vào Chúa Trời và Con Ngài Chúa Giê-su Christ, ăn năn hối cải tội lỗi của mình, và chịu phép báp-tem thì tất cả tội lỗi của ta đều được rửa sạch tha thứ. Mà ăn năn hối cải không phải chỉ là ân hận than khóc tội lỗi của mình. Ăn năn hối cải chân chính là sửa đổi lại tư tưởng, thái độ và cuộc sống của mình.

Xin Tha Nợ Cho Chúng Tôi – Kết Luận

Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta phải cầu xin Chúa Trời tha tội. Tha tội không phải là vô điều kiện. Nếu chúng ta muốn được Chúa Trời tha tội thì đầu tiên chúng ta phải tha tội cho những người đã phạm tội cùng ta. Nếu chúng ta tha tội cho người khác thì Chúa Trời cũng tha tội cho ta. Nếu chúng ta không tha tội cho người khác thì Ngài cũng không tha tội cho ta. Điều kiện thứ hai là ta phải ăn năn hối cải. Nếu không có ăn năn hối cải thì không có tha tội.

Bây giờ chúng ta tổng kết lại những điểm ta đã tra khảo ở trên bằng hai đoạn Kinh Thánh này:

1 Giăng 1:7 – 9 7 Nhưng nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta tương giao với nhau; và huyết của Chúa Giê-su, Con Ngài, làm sạch mọi tội lỗi của ta. 8 Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. 9 Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình, thì Ngài là thành tín công nghĩa sẽ tha tội cho chúng ta, và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều gian ác.

Chúng ta phải đi trong sự sáng thì ta tương giao với Chúa Trời. Mỗi khi chúng ta vì không cẩn thận lại phạm tội lỗi, thì ta phải ăn năn hối cải và cầu xin Ngài tha tội. Và huyết của Chúa Giê-su sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi của ta.

Chúng ta phải đi trong sự sáng và ăn năn hối cải, rồi ta sẽ được tha tội. Mà đi trong sự sáng có nghĩa là gì?

1 Giăng 2:9 – 10 9 Người nào nói mình ở trong sự sáng mà lại ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong sự tối tăm. 10 Ai yêu mến anh em mình thì ở trong sự sáng, và chẳng có điều gì ở trong người khiến người vấp ngã.

Đi trong sự sáng có nghĩa là yêu mến anh em Tín Đồ. Những người yêu mến anh em thì ở trong sự sáng, còn những kẻ thù ghét anh em thì vẫn còn ở trong sự tối tăm. Ấy là tương đương với lời dạy của Chúa Giê-su rằng ta phải tha tội cho những người đã phạm tội cùng ta. Nếu ta yêu mến người ta thì ta sẽ tha tội cho người ta.

Hai điều kiện để được Chúa Trời tha tội là yêu mến người ta và ăn năn hối cải.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church