You are here

Sáng Thế Ký (2)

Sáng Thế Ký (2)

A-đam Và Người Nữ Phạm Tội Lỗi

Sáng Thế Ký 3:1 – 24

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo về công trình sáng thế của Chúa Trời Đức Gia-vê. Ngài sáng tạo một người nam và một người nữ theo hình tượng của mình. Ngài cho phép họ ăn tất cả các trái cây trong vườn Ê-đen ngoại trừ trái của cây nhận biết điều thiện và điều ác, nếu họ ăn trái đó thì họ sẽ chết.

Hôm nay chúng ta tiếp tục tra khảo Sáng Thế Ký chương 3.

Con Rắn Lừa Gạt Người Nữ – A-đam Và Người Nữ Phạm Tội Lỗi

Trong các loài thú rừng mà Chúa Trời Đức Gia-vê đã dựng nên, con rắn là quỷ quyệt hơn hết. Trong Kinh Thánh, con rắn là tượng trưng cho ma quỉ.

Khải Huyền 20:2 2 Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma quỉ, là Sa-tan, và xích nó lại suốt một ngàn năm.

Trong tương lai con rắn sẽ bị xích lại. Nhưng hồi đó trong vườn Ê-đen, con rắn tìm cách làm hại A-đam và người nữ. Nó hỏi người nữ rằng: “Chúa Trời có cấm các ngươi không được phép ăn bất cứ trái cây nào trong vườn không?”

Người nữ đáp rằng: “Chúng tôi được phép ăn các trái cây trong vườn, nhưng về trái của cây ở giữa vườn, Chúa Trời đã nói rằng: “Các ngươi không đươc ăn trái của cây đó, và không được đụng chạm đến nữa, kẻo các ngươi sẽ chết.”

Sáng Thế Ký 3:4 – 5 4 Con rắn nói với người nữ rằng: “Hai ngươi chắc chắn không chết đâu! 5 Vì Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái đó thì mắt sẽ mở ra, hai ngươi sẽ như Chúa Trời, nhận biết điều thiện và điều ác.”

Con rắn rất gian trá và độc ác, nó không có nói ra một cách trực tiếp, nhưng lời của nó bao hàm 2 điểm này:

  1. Chúa Trời không nói theo lẽ thật. Chúa Trời nói hễ ngày nào A-đam và bà vợ ăn trái của cây ở giữa vườn, thì họ sẽ chết; nhưng con rắn lại nói rằng: “Hai ngươi chắc chắn không chết đâu!” Vậy lời của Chúa Trời là không chân thật
  2. Chúa Trời không muốn họ có thể nhận biết điều thiện và điều ác giống như Ngài vậy.

Vậy người nữ tin lời của Chúa Trời hay lời của con rắn ?

Sáng Thế Ký 3:6 6 Người nữ thấy trái cây đó vừa ăn ngon vừa đẹp mắt, và đáng quí vì làm cho mình mở trí tuệ, người bèn hái và ăn, rồi trao cho chồng đang ở cùng người, chồng cũng ăn nữa.

Buồn thay! Người nữ tin lời của con rắn mà không tin lời của Chúa Trời. Tại sao vậy? Tại vì trái đó ngon miệng và đẹp mắt, và nhất là nó có thể mở trí tuệ, khiến cho mình nhận biết điều thiện và điều ác giống như Chúa Trời vậy. Người nữ đã bị con rắn lừa gạt, người hái trái đó mà ăn, rồi người còn trao cho chồng mình, và chồng cũng ăn nữa.

Hậu Quả Của Tội Lỗi

Khi A-đam và người nữ phản nghịch lại lời của Chúa Trời Đức Gia-vê, thì họ đã phạm tội lỗi. Sau khi họ phạm tội lỗi thì có hậu quả gì?

Sáng Thế Ký 3:7 7 Rồi mắt hai người đều mở ra, họ nhận biết rằng mình trần truồng; và họ bèn kết lá vả làm khố che thân.

Từ trước đến giờ A-đam và bà vợ là trần truồng, và họ không hề thấy hổ thẹn. Nhưng bây giờ bất thình lình họ thấy hổ thẹn và phải kết lá vả làm khố che thân. Tại sao vậy?

Tại vì sau khi họ phạm tội lỗi, tâm hồn của họ không còn trong sạch thuần túy, họ không thể đối xử với nhau một cách thẳng thắn và chân thật nữa. Cho dù hai người là vợ chồng, họ cũng phải tìm cách giấu giếm chính mình. Khi họ có thái độ như vậy trong lòng, thì thái độ này sẽ thể hiện ra hành động ở bên ngoài, và họ phải kết lá vả làm khố che thân. Ấy là hậu quả thứ nhất.

Sáng Thế Ký 3:8 – 10 8 Họ nghe tiếng của Gia-vê Chúa Trời đi lại trong vườn lúc chiều mát, A-đam và vợ ẩn nấp mình giữa bụi cây trong vườn để tránh mặt Gia-vê Chúa Trời. 9 Gia-vê Chúa Trời gọi A-đam mà hỏi rằng: “Ngươi ở đâu?” 10 A-đam đáp rằng: “Tôi nghe tiếng của Chúa trong vườn và tôi sợ, bởi vì tôi trần truồng, cho nên tôi ẩn nấp mình.”

Trong Sáng Thế Ký chương 2, chúng ta thấy rằng A-đam trò chuyện với Chúa Trời một cách thân mật vì Ngài là Đức Cha thân yêu của người. Nhưng sau khi phạm tội lỗi thì A-đam không dám đối diện với Chúa Trời nữa, khi người nghe tiếng Ngài đi lại trong vườn, thì người đi ẩn nấp mình.

Ấy là hậu quả thứ hai của tội lỗi. Khi chúng ta mang tội lỗi trong lòng, chúng ta muốn tránh mặt Chúa Trời, chúng ta không dám đối diện với Ngài. Thật ra, khi chúng ta phạm tội lỗi rồi, thì chúng ta nên đến trước mặt Chúa Trời và cầu xin Ngài tha tội cho ta.

Sáng Thế Ký 3:11 – 13 11 Chúa Trời hỏi rằng: “Ai nói cho ngươi biết rằng mình trần truồng? Ngươi đã ăn trái cây mà ta dặn ngươi đừng ăn phải không?” 12 A-đam nói rằng: “Người nữ mà Chúa để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” 13 Gia-vê Chúa Trời hỏi người nữ rằng: “Ngươi đã làm gì vậy?” Người nữ nói rằng: “Con rắn lừa gạt tôi và tôi đã ăn rồi.”

Trước kia khi Chúa Trời lấy xương sường của A-đam mà tạo nên một người nữ để giúp đỡ người, người nói rằng: “Nầy là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi.” Lúc đó hai vợ chồng thân mật biết bao, mà bây giờ khi bị Chúa Trời tra hỏi thì A-đam đổ lỗi cho bà vợ.

Tội lỗi phá hoại mối quan hệ giữa A-đam và bà vợ, tình cảm giữa hai người bắt đầu rạn nứt. Ấy là hậu quả thứ ba của tội lỗi.

Thật ra khi Chúa Trời dặn dò A-đam đừng ăn trái cây đó, lúc đó Ngài còn chưa tạo ra người nữ, Ngài chỉ nói cùng A-đam thôi. A-đam được nghe lời dặn dò từ Chúa Trời một cách trực tiếp, mà người nữ chỉ nghe lời dặn này từ A-đam thôi. Bởi vậy A-đam mang trách nhiệm nặng hơn, người phải dạy dỗ bà vợ của mình. Khi người nữ cho A-đam trái cây đó, A-đam có thể từ chối không ăn, nhưng người nghe theo lời bà vợ mà ăn luôn. Rồi người đỗ lỗi cho bà vợ.

Về một mặt khác, cho dù con rắn lừa gạt người nữ, nhưng chính người nữ thấy trái đó ngon miệng và đẹp mắt, và người cũng ước ao được mở trí tuệ, cho nên người mới hái mà ăn. Người nữ biết rõ lời dặn của Chúa Trời, nếu người vâng phục và tin cậy vào Ngài thì người nên từ chối con rắn rằng: “Dù sao đi nữa, Chúa Trời đã dặn bảo không nên ăn thì tôi không ăn cái trái này.” Nhưng người nữ hái mà ăn trái cây đó; rồi khi bị Chúa Trời tra hỏi, thì người đổ lỗi cho con rắn.

Ấy là thái độ của tội nhân, khi chúng ta phạm tội, ta thường hay đổ lỗi cho người khác. Chúng ta không muốn nhìn nhận là mình đã phạm tội, ta cứ đổ lỗi cho người này người kia: “Sở dĩ tôi làm như vậy là tại vì người ấy làm chuyện này chuyện nọ ảnh hưởng đến tôi.” Ấy là hậu quả thứ tư của tội lỗi.

Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Nếu chúng ta đã phạm tội, thì ta nhìn nhận là tội lỗi của mình và ăn năn hối cải, ta không nên đổ lỗi cho người khác.

Sau khi A-đam và người nữ phạm tội, cho dù thân thể của họ chưa chết, nhưng họ đã chết về tâm linh:

  1. Tâm linh của họ không còn trong sạch thuần túy, họ không thể đối xử với nhau một cách chân thật nữa, họ phải tìm cách che giấu lại chính mình
  2. Họ không dám đối diện với Chúa Trời, họ muốn tránh mặt Ngài
  3. Tình cảm giữa A-đam và bà vợ bị phá hoại
  4. Họ không chịu nhìn nhận là tội lỗi của mình, họ đổ lỗi cho người khác.

Chúa Trời Đức Gia-vê Giáng Trừng Phạt

Sáng Thế Ký 3:14 – 15 14 Gia-vê Chúa Trời nói cùng con rắn: “Vì ngươi đã làm điều này, ngươi sẽ bị rủa sả nhất giữa các loài gia súc và các loài thú đồng. Ngươi sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn đời. 15 Ta sẽ làm cho ngươi và người nữ, dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau. Người ấy sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn gót chân người.”

Cả sự kiện này bắt đầu bằng con rắn cám dỗ người nữ đi ăn trái của cây nhận biết điều thiện và điều ác, cho nên sự trừng phạt cũng bắt đầu từ con rắn. Con rắn sẽ bị rủa sả nhất trong hết thảy các loài vật, nó sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn đời. Hơn nữa, từ đó trở đi con rắn và người nữ sẽ thù nghịch nhau, dòng dõi của con rắn và dòng dõi của người nữ cũng thù nghịch nhau. Sau này người ấy (tức là dòng dõi của người nữ) sẽ giày đạp đầu của con rắn, và con rắn cũng sẽ cắn gót chân của người.

Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, chữ “người ấy” là “הוּא ” (đọc là “hua”), chữ này chỉ về giống đực, số ít; bởi vậy người ấy là một người nam, chứ không phải là hết thảy những người từ người nữ sinh ra.

Này là lời tiên tri, và lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm khi Chúa Giê-su đến. Chúa hiến dâng sinh mạng của mình để tiêu diệt lực lượng kiềm chế của con rắn, tức là ma quỉ.

Sáng Thế Ký 3:16 16 Ngài nói với người nữ rằng: “Ta sẽ tăng thêm đau đớn cho ngươi trong thai nghén, ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh nở. Dục vọng ngươi sẽ hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.”

Trừng phạt cho người nữ là đau đớn trong thai nghén và sinh nở. Từ nay trở đi dục vọng của người nữ hướng về chồng, và người chồng sẽ cai trị người.

Sáng Thế Ký 3:17 – 19 17 Và Ngài nói với A-đam rằng: “Vì ngươi nghe theo lời vợ và ăn trái cây mà ta đã dặn ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn’, vậy đất bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải làm lụng khó nhọc mỗi ngày mới có miếng ăn từ đất. 18 Ðất sẽ sinh các loài gai góc, và ngươi sẽ ăn cây cỏ ngoài đồng. 19 Ngươi sẽ đổ mồ hôi trán mới có thức ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, tại vì ngươi từ đất mà ra; vì ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về bụi đất”.

Trừng phạt cho A-đam là người phải làm lụng khó nhọc mỗi ngày mới có miếng ăn từ đất. Người phải làm việc cực khổ mãi đến khi người trở về đất. Ở đây Chúa Trời nói đến sự chết.

Con rắn nói với người nữ rằng cho dù ăn cái trái đó nhưng họ cũng sẽ không chết, nhưng nó đã lừa gạt người nữ, ở đây Chúa Trời nói rằng họ sẽ chết.

Chết chóc là hậu quả của tội lỗi. Khi A-đam và người nữ phạm tội thì tâm linh của họ đã chết rồi (xin đọc lời giải thích ở phần trên), từ đó trở đi họ trở thành tôi mọi của tội lỗi bị ma quỉ kiềm chế. Hơn nữa thân thể của họ cũng sẽ chết; cho dù A-đam và người nữ không có chết liền, nhưng họ sẽ dần dần già yếu rồi chết đi.

Mục Đích Trong Sự Trừng Phạt Cho A-đam Và Người Nữ Là Gì ?

Người nữ phải chịu đau đớn khi sinh nở và bị người chồng cai trị, còn A-đam trọn đời phải làm việc cực khổ mãi đến khi người trở về đất. Mục đích trong sự trừng phạt là gì ? Tại sao Chúa Trời giáng trừng phạt này cho A-đam và người nữ ?

Thật ra Chúa Trời giáng trừng phạt như vậy cũng là vì lợi ích của A-đam và người nữ thôi.

Sở dĩ người nữ bị con rắn lừa gạt là tại vì người thấy trái đó ngon miệng và đẹp mắt, và người cũng muốn mở trí tuệ. Chính là dục vọng trong lòng người nữ khiến tâm hồn của người mờ mịt và yếu ớt, cho nên người tin lời con rắn và bị nó lừa gạt.

Vậy làm sao mà có thể khiến tâm hồn của người nữ tăng trưởng trở nên mạnh mẽ ?

1 Phi-e-rơ 4:1 – 2 1 Bởi vậy, vì đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải trang bị chính mình bằng thái độ như thế, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt thì đã dứt khỏi tội lỗi, 2 hầu cho trong thời gian còn lại trong xác thịt người không sống theo dục vọng của loài người, nhưng sống cho ý muốn của Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng tại vì Chúa Giê-su Christ đã chịu khổ trong xác thịt, chúng ta cũng phải sẵn sàng chịu khổ trong xác thịt. Tại vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt thì đã dứt khỏi tội lỗi, có nghĩa là không còn bị tội lỗi kiềm chế nữa. Khi chúng ta thoát khỏi sự kiềm chế của tội lỗi, từ nay trở đi chúng ta không còn sống theo dục vọng của loài người, tức là dục vọng của xác thịt, chúng ta có thể sống cho ý muốn của Chúa Trời.

Hê-bơ-rơ 2:10 10 Muôn vật hướng về Chúa Trời, và nhờ Ngài mà muôn vật được làm nên, tại vì Ngài muốn đem nhiều con đến sự vinh diệu, ấy là một việc thích đáng mà Ngài đã khiến đấng sáng lập sự cứu chuộc của những con ấy nhờ sự khốn khổ mà trở nên trọn vẹn.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Trời muốn đem các con của Ngài đến vào sự vinh diệu, tức là được hưởng ơn cứu chuộc, vậy cần phải có đấng sáng lập sự cứu chuộc cho loài người chúng ta. Đấng ấy là Chúa Giê-su Christ, và Chúa phải là trọn vẹn mới có thể cứu chuộc chúng ta. Chính Chúa Giê-su cũng phải từng trải sự khốn khổ mới trở nên hoàn toàn trọn vẹn.

Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 8 Dầu người là Con, người đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ mình đã chịu, 9 và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì người trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục người.

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng Con của Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ học tập vâng phục bởi những khốn khổ Chúa từng trải, và chính những khốn khổ khiến Chúa trở nên hoàn toàn trọn vẹn. Sau khi Chúa được làm nên trọn vẹn rồi thì Chúa trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục Chúa.

Cả 3 đoạn Kinh Thánh trên đều nói về lợi ích của sự khốn khổ. 1 Phi-e-rơ 4:1 – 2 nói rằng khi chúng ta đã chịu khổ trong xác thịt thì chúng ta được dứt khỏi tội lỗi, chúng ta không còn bị dục vọng của xác thịt kiềm chế, chúng ta sống cho ý muốn của Chúa Trời. Còn Hê-bơ-rơ 2:10 và Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 đều nói rằng chính Chúa Giê-su được trở nên hoàn toàn trọn vẹn qua những khốn khổ Chúa chịu đựng.

Sở dĩ người nữ bị con rắn lừa gạt là tại vì người bị dục vọng lôi cuốn, và dục vọng khiến tâm hồn của người yếu ớt mờ mịt. Vậy phương cách để cho tâm hồn của người nữ trở nên mạnh mẽ là sự khốn khổ. Người phải chịu đau đớn trong sự sinh nở, chính là qua sự đau đớn này mà người nữ có thể trở nên càng ngày càng mạnh mẽ trong tâm linh.

A-đam nghe lời người vợ thay vì vâng lời của Chúa Trời Đức Gia-vê, người cũng bị dục vọng của tình yêu thương kiềm chế. Cho nên A-đam cũng phải chịu khốn khổ trong sự làm lụng hàng ngày mãi đến khi người trở về đất, nhờ vậy người có thể dứt khỏi sự kiềm chế của dục vọng tình yêu.

Tại sao người nữ lại phải bị người chồng cai trị ?

Người nữ thì bị con rắn lừa gạt, người nam thì nghe lời bà vợ. Vậy phương cách tốt nhất để cho người nữ khỏi bị lừa gạt là từ nay trở đi người nữ không được tự ý lập quyết định nữa, người phải hỏi ý kiến của chồng. A-đam phạm tội vì người nghe lời bà vợ, vậy từ nay trở đi người phải cai trị bà vợ, người không được nghe lời bà vợ nữa.

Chúa Trời Đức Gia-vê giáng trừng phạt như vậy cũng là để giúp đỡ A-đam và người nữ thôi. Chúng ta thấy tình thương yêu của Ngài là cao quý vĩ đại đến dường nào! Ngay cả sự trừng phạt của Ngài cũng mang mục đích là để giúp đỡ chăm sóc chúng ta vậy.

Chúa Trời Lấy Da Thú Làm Áo Cho A-đam Và Người Nữ

Sáng Thế Ký 3:20 – 21 20 A-đam đặt tên vợ là Ê-va, vì người là mẹ của chúng sinh. 21 Gia-vê Chúa Trời lấy da thú kết thành áo cho vợ chồng A-đam, và mặc cho họ.

Nguyên văn Hê-bơ-rơ của chữ “Ê-va” là “חַוָּה ” (đọc là ha-va), có nghĩa là “sự sống”, bởi vì tất cả sự sống sẽ từ người nữ mà ra.

Cho dù A-đam và người nữ đã phạm tội nghịch với Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn thương yêu chăm sóc họ. Ngài lấy da thú kết thành áo cho vợ chồng A-đam. Chúa Trời phải giết đi con thú để lấy da của nó. Con thú phải chịu chết mới có thể che đậy tội lỗi xấu xa của vợ chồng A-đam. Ấy là lời tiên tri chỉ về công việc cứu chuộc loài người của Chúa Giê-su, Chúa phải chịu chết đổ huyết mới có thể rửa sạch tội lỗi của chúng ta.

Chiếc áo bằng da này thì chắc là tốt hơn cái khố bằng lá cây vả rất nhiều, và Chúa Trời còn mặc chiếc áo này cho họ nữa.

Tại Sao Chúa Trời Không Cho Phép A-đam Và Người Nữ Ăn Trái Của Cây Nhận Biết Điều Thiện Và Điều Ác?

Chúa Trời Đức Gia-vê quả thật là nhân từ thương xót vô biên, cho dù A-đam và bà vợ phạm tội nghịch với Ngài, mà Ngài vẫn thương yêu họ. Nhưng tại sao Ngài không cho phép hai người ăn trái của cây nhận biết điều thiện và điều ác? Có phải là Chúa Trời không muốn loài người có trí tuệ hiểu biết chăng?

Xuất Ê-díp-tô Ký 35:30 – 31 30 Môi-se nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Nầy Gia-vê đã gọi đích danh Bết-sa-lê-ên, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, trong chi phái Giu-đa. 31 Ngài ban cho người đầy dẫy Linh của Chúa Trời, trí tuệ, sự hiểu biết, kiến thức về mọi ngành thủ công nghệ.”

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Trời vui lòng ban cho Bết-sa-lê-ên đầy dẫy Linh của Ngài, trí tuệ, sự hiểu biết và kiến thức về mọi ngành thủ công nghệ.

2 Sử Ký 1:11 – 12 11 Chúa Trời nói với Sa-lô-môn rằng: “Vì ngươi có lòng như vậy, không cầu xin giàu sang, của cải, tôn vinh, hay mạng sống của những kẻ ghen ghét ngươi, và ngươi cũng chẳng xin trường thọ cho mình, nhưng lại cầu xin trí tuệ và kiến thức cho mình để trị vì dân ta là dân mà ta đã lập ngươi làm vua trên họ, 12 nên trí tuệ và kiến thức đã được ban cho ngươi. Và ta sẽ ban cho ngươi giàu sang, của cải và tôn vinh, đến nỗi các vua trước ngươi không hề có như vậy, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có vua nào được như thế.”

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Trời ban cho vua Sa-lô-môn trí tuệ, kiến thức và giàu sang, của cải, tôn vinh.

1 Ti-mô-thê 2:4 4 Ngài muốn cho mọi người được cứu chuộc và hiểu biết lẽ thật.

Câu Kinh Thánh này nói ra một cách rõ ràng minh bạch, Chúa Trời muốn cho mọi người đều được cứu chuộc và hiểu biết lẽ thật.

Qua ba đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy rằng Chúa Trời rất vui lòng ban trí tuệ, sự hiểu biết và kiến thức cho chúng ta. Ngài muốn cho mỗi một người đều hiểu biết lẽ thật.

Châm Ngôn 1:7 7 Kính sợ Gia-vê là khởi đầu của kiến thức; Kẻ ngu dại khinh bỉ trí tuệ và lời khuyên dạy.

Châm Ngôn 9:10 10 Kính sợ Gia-vê là khởi đầu của trí tuệ; Nhận biết Ðấng Thánh là sự hiểu biết.

Hai đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng kính sợ Chúa Trời Đức Gia-vê là khởi đầu của kiến thức và trí tuệ. Khi chúng ta kính sợ Chúa Trời thì ta bắt đầu có kiến thức và trí tuệ, bởi vì Chúa Trời ban kiến thức và trí tuệ cho những người kính sợ Ngài. Kiến thức và trí tuệ đều do Chúa Trời ban cho. Còn những kẻ ngu dại là những người khinh bỉ trí tuệ và lời khuyên dạy; tại vì họ không muốn vâng phục Chúa Trời, cho nên Ngài không ban cho họ trí tuệ, và họ trở thành ngu dại.

Chúa Trời không cho A-đam và người nữ ăn cái trái của kiến thức về thiện và ác là tại vì Ngài muốn xem xét họ có vâng phục Ngài hay không. Nếu họ vâng giữ lời của Ngài thì Ngài sẽ ban trí tuệ cho họ cũng như hai đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng kính sợ Chúa Trời là khởi đầu của kiến thức và trí tuệ. Còn cái trái của kiến thức về thiện và ác không có chứa đựng vô số kiến thức mà hễ ai ăn vào thì sẽ có kiến thức giống như Chúa Trời vậy. Không phải như thế đâu! Trái cây đó chỉ là một bài thi cho hai người thôi. Nếu họ thi đỗ thì Chúa Trời sẽ ban kiến thức cho họ.

Buồn thay cho A-đam và người nữ! Họ đã phản nghịch lời của Chúa Trời, họ đã thi rớt! Sau khi họ ăn cái trái của kiến thức về thiện và ác, thì mắt của họ được mở ra, nhưng mở ra về tội lỗi. Họ cũng được trí tuệ, nhưng trí tuệ đó là từ ma quỉ mà có.

Gia-cơ 3:13 – 16 13 Trong anh em có người nào là khôn ngoan và hiểu biết không? Hãy để người ấy bày tỏ việc lành của mình trong sự nhu mì của trí tuệ bằng hành vị tốt của mình. 14 Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì đừng khoe khoang và nói dối trái với lẽ thật. 15 Trí tuệ đó không phải từ trên mà xuống đâu, nhưng nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. 16 Vì chỗ nào có ghen ghét và tranh cạnh thì ở đó có rối loạn và mọi thứ gian ác.

Có hai thứ trí tuệ, một thứ trí tuệ từ trên mà xuống, còn một thứ trí tuệ khác thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Những người vâng phục Chúa Trời thì được trí tuệ từ trên, đặc tính của trí tuệ từ trên là hành vi tốt lành và sự nhu mì.

Nếu A-đam và người nữ vâng giữ lời của Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho họ trí tuệ và kiến thức. Nhưng họ đã nghe theo lời của ma quỉ thì họ được trí tuệ từ ma quỉ, và trí tuệ đó sẽ dẫn đến ghen ghét, tranh cạnh, rối loạn và mọi thứ gian ác.

A-đam Và Người Nữ Bị Đuổi Ra Khỏi Vườn Ê-đen Và Không Được Ăn Trái Cây Sự Sống

Sáng Thế Ký 3:22 – 24 22 Gia-vê Chúa Trời nói rằng: “Nầy, con người đã trở nên một kẻ giống như chúng ta, nhận biết điều thiện và điều ác; vậy bây giờ nó sẽ giơ tay hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời.” 23 Bởi vậy, Gia-vê Chúa Trời đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất là nơi mà người từ đó mà ra. 24 Vậy Ngài đuổi con người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các chê-ru-bim và thanh gươm chói lòa xoay về mọi hướng để canh giữ con đường đi đến cây sự sống.

Sau cùng Chúa Trời đuổi A-đam và bà vợ ra khỏi vườn Ê-đen không cho họ ăn trái của sự sống nữa.

Cây của sự sống và cây của kiến thức về thiện và ác đều ở giữa vườn Ê-đen. Chúa Trời cho phép con người ăn tất cả các trái cây trong vườn, ngoại trừ trái của kiến thức về thiện và ác thôi. Vậy trước khi A-đam và người nữ phạm tội lỗi, họ được phép ăn trái của sự sống. Nhưng họ không vâng phục Chúa Trời. Mà những người không vâng phục Chúa Trời thì không xứng đáng được hưởng sự sống đời đời. Bởi vậy Chúa Trời đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen, không cho họ ăn trái của sự sống nữa. Chính vì họ không được ăn trái của sự sống, cho nên thân thể của họ sẽ suy tàn dần dần mà chết đi.

Ở bên phía đông của vườn Ê-đen, Chúa Trời đặt các thiên sứ chê-ru-bim với thanh gươm chói lòa để canh giữ con đường đi đến cây của sự sống, không ai có thể đến gần cây của sự sống nữa. Trong tương lai khi kế hoạch cứu chuộc cho loài người hoàn tất, lúc đó ở vương quốc của Chúa Trời loài người mới được ăn trái của sự sống vậy.

Khải Huyền 22:1 – 2 1 Rồi thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như pha lê, từ ngai của Chúa Trời và của Chiên Con chảy ra 2 ở giữa đường phố của thành. Trên hai bờ sông có cây sự sống ra trái mười hai mùa, mỗi tháng một lần kết quả; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân tộc.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church