You are here

Sự Sống Đời Đời (6)

Sự Sống Đời Đời (6)

Sự Sống Đời Đời Là Cuộc Sống Công Nghĩa

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Trong hai bài giảng trước chúng ta đã tra khảo về hai khía cạnh của sự sống đời đời hiện bây giờ trên thế gian này: Sự sống đời đời là nhận biết Chúa Trời chân thật duy nhất cùng Chúa Giê-su Christ, và sự sống đời đời là cuộc sống tự do.

Hôm nay chúng ta sẽ tra khảo một khía cạnh khác của sự sống đời đời.

Sự Sống Đời Đời Là Cuộc Sống Công Nghĩa

1 Phi-e-rơ 2:24 24 Chính Chúa gánh vác tội lỗi của chúng ta trong thân thể Chúa trên cây gỗ, hầu cho chúng ta chết về tội lỗi và sống cho sự công nghĩa; bởi những vết thương của Chúa mà anh em được lành.

Chúa Giê-su gánh vác hết thảy tội lỗi của chúng ta trong thân thể mà chịu chết trên cây thập tự hầu cho chúng ta chết về tội lỗi và sống cho sự công nghĩa.

Hôm nay chúng ta chỉ tập trung về phần “sống cho sự công nghĩa”, còn về phần “chết về tội lỗi” tôi sẽ giải thích trong một bài giảng khác.

Chúa Giê-su chịu chết không những chỉ là để cho ta được vào nước Thiên Đàng thôi, Chúa chịu chết hầu cho chúng ta sống cho sự công nghĩa.

Sự sống đời đời hiện bây giờ của Tín Đồ Cơ Đốc là cuộc sống công nghĩa.

Từ Ngữ “Công Nghĩa” Thay Vì “Công Bình”

Quyển Kinh Thánh Việt Ngữ phiên dịch chữ Hy-lạp “δικαιοσύνη” là “công bình”, nhưng phiên dịch này không được chính xác.

Theo định nghĩa của quyển Từ Điển Tiếng Việt, “công bình” là tương đương với “công bằng”, mà ý nghĩa của “công bằng” là “không thiên vị, theo đúng mọi đòi hỏi của lí lẽ” (căn cứ theo “Từ điển Tiếng Việt” do “Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn” ấn hành). Nhưng ý nghĩa của chữ Hy-lạp “δικαιοσύνη” (đọc là đia-khai-ô-su-ni) thì sâu rộng hơn nhiều, chứ không phải chỉ là “không thiên vị, theo đúng mọi đòi hỏi của lí lẽ”.

Trong nguyên văn Hy-lạp, định nghĩa của chữ “δικαιοσύνη” mang ý nghĩa “chính nghĩa, thánh sạch thiêng liêng”. Dạy dỗ về “δικαιοσύνη” là cực kỳ quan trọng trong Kinh Thánh. Tôi phiên dịch chữ “δικαιοσύνη” là “công nghĩa” thay vì “công bình”, bởi vì từ ngữ “công nghĩa” có nhắc đến hai khía cạnh công bằng và chính nghĩa.

Ý Nghĩa Của Công Nghĩa

Bây giờ để chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của từ ngữ “công nghĩa” trong Kinh Thánh.

Giê-rê-mi 23:6 6 Trong đời vua ấy, Giu-đa sẽ được cứu; và Y-sơ-ra-ên sẽ ở yên ổn, và người ta sẽ xưng danh Ðấng ấy là: Gia-vê sự công nghĩa của chúng ta!

Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Trời Đức Gia-vê chính là sự công nghĩa của chúng ta.

1 Cô-rinh-tô 1:30 30 Vả, ấy là nhờ Ngài (Chúa Trời) mà anh em ở trong Chúa Giê-su Christ, là đấng mà Chúa Trời đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su Christ cũng là sự công nghĩa của chúng ta.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên ta thấy rằng Chúa Trời Đức Gia-vê và Con Ngài Chúa Giê-su Christ cùng là sự công nghĩa của chúng ta. Công nghĩa là tính tình của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su. Một người công nghĩa là một người có tính tình của Chúa Trời và của Chúa Giê-su Christ.

Các Bạn Có Muốn Một Cuộc Sống Công Nghĩa Không?

Ai nấy đều muốn được một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, nhưng rất ít người ham mộ một cuộc sống công nghĩa.

Khi người đời đã sống trong hoàn cảnh tội lỗi quá lâu rồi, tội lỗi trở thành một nếp sống của họ, họ không cảm thấy có gì ghê tởm cả. Chính vì họ không cảm thấy tội lỗi là ghê tởm, cho nên họ không biết rằng mình đang sống trong tội lỗi, họ còn tưởng rằng mình là con người đạo đức tốt lành nữa chứ. Chẳng những thế, không chừng khi họ gặp phải một người công nghĩa, họ còn thấy hành vi cuộc sống của người này là kỳ lạ quá, khó chịu quá, không chừng họ còn chỉ trích chê bai người này nữa! Trong Tân Ước có ghi rằng những người Pha-ri-si, những thầy dạy Luật và những kẻ cầm quyền trong đạo Do Thái chẳng những không ham mộ sự công nghĩa của Chúa Giê-su, mà họ còn rất thù hận Chúa nữa.

Những người này lập ra các điều lệ khó khăn bắt người dân phải giữ lấy, thí dụ như không ai được phép làm bất cứ một việc gì vào ngày lễ Sa-bát, trước mỗi bữa ăn thì phải rửa tay theo đúng một phương pháp đặc biệt do họ bịa đặt ra v.v. Họ dạy rằng cứ làm theo đúng những điều lệ này là vâng giữ Luật Pháp của Chúa Trời. Nhưng thật ra trong tâm hồn của họ là tràn đầy những ý tưởng tội lỗi xấu xa, họ ích kỷ kiêu ngạo, lại không có lòng thương xót cho người ta, chính họ vẫn còn sống trong tội lỗi.

Khi Chúa Giê-su đi khắp nhiều nơi truyền giảng Tin Lành, Chúa chữa bịnh, trừ quỷ, và còn khiến cho những kẻ chết được sống lại. Lời dạy của Chúa luôn luôn chỉ ra những tội lỗi xấu xa trong lòng người, chứ không phải chỉ chú trọng vào những hành vi bề ngoài thôi. Chúa đầy dẫy lòng thương xót cho dân chúng. Có vài lần Chúa chữa bịnh cho người dân vào ngày lễ Sa-bát, những người Pha-ri-si và những thầy dạy Luật cho rằng Chúa đã phạm một tội lỗi nghiêm trọng, họ chỉ trích Chúa không nên làm việc này vào ngày Sa-bát. Chúa hỏi những tên này rằng nếu họ có một con trâu bị rơi xuống cái hầm vào ngày Sa-bát, thì họ có cứu vớt con trâu của họ ngay lập tức không? Một con người thì hẳn là quí trọng hơn con trâu rất nhiều, người bịnh ấy đã chịu khổ từ lâu rồi, không ai chữa trị bịnh của người được, thì tại sao lại không nên chữa bịnh cho người vào ngày Sa-bát? Những tên này sau khi nghe lời giảng dạy của Chúa rồi, họ vẫn không thấy lầm lẫn của mình. Lòng nhân từ thương xót của Chúa không có khiến họ xúc động gì hết, mà họ thù hận Chúa càng sâu hơn.

Hơn nữa, những người Pha-ri-si, những thầy dạy Luật Pháp và những người cầm quyền trong đạo Do Thái tự cho rằng mình là cao quí thánh sạch, họ không muốn nói chuyện làm quen với người có tội. Nhưng Chúa Giê-su dạy rằng Chúa đến là để cứu vớt kẻ có tội, chứ không phải cứu vớt những kẻ tự cho mình là cao quí thánh sạch. Chúa đến cùng với tội nhân, Chúa giảng dạy cho người đàn bà tà dâm, Chúa chữa trị người mắc bịnh cùi, và Chúa còn rờ tay của người bịnh cùi để an ủi khích lệ người đó. Khi tôi đọc những đoạn Kinh Thánh này lần đầu tiên, tôi xúc động đến chảy nước mắt ra, lòng thương xót nhân từ của Chúa thiệt là vĩ đại vô biên. Nhưng đối với những tên tự cho mình là cao quí vô tội, thì họ bực tức vô cùng, họ chẳng những không xúc động, mà họ còn cho rằng Chúa đã phạm những điều lệ của đạo Do Thái vì Chúa ăn cùng với người có tội và nói chuyện với người đàn bà tà dâm.

Những người Pha-ri-si, những thầy dạy Luật, và những người cầm quyền trong đạo Do-Thái còn ghen ghét Chúa nữa, vì phần đông người dân đều đi theo Chúa; và lời giảng dạy của Chúa về công nghĩa và tội lỗi là tựa như mũi gươm nhọn đâm vào trong lòng họ. Rốt cuộc họ lập mưu giết hại Chúa.

Qua những sự kiện này cho ta thấy rằng khi những tội nhân gặp mặt với Chúa Giê-su, họ có thể đáp ứng lại bằng hai cách khác nhau. Một là họ bị sự công nghĩa của Chúa thu hút, họ ăn năn hối cải và đi theo Chúa; hai là họ trở nên thù hận Chúa, họ chỉ trích chống lại lời giảng dạy của Chúa về sự công nghĩa.

Các bạn có ham muốn một cuộc sống công nghĩa không? Các bạn có chán ghét cuộc sống tội lỗi không? Các bạn có nhận thấy tội lỗi ẩn nấu trong lòng mình là xấu xa ghê tởm không? Hoặc là các bạn cảm thấy cuộc đời của mình cũng khá tốt rồi, cho dù có một chút chút tội lỗi, nhưng cũng chỉ là một chút chút thôi, làm gì mà phải theo đuổi sự công nghĩa giống như Chúa Trời và Chúa Giê-su vậy mà mệt? Không chừng các bạn thấy rằng làm theo điều răn của Chúa Giê-su một chút chút là tốt, nhưng đừng có theo đuổi quá xa mà làm khổ thân mình. Không chừng các bạn hoàn toàn không thấy mình có tội lỗi gì hết. Các bạn là thuộc về hạng người nào?

Nếu bạn không muốn trở thành con người công nghĩa như Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su vậy, thì bài giảng này là hoàn toàn không thích hợp cho bạn, và cả sự sống đời đời cũng không thích hợp cho bạn, bởi vì sự sống đời đời hiện bây giờ trên thế gian này chính là một cuộc sống công nghĩa.

Còn tôi thì ham mộ công nghĩa ngay từ hồi nhỏ, nếu bạn cũng là hạng người ham mộ công nghĩa thì bài giảng này sẽ trình bày cho bạn một phương cách để trở thành con người mang tính tình công nghĩa của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.

Tầm Quan Trọng Của Sự Công Nghĩa

Bây giờ để chúng ta tìm hiểu về tầm quan trọng của sự công nghĩa.

1 Giăng 2:29 29 Nếu các con biết Ngài là công nghĩa, thì hãy biết rằng người nào làm sự công nghĩa là kẻ bởi Ngài sinh ra.

Chữ “Ngài” ở đây là Chúa Trời. Người nào làm sự công nghĩa là bởi Chúa Trời sinh ra, vậy những kẻ không làm sự công nghĩa thì không phải bởi Chúa Trời sinh ra, có nghĩa là những kẻ không làm sự công nghĩa thì không phải là con cái của Chúa Trời.

1 Giăng 3:10 10 Bởi đó mà bày tỏ con cái của Chúa Trời và con cái của ma quỉ: ai chẳng làm sự công nghĩa là không thuộc về Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.

Những người chẳng làm sự công nghĩa và chẳng yêu thương anh em mình thì không thuộc về Chúa Trời, họ không phải là con cái của Ngài.

1 Phi-e-rơ 3:12 12 Vì mắt của Gia-vê ở trên người công nghĩa, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Nhưng mặt Ngài chống lại những kẻ làm ác.

Nếu bạn muốn được Chúa Trời đoái thương và được Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của bạn thì bạn phải là con người công nghĩa.

Ma-thi-ơ 6:31 – 33 31 Vậy các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?” 32 Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những điều đó, và Cha các ngươi ở trên trời biết các ngươi cần tất cả những điều ấy rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm cầu nước Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.

Các dân ngoại là những người không tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, họ cứ lo tìm kiếm tiền bạc, đồ ăn và áo quần; còn chúng ta là con cái của Chúa Trời, ta không cần phải lo về những điều này, Đức Cha của ta ở trên trời biết rằng chúng ta cần tất cả những điều này. Trước hết, ta hãy tìm cầu nước Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm cho ta đồ ăn và áo quần.

Ma-thi-ơ 25:46 46 Rồi những kẻ này sẽ vào trừng phạt đời đời, còn những người công nghĩa sẽ vào sự sống đời đời.

Đoạn Kinh Thánh này là câu kết luận của một ví dụ mô tả tình cảnh vào Ngày Phán Xét trong tương lai. “Những kẻ này” là những kẻ ác, họ sẽ vào trừng phạt đời đời, còn những người công nghĩa sẽ được ban cho sự sống đời đời.

Sự sống đời đời hiện bây giờ là cuộc sống công nghĩa. Nếu bây giờ chúng ta đang sống trong một cuộc sống công nghĩa, thì ta sẽ được ban cho sự sống đời đời trong tương lai ở nước Thiên Đàng.

Làm Sao Mà Chúng Ta Có Một Cuộc Sống Công Nghĩa?

Những đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng một cuộc sống công nghĩa là quan trọng như thế, vậy làm sao mà chúng ta có được một cuộc sống công nghĩa?

1. Ta được trở nên công nghĩa bởi đức tin trong Chúa Giê-su Christ

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:37 – 39 37 nhưng đấng mà Chúa Trời đã khiến sống lại thì chẳng thấy sự hư nát. 38 Vậy, hỡi anh em, hãy nhận biết rằng nhờ đấng ấy mà sự tha tội được rao truyền cho anh em; 39 lại nhờ đấng ấy mà hễ ai tin thì được trở nên công nghĩa về mọi điều theo Luật Pháp của Môi-se không thể nào trở nên công nghĩa được.

“đấng mà Chúa Trời đã khiến sống lại” chính là Chúa Giê-su Christ. Nhờ Chúa Giê-su Christ mà sự tha tội được rao truyền cho chúng ta, và hễ ai tin vào Chúa thì được làm nên công nghĩa. Sau khi hết thảy tội lỗi của ta đã phạm trong quá khứ được tha thứ rồi thì ta trở nên công nghĩa.

Ga-la-ti 2:16 16 Dầu vậy, đã biết rằng người ta được trở nên công nghĩa không phải bởi các việc của luật pháp, nhưng bởi đức tin trong Chúa Giê-su Christ, nên chính chúng tôi đã tin vào Chúa Giê-su Christ để được trở nên công nghĩa bởi đức tin trong đấng Christ, không phải bởi các việc của Luật Pháp; vì không ai được trở nên công nghĩa bởi các việc Luật Pháp.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng ta được trở nên công nghĩa khi ta có đức tin trong Chúa Giê-su Christ.

Nhưng đức tin trong Chúa Giê-su Christ có nghĩa là gì?

2. Đức tin trong Kinh Thánh bao gồm sự vâng phục

Đức tin trong Chúa Giê-su Christ không phải chỉ là tin tưởng rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa đến để cứu vớt tội nhân, và Chúa chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho loài người, rồi Chúa Trời Đức Gia-vê cho Chúa được sống lại vào ngày thứ ba. Tất cả những điều này là chân thật, chúng ta tin tưởng những điều này là rất tốt, nhưng chưa đủ, ta còn phải vâng theo hết thảy những điều răn dạy của Chúa Giê-su nữa.

Đức tin trong Kinh Thánh không phải chỉ là tin tưởng trong trí óc thôi, một đức tin chân thành bao gồm sự vâng phục.

Rô-ma 1:5 5 nhờ Chúa chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ để vì danh Chúa mà đem mọi dân tộc đến sự vâng phục của đức tin.

Đoạn Kinh Thánh này nói đến “sự vâng phục của đức tin”. Sứ đồ Phao-lô được ban cho ân điển và chức vụ sứ đồ là để kêu gọi mọi dân tộc đến vào sự vâng phục của đức tin, có nghĩa là kêu gọi mọi dân tộc hãy tin vào Chúa Giê-su và vâng phục mọi điều răn dạy của Chúa.

Rô-ma 16:26 26 mà bây giờ được khải thị bởi các sách tiên tri, và theo lệnh của Chúa Trời hằng sống, cho mọi dân tộc nhận biết để đem họ đến sự vâng phục của đức tin,

Đoạn Kinh Thánh này lại một lần nữa nhắc đến “sự vâng phục của đức tin”. Kế hoạch cứu chuộc cho loài người được khải thị bởi các sách tiên tri căn cứ theo mệnh lệnh của Chúa Trời, hầu cho mọi dân tộc đều nhận biết để họ có thể tin vào Chúa Giê-su và vâng phục mọi điều răn của Chúa.

Hai đoạn Kinh Thánh này đều nói đến “sự vâng phục của đức tin”, khi ta thật sự tin vào Chúa Giê-su, thì ta phải vâng phục Chúa. Một đức tin chân thành sẽ sinh ra sự vâng phuc. Vâng phục là sự thể hiện của một đức tin chân thành ở bên trong.

Thí dụ: Nếu tôi mắc bịnh nặng sắp chết, có một bác sĩ nói rằng ông có thể chữa trị bịnh của tôi. Nếu tôi thật sự tin tưởng vào lời của bác sĩ, thì tôi phải làm theo đúng tất cả những điều bác sĩ dặn bảo tôi, như vậy bịnh của tôi mới được lành. Ngược lại nếu miệng tôi nói rằng tôi tin bác sĩ này chữa được bịnh của tôi, nhưng tôi lại không chịu làm theo những điều bác sĩ dặn tôi làm, vậy thì làm sao mà bịnh của tôi có thể lành được. Cho dù miệng tôi nói tôi tin vào bác sĩ này, nhưng hành động của tôi lại tỏ ra rằng tôi không tin gì cả.

Tương tự như vậy nếu chúng ta thật sự tin rằng Chúa Giê-su có thể cứu vớt ta ra khỏi tội lỗi, thì chẳng những trong đầu óc ta tin tưởng rằng Chúa là Con của Chúa Trời, Chúa chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta, mà ta còn phải vâng phục tất cả những điều Chúa dạy bảo ta, như vậy ta mới được cứu vớt ra khỏi tội lỗi.

3. Thánh Linh hướng dẫn giúp đỡ ta sống theo điều răn dạy của Chúa Giê-su

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh.”

Sứ đồ Phi-e-rơ giảng dạy rằng ta phải ăn năn hối cải, nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem (tức là phép rửa tội), thì tội lỗi của ta sẽ đươc hoàn toàn rửa sạch tha thứ, ta trở thành con người công nghĩa, rồi Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ ban cho ta Thánh Linh ngự trong lòng ta.

Ý nghĩa của “ăn năn hối cải” thì rất sâu xa, xin các bạn đọc bài giảng “Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su” để hiểu rõ ý nghĩa của ăn năn hối cải.

Sau khi ta được nhận lãnh Thánh Linh rồi, thì cuộc sống của ta có gì thay đổi?

Giăng 14:26. 26 Nhưng Ðấng Trợ Giúp đến, tức là Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai đến, Thánh Linh sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã truyền dạy các ngươi.

Thánh Linh được gọi là “Đấng Trợ Giúp”. Khi Thánh Linh đến vào lòng ta, Thánh Linh sẽ giúp đỡ chỉ dẫn ta, nhắc cho ta nhớ mọi điều Chúa Giê-su đã truyền dạy. Nhiều khi tôi ở trong một tình trạng khó khăn, tôi không biết nên làm gì mới phải, thì Thánh Linh nhắc lại cho tôi nhớ lời dạy của Chúa Giê-su và chỉ dẫn tôi nên áp dụng điều răn của Chúa bằng cách nào.

Giăng 16:7 – 8 7 Nhưng ta nói thật cùng các ngươi: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi, vì nếu ta không đi thì Ðấng Trợ Giúp sẽ không đến cùng các ngươi. Nhưng nếu ta đi, ta sẽ sai đấng ấy đến. 8 Khi đấng ấy đến thì sẽ khiến thế gian nhận thức về tội lỗi, về sự công nghĩa và về sự phán xét.”

Đấng Trợ Giúp, tức là Thánh Linh sẽ khiến chúng ta nhận thức về tội lỗi, về sự công nghĩa và về sự phán xét. Khi tôi phạm tội lỗi vì không cẩn thận, thì Thánh Linh chỉ ra cho tôi biết ngay lập tức, và tôi phải ăn năn hối cải liền. Thánh Linh thường chỉ dẫn tôi nên sống cuộc đời như thế nào mới là phù hợp với dạy dỗ của sự công nghĩa trong Kinh Thánh.

Khi chúng ta vâng theo chỉ dẫn của Thánh Linh hàng ngày thì tính tình của ta sẽ trở nên càng ngày càng giống như tính tình công nghĩa của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ vậy.

Kết Luận

Cuộc sống công nghĩa là cực kỳ quan trọng:

  • Những người làm sự công nghĩa là con cái của Chúa Trời, những người không làm sự công nghĩa thì không phải là con cái của Ngài.
  • Mắt của Chúa Trời Đức Gia-vê ở trên người công nghĩa, và tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ.
  • Chúng ta phải tìm cầu nước Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài, thì Ngài sẽ ban thêm cho ta đồ ăn và áo quần, ta không cần phải lo về những điều này.
  • Trong tương lai, những người công nghĩa sẽ vào sự sống đời đời.

Làm sao mà chúng ta có một cuộc sống công nghĩa?

  • Chúng ta được trở nên công nghĩa bởi đức tin trong Chúa Giê-su Christ.
  • Đức tin chân chính trong Kinh Thánh bao gồm sự vâng phục. Nếu chúng ta thật sự tin vào Chúa Giê-su thì ta phải vâng phục hết thảy lời dạy của Chúa.
  • Khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su Christ, ta ăn năn hối cải tội lỗi của mình và chịu phép báp-tem thì Chúa Trời Đức Gia-vê sẽ ban Thánh Linh của Ngài ngự trong lòng ta. Thánh Linh sẽ hướng dẫn giúp đỡ ta sống theo điều răn dạy của Chúa Giê-su.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

 

(c) 2021 Christian Disciples Church