You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (2)

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (2)

Muối Của Đất

Ma-thi-ơ 5:13

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tín Đồ Cơ Đốc Là Muối Của Đất

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo danh hiệu “Tay đánh lưới người”, hôm nay chúng ta sẽ tra khảo một danh hiệu khác của Tín Đồ Cơ Đốc.

Ma-thi-ơ 5:13 13 Các ngươi là muối của đất; nhưng nếu muối mất mặn đi, thì lấy gì mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ có bị quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân.”

Vậy Tín Đồ Cơ Đốc là muối của đất. Muối của đất có nghĩa là gì?

Chức Vụ Của Muối

Ngày nay người ta không thấy giá trị của muối, bởi vì muối rẻ tiền quá. Nhưng ngày xưa, muối thì mắc tiền lắm. Ở những xứ xa biển, nhất là ở những vùng nội địa không có bờ biển ở xung quanh, thì cho đến ngày nay muối vẫn rất mắc tiền.

Chúa Giê-su nói rằng: “các ngươi là muối của đất,” Chúa muốn giảng dạy ta về điều gì?

Lẽ dĩ nhiên Chúa Giê-su không phải nói rằng tất cả các Tín Đồ Cơ Đốc đều phải trở thành những hột muối. Nhưng Chúa muốn nói rằng chúng ta phải làm cái chức vụ của muối ở giữa loài người trên thế gian này. Chúng ta sống ở giữa người đời, chúng ta mang một chức vụ tựa như chức vụ của muối vậy.

Công dụng của muối rất nhiều. Muối có thể dùng để ướp thức ăn để giữ được lâu hơn; muối có thể dùng để tiêu diệt vi trùng. Ở Canada, muối còn dùng để giải băng nữa. Mùa đông ở Canada rất lạnh, nhiều khi thời tiết lạnh tới 30 độ âm hay 40 độ âm, tuyết băng khiến đường phố rất trơn, khó mà lái xe. Nhiều khi tai nạn xảy ra vì đường trơn, cho nên chính phủ phải rải muối trên đường phố để giải băng.

Khi Chúa Giê-su nói rằng chúng ta phải giữ cái chức vụ của muối ở giữa người đời, có phải Chúa muốn chúng ta thực hành tất cả mọi công dụng của muối chăng? Hoặc là Chúa chỉ tập trung vào một công dụng đặc biệt thôi?

Kinh Thánh có nhắc đến một công dụng đặc biệt của muối, chúng ta chỉ cần thực hành cái công dụng đặc biệt này thôi.

2 Các Vua 2:19-21 19 Dân chúng của Giê-ri-cô nói cùng Ê-li-sê rằng: “Chỗ xây cất thành này tốt lắm y như chúa tôi thấy; nhưng nước thì độc và đất thì không sản xuất được.” 20 Người đáp rằng: “Hãy đem cho ta một cái bình mới, và đựng muối ở trong.” Chúng đem bình đến cho người. 21 Người bèn đi đến nguồn nước, đổ muối xuống nước, mà nói rằng: “Gia-vê phán như vầy: ‘Ta đã chữa lành cho nước này, nó sẽ không còn gây ra sự chết hoặc không sản xuất nữa.’”

Đoạn Kinh Thánh này thuật lại câu chuyện tiên tri Ê-li-sê làm sạch nước sông. Dân chúng nói rằng nước sông đó có độc, không chừng có chất hóa học nào đó, ai uống nước đó sẽ chết, và nước đó còn khiến cho đất đai không sản xuất được. Ê-li-sê đổ muối vào nguồn nước để làm sạch nước sông.

Tại sao muối đó lại có thể làm sạch chất độc trong nước sông? Hình như chưa hề nghe có chất muối nào có công dụng kỳ diệu như vậy! Hỡi các bạn ơi, lẽ dĩ nhiên một chút muối không thể làm sạch chất độc trong nước sông. Đó hoàn toàn là do quyền năng của Chúa Trời làm sạch chất độc trong nước sông. Ê-li-sê cũng là một con người như chúng ta vậy thôi, nhưng người rất trung tín với Chúa Trời, cho nên Ngài vui lòng sử dụng người để làm sạch chất độc trong nước sông để đem lợi ích cho dân chúng.

Sự kiện này bày tỏ cho ta thấy quyền năng của Chúa Trời và lòng nhân từ thương xót của Ngài trông nom cho đời sống của dân chúng. Và đồng thời cũng dạy cho ta một bài học, nếu chúng ta trung tín với Chúa Trời, thì Ngài cũng sẽ sử dụng chúng ta làm những công việc kỳ diệu tựa như Ngài đã sử dụng Ê-li-sê vậy.

Chúng Ta Phải Gây Ra Một Ảnh Hưởng Thánh Sạch Ở Giữa Ô Uế Của Người Đời

Trong câu chuyện này, muối là dùng để làm sạch chất độc, ấy là công dụng tẩy uế. Khi Chúa Giê-su nói rằng chúng ta là muối của đất, Chúa muốn nói về cái công dụng tẩy uế của muối. Chúng ta phải gây ra một ảnh hưởng thánh sạch ở giữa ô uế của người đời.

Ô uế ở đây không phải là ô uế của thân thể, mà đó là ô uế trong tâm hồn của người đời. Ô uế trong tâm hồn là còn tệ hại hơn ô uế của thân thể. Nếu ai mà thân thể dơ bẩn thì cứ đi tắm rửa là được rồi, nhưng muốn làm sạch ô uế trong tâm hồn thì không phải dễ dàng như vậy đâu.

Ô uế trong tâm hồn chính là tội ác trong lòng người. Thế gian này thì tràn đầy tội ác. Phần nhiều người đời chỉ muốn tìm kiếm hưởng thụ thôi. Bởi vì họ ham muốn hưởng thụ, thì họ phải có tiền, rồi họ trở nên ham tiền. Vì ham tiền, họ làm nhiều điều tội ác xấu xa khủng khiếp. Các bạn chắc đều biết rõ bao nhiêu tội ác mà người đời đã phạm vì ham tiền, tôi không cần phải kể ra những thí dụ đó nữa.

Phần đông người đời là vô ơn, họ không nhớ ơn sự giúp đỡ của người khác, họ không nhớ ơn sự bảo hộ che chở của Chúa Trời, họ cũng không nhớ ơn ba má họ.

Tâm hồn của đa số người đời là tràn đầy thù hận ghen ghét ganh tị. Họ ghen ghét những người cao hơn họ, nhưng họ lại khinh rẻ những người thấp hơn họ.

Loài người thì rất ích kỷ, họ chỉ lo cho lợi ích của mình và lợi ích của những người họ yêu thích thôi, họ không lo nghĩ đến nhu cầu cần thiết của những kẻ họ không yêu thích.

Ngày nay tội tà dâm tràn đầy xã hội, tội đồng tính luyến ái rất hung hăng. Hồi mấy chục năm về trước, chỉ là ở Phi Châu, Mỹ Châu và Âu Châu có một số ít người phạm tội đồng tính luyến ái, nhưng ngày nay tội ác này lan tràn khắp thế giới, chính những quốc gia bảo thủ ở Á Châu cũng có nhiều người theo đuổi đồng tính luyến ái.

Tình trạng này thì y như Kinh Thánh đã nói vậy, vào những ngày sau cùng, phần đông người ta, va ngay cả nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cũng ích kỷ, họ chỉ ưa thích chính mình họ, họ ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Chúa Trời, bề ngoài thì có vẻ tôn thờ Chúa Trời, nhưng trong lòng họ đã chối bỏ quyền hành của Ngài.

Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là công cụ của Chúa Trời để gây ra một ảnh hưởng thánh sạch trong tội ác của thế gian. Có người sẽ nói rằng: “Chỉ có huyết báu của Chúa Giê-su mới có thể làm sạch tội lỗi của loài người thôi, làm sao mà chúng ta lại có thể làm sạch tội ác trong lòng người được?” Vâng, tôi biết rõ điểm này, chỉ có huyết báu của Chúa Giê-su mới có thể rửa sạch hết thảy tội lỗi của ta rồi ta được tha tội. Nhưng ở đây tôi không phải nói về sự tha tội, mà tôi đang nói về một sự ảnh hưởng trong sạch ở giữa thế gian. Những tội ác tràn đầy trong xã hội gây ra ảnh hưởng đồi bại trong lòng người, chúng ta là muối của đất thì phải chống cự lại ảnh hưởng đồi bại đó, chúng ta gây nên một ảnh hưởng thánh sạch trong lòng người.

Những người sống trong một hoàn cảnh dơ bẩn lâu ngày thì đã quen với sự dơ bẩn rồi, họ không thấy dơ bẩn là xấu xa chán ghét cả, mãi đến khi họ gặp những người ăn ở sạch sẽ thì lúc đó họ mới thấy chính mình dơ bẩn xấu xa đến dường nào. Tương tự như vậy, những người sống trong hoàn cảnh tội ác lâu ngày thì đã quen với tội ác rồi, tội ác ảnh hưởng tâm hồn đầu óc của họ. Mỗi một người đều phạm tội, cho dù không phạm tội nặng cũng phạm tội nhẹ, cho nên họ không thấy tội ác là xấu xa nghiệm trọng cả. Chúng ta là muối của đất, chúng ta phải sống một cuộc đời trong sạch thánh khiết để gây nên ảnh hưởng trong sạch chống cự lại ảnh hưởng đồi bại trong xã hội. Khi người đời tiếp xúc với ta, họ thấy hành vi việc làm và tâm hồn trong sạch của ta, rồi họ mới nhận thấy cuộc đời và hành vi của mình là tội ác xấu xa. Chỉ khi người đời nhận thấy tội ác của mình thì họ mới nhận thấy ơn cứu chuộc của Chúa Trời là quý giá biết bao, rồi họ mới đi tìm cầu tình thương và chân lý của Ngài. Và khi họ đến với Chúa Trời bằng sự ăn năn hối cải và một đức tin chân thành, thì lúc đó hết thảy tội lỗi của họ sẽ được rửa sạch bằng huyết báu của Chúa Giê-su, và họ mới được hưởng ơn cứu chuộc.

Chúng Ta Phải Có Đức Tính Gì?

Muốn làm tròn cái chức vụ của muối ở giữa thế gian thì không phải dễ dàng, vậy chúng ta cần phải có đức tính gì rồi ta mới có thể làm muối được?

1. Thái độ hiến dâng hy sinh chính mình

Lê-vi Ký 2:13 13 Phải nêm muối trên hết thảy các của lễ chay; hầu cho các của lễ chay không thiếu thốn muối của sự giao ước của Chúa Trời đã lập cùng các ngươi; trên hết thảy các lễ vật ngươi phải dâng muối.

Đoạn Kinh Thánh này dặn bảo người Y-sơ-ra-ên phải nêm thêm muối trên hết thảy các của lễ chay. Trong thời Cựu Ước, muối thì luôn luôn đi kèm với của lễ hiến dâng lên cho Chúa Trời.

Hơn nữa muối thì tiêu tan trong nước. Khi muối đã làm sạch chất độc của nước sông rồi, thì muối không còn nữa, muối đã tiêu tan hết rồi. Điều đó là tượng trưng cho sự hy sinh.

Bởi vậy muối là dấu hiệu của một sự hiến dâng hy sinh. Nếu ta muốn làm muối ở giữa thế gian, ta phải có một tâm trạng hiến dâng hy sinh chính mình.

Khi chúng ta muốn giúp đỡ khuyến khích người khác, ta phải hy sinh thì giờ, sức lực của mình. Khi ta cầu nguyện cho người khác, ta cần phải nhẫn nại, kiên trì. Khi ta sống một cuộc đời thánh sạch, ta hẳn bị người đời cười nhạo, nhưng ta không tức giận, ta tiếp tục thương yêu họ càng nhiều. Khi ta muốn giải thích cho người ta biết về lời dạy của Chúa Trời trong Kinh Thánh, không chừng ta còn bị người ta rầy la trách mắng nữa, nhưng chúng ta không nên cãi lại, ta cứ yên lặng chấp nhận điều đó và tiếp tục thương yêu họ càng nhiều hơn.

2. Lời nói của ta phải có ân hậu và nêm thêm muối

Cô-lô-se 4:6 6 Lời nói của anh em phải luôn có ân hậu, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào.

Trong Kinh Thánh, công dụng của muối là tẩy uế, vậy lời nói của ta cần phải nêm thêm muối có nghĩa là ta phải nói những lời làm sạch tâm hồn của người nghe. Còn lời nói luôn có ân hậu có nghĩa là ta tạ ơn Chúa Trời thường xuyên.

Người đời thì hay than phiền cằn nhằn về hầu hết tất cả mọi việc. Tôi nhận thấy rằng người giàu sang than phiền còn nhiều hơn người nghèo nữa. Người nghèo còn thường hay tạ ơn Chúa Trời, mà người giàu sang tuy có đủ mọi hưởng thụ lại than phiền cằn nhằn hoài. Chúng ta không nên làm như họ, chúng ta phải tạ ơn Chúa Trời đã ban sự sống và mọi điều cần thiết cho ta, chúng ta cũng tạ ơn những người đã giúp đỡ ta.

Người đời thường hay cười nhạo chê bai người khác, nhất là khi họ thấy người khác thất bại làm hỏng việc thì họ mừng lắm, mà chúng ta thì nên quan tâm khuyến khích kẻ nghèo khổ và kẻ thất bại.

Thông thường người ta hay khoe khoang đề cao chính mình, và làm hạ người khác xuống, mà chúng ta thì nên khiêm nhường, ta tự hạ mình xuống trước mặt Chúa Trời, ta chỉ đề cao Chúa Trời thôi.

Người đời thường hay nói dối đánh lừa người khác, còn chúng ta thì luôn luôn nói ra lẽ thật bằng lòng yêu thương.

Trước khi chồng tôi và tôi trở thành thầy cô truyền đạo, tôi làm việc trong một hãng công ty bảo hiểm. Các bạn đồng nghiệp thường đi ăn cơm trưa cùng một lượt. Trong buổi cơm trưa, họ hay nói chuyện tầm phào, nói xấu người này đả kích người nọ. Một hôm chúng tôi khoảng năm, sáu người lại cùng nhau ăn cơm trưa, họ lại bắt đầu nói chuyện tầm phào. Tôi ngồi đó cảm thấy khó chịu quá, nhưng tôi chẳng biết nên làm gì mới phải. Bất thình lình, một người quay lại hỏi tôi: “Chị nghĩ sao về người này?” Tôi không biết nên trả lời ra sao, tôi biết tôi không có quyền khiển trách họ, nhưng tôi cũng không muốn tham gia vào cuộc nói chuyện tầm phào đó. Rồi Thánh Linh nhắc nhở tôi rằng cứ nói ra lẽ thật đi. Tôi bèn cuối đầu xuống nói một cách rất mềm mại khiêm nhường rằng: “Xin lỗi quý vị, tôi không thích nói về những chuyện này.” Họ không ngờ tôi lại trả lời như thế này, bổng nhiên mọi người đều im lặng hết, không ai mở miệng nói những chuyện tầm phào nữa. Đây là một thí dụ về lời nói phải nêm thêm muối để làm sạch lòng người.

Những điểm tôi kể ở trên chỉ là một vài thí dụ thông thường thôi. Khi chúng ta càng trưởng thành, ta hầu việc Chúa Trời càng nhiều, ta có thể hướng dẫn giúp đỡ người ta càng nhiều, thì ta phải hy sinh càng nhiều. Làm muối thì cần phải có tâm trạng hy sinh hiến dâng; nếu ta không muốn hy sinh hiến dâng chính mình, thì ta không làm muối được.

Các bạn có thấy hăng say trong lòng không? Hoặc là các bạn lo sợ trách nhiệm nặng nề quá chăng? Không chừng các bạn nói rằng: “Nhiệm vụ này nặng nề quá, tôi làm không nổi, cho dù tôi muốn làm muối ở giữa thế gian, nhưng làm sao mà tôi làm nổi những công việc như vậy?” Các bạn khỏi lo sợ, chúng ta không cách nào khiến mình trở thành muối được. Điều đó thì hoàn toàn nhờ vào quyền năng của Chúa Trời biến đổi ta khiến ta trở thành muối. Còn chúng ta thì cần phải vui lòng hy sinh hiến dâng chính mình để được Ngài sử dụng.

Tại Sao Muối Lại Mất Mặn Đi?

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su nói rằng: “nếu muối mất mặn đi, thì lấy gì mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ có bị quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân.”

Muối mất mặn đi có nghĩa là gì? Tại sao muối lại có thể mất mặn được?

Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “mất mặn” là chữ “μωραίνω” (đọc là mu-rai-nu). Thật ra ý nghĩa của chữ “μωραίνω” là “trở nên khờ dại”. Chữ này được dùng 8 lần trong Kinh Thánh, mỗi lần đều dịch là “khờ dại” hay “điên dại”, ngoại trừ trong Ma-thi-ơ 5:13Lu-ca 14:34 khi Chúa Giê-su dạy rằng môn đồ của Chúa là muối của đất, thì chữ “μωραίνω” được dịch là “mất mặn”.

Tại sao vậy? Tại sao không dịch là “khờ dại” hay “điên dại”, tại sao chỉ trong Ma-thi-ơ 5:13Lu-ca 14:34 thì dịch là “mất mặn” vậy? Tại vì nếu dịch là “khờ dại, điên dại” thì không hợp lý, và càng khó hiểu hơn nữa. Chỉ có loài người hay động vật mới trở nên khờ dại, muối làm sao mà trở nên khờ dại được, cho nên người ta dịch là “mất mặn”.

Vậy trong nguyên văn Hy Lạp “muối mất mặn” thật ra là “muối trở nên khờ dại”. Nhưng “muối trở nên khờ dại” lại có nghĩa là gì?

Từ ngữ “khờ dại” trong Kinh Thánh mang một ý nghĩa khác hẳn với ý nghĩa thông thường của “khờ dại”. Bây giờ ta phải tìm hiểu “khờ dại” mang ý nghĩa gì trong Kinh Thánh.

Rô-ma 1:21-22 21 Vì cho dù họ nhận biết Chúa Trời, mà họ không tôn vinh Ngài là Chúa Trời và không tạ ơn Ngài. Nhưng ý tưởng của họ trở nên hư không, và lòng ngu dốt của họ thành ra tối tăm. 22 Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên khờ dại.

Đoạn Kinh Thánh này nói về những người cho dù nhận biết Chúa Trời, nhưng họ không tôn vinh Ngài là Chúa Trời và cũng không tạ ơn Ngài. Không tôn vinh Chúa Trời có nghĩa là không vâng phục Ngài. Kết quả là ý tưởng của họ trở nên hư không và tâm hồn của họ thành ra tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, nhưng thật ra họ trở nên khờ dại.

Qua đoạn Kinh Thánh này ta thấy rằng những người “khờ dại” chính là những người không vâng phục Chúa Trời và không tạ ơn Ngài.

1 Cô-rinh-tô 1:20 20 Kẻ khôn ngoan ở đâu? Thầy học giả ở đâu? Người hùng biện của đời này ở đâu? Có phải Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian thành ra khờ dại hay sao?

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng Chúa Trời khiến những kẻ được người đời coi là khôn ngoan học rộng trở nên khờ dại. Tại sao? Tại vì họ không vâng phục Ngài và không tạ ơn Ngài.

Nói tóm lại theo định nghĩa trong Kinh Thánh, những người “khờ dại” hay “điên dại” là những kẻ không vâng phục Chúa Trời và không tạ ơn Ngài. Muối tượng trưng cho Tín Đồ Cơ Đốc, “muối trở nên khờ dại” có nghĩa là Tín Đồ Cơ Đốc trở nên không vâng phục Chúa Trời và không biết tạ ơn Ngài. Những Tín Đồ Cơ Đốc này đã trở nên giống như người đời trên thế gian này. Như vậy thì lẽ dĩ nhiên họ không làm chức vụ của muối được nữa, cho nên Chúa Giê-su nói rằng: “Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ có bị quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân.”

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo cái danh hiệu “muối của đất”, Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta phải làm chức vụ của muối ở giữa thế gian. Chúng ta sống một cuộc đời công nghĩa thánh sạch và đầy dẫy thương xót nhân từ hầu cho gây nên một ảnh hưởng thánh sạch chống cự lại ảnh hưởng đồi bại trong xã hội. Muốn thực hành cái chức vụ này thì đầu tiên chúng ta cần phải vui lòng hiến dâng hy sinh, thứ hai là lời nói hành vi của ta phải có ân hậu. Nếu chúng ta không vâng phục Chúa Trời và không có một tấm lòng tạ ơn Ngài, thì ta trở nên khờ dại giống như người đời vậy, Chúa Trời sẽ không sử dụng ta nữa, ta chỉ có bị quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân thôi!

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church