You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (2)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (2)

Các Thầy Chiêm Tinh Đến Từ Đông Phương Và Cuộc Chạy Trốn Qua Ê-díp-tô

Ma-thi-ơ 2:1 – 23

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Các Thầy Chiêm Tinh Đến Từ Đông Phương Để Thờ Lạy Vua Mới Sinh Của Giu-đa

Ma-thi-ơ 2:1 – 12 1 Sau khi Chúa Giê-su đã sinh tại thành Bết-lê-hem của xứ Giu-đê dưới đời vua Hê-rốt, có mấy thầy chiêm tinh ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi rằng: “Vị vua mới sinh của dân Giu-đa ở đâu? Vì chúng tôi ở đông phương đã thấy ngôi sao của vua, nên đến đây để thờ lạy vua.” 3 Khi vua Hê-rốt nghe tin ấy, thì vua cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. 4 Vua bèn nhóm họp các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật trong dân chúng mà tra hỏi rằng: “Đấng Christ phải sinh tại đâu?” 5 Họ tâu rằng: “Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; tại vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: 6 ‘Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ra ngươi chẳng có thua kém các người lãnh đạo của xứ Giu-đa đâu, vì từ ngươi sẽ ra một lãnh tụ, là đấng sẽ chăn giữ dân ta Y-sơ-ra-ên.’” 7 Vua Hê-rốt bèn mời một cách kín đáo mấy thầy chiêm tinh đến mà hỏi kỹ càng về ngôi sao đó đã hiện ra khi nào. 8 Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: “Các ngươi hãy đi tìm kiếm con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, hầu cho ta cũng đến mà thờ lạy người.” 9 Mấy thầy nghe vua nói xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy ở bên đông phương đi trước mặt họ cho đến ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. 10 Khi mấy thầy thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Khi vào trong nhà, họ thấy con trẻ cùng với mẹ người là Ma-ri, họ quỳ xuống thờ lạy người. Rồi họ bày của quý ra và dâng cho người các lễ vật: vàng, nhũ hương, và một dược. 12 Và trong giấc chiêm bao mấy thầy đã được Chúa Trời cảnh cáo rằng không nên trở lại với vua Hê-rốt; nên họ đi đường khác về xứ mình.

Đoạn Kinh Thánh này nói đến các thầy chiêm tinh từ đông phương đến tìm kiếm vị vua mới sinh của dân Giu-đa. Trong Kinh Thánh Việt Ngữ thì dịch là “mấy thầy bác sĩ đến từ đông phương”. Thật ra mấy thầy này không phải là bác sĩ. Ý nghĩa của chữ này trong nguyên văn Hy-lạp là “kẻ thông minh, có học vấn đặc biệt về môn chiêm tinh học”. Chiêm tinh học là ngành học vấn nghiên cứu về sự chuyển động của các ngôi sao trên trời, rồi từ đó mà dự đoán những việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Sau khi Chúa Giê-su đã sinh tại thành Bết-lê-hem của xứ Giu-đê, các thầy chiêm tinh này ở bên đông phương quan sát được một ngôi sao đặc biệt xuất hiện, họ nhận ra rằng ngôi sao này chỉ về vị vua mới sinh của dân Giu-đa, cho nên họ đến Giê-ru-sa-lem là thủ đô của xứ Giu-đê để thờ lạy vị vua này.

Các Thầy Chiêm Tinh Nhận Ra Rằng Vị Vua Mới Sinh Này Là Chúa Cứu Thế

Xin các bạn ngẫm nghĩ coi, các thầy chiêm tinh này không phải là người Giu-đa, họ sống ở phía đông của xứ Giu-đê, không chừng là nước I-ran ngày nay. Vậy tại sao họ lại vui lòng đi từ một nước ở đông phương đến thủ đô của xứ Giu-đê để thờ lạy một vị vua mới sinh của dân Giu-đa? Dân Giu-đa không phải là một dân tộc hùng mạnh, thật ra họ đã bị mất đi chủ quyền từ lâu rồi. Ở Ma-thi-ơ chương 1, ta đã thấy rằng nước Y-sơ-ra-ên bị chia rẽ ra thành 2 nước, xứ Y-sơ-ra-ên ở miền bắc và sứ Giu-đê ở miền nam. Xứ Y-sơ-ra-ên ở miền bắc bị nước A-ri-si tiêu diệt vào khoảng năm 722 – 721 trước công lịch, người dân bị đày qua nước A-ri-si. Còn xứ Giu-đê ở miền nam bị nước Ba-by-lôn tiêu diệt vào năm 586 trước công lịch, người dân Giu-đa bị đày qua nước Ba-by-lôn. Rồi 70 năm sau một đại cường quốc khác là Phe-rơ-sơ vùng lên cai trị cả một miền rất lớn ở Trung Đông gồm cả nước Ba-by-lôn, lúc đó vua Phe-rơ-sơ mới cho phép dân Giu-đa trở về nước để xây dựng lại quê hương.

Từ năm 586 trước công lịch trở đi, xứ Giu-đê ở miền nam và xứ Y-sơ-ra-ên ở miền bắc cứ bị các đại cường quốc cai trị. Khi Đế Quốc La-mã vùng lên cai quản cả miền Trung Đông, Bắc Phi-Châu và Âu Châu, thì xứ Giu-đê và xứ Y-sơ-ra-ên đều nằm dưới quyền cai trị của Đế Quốc La-mã. Cho dù xứ Giu-đê cũng có ông vua, nhưng ông vua đó phải vâng phục mệnh lệnh của hoàng đế La-mã và phải được hoàng đế La-mã thừa nhận mới được lên ngôi làm vua. Xứ Giu-đê chỉ là một thuộc địa của Đế Quốc La-mã thôi, ông vua Giu-đê không được các nước ngoài tôn trọng. Vậy tại sao các thầy chiêm tinh này lại vui lòng đi từ đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm một vị vua mới sinh của dân Giu-đa để thờ lạy vua? Hồi đó không có máy bay hay xe lửa, họ phải đi bộ từ một nước khác đến tận Giê-ru-sa-lem, khoảng đường thì xa và thời gian thì dài, mà hành trình còn nguy hiểm nữa! Các thầy chiêm tinh này là những người có học vấn, tại sao họ lại vui lòng chịu đựng bao nhiêu khó khăn để đến Giê-ru-sa-lem tìm kiếm một vị vua mới sinh của một thuộc địa nhỏ của Đế Quốc La-mã?

Chỉ có một lý do thôi! Đó là khi họ quan sát ngôi sao đó, họ đã nhận ra rằng ấy không phải chỉ là một vị vua tầm thường của xứ Giu-đê, vị vua mới sinh này của dân Giu-đa chính là Chúa Cứu Thế cho cả nhân loại, cho nên họ mới vui lòng đi đến Giê-ru-sa-lem để thờ lạy Chúa Cứu Thế mới sinh này.

Điểm này cho ta thấy rằng các thầy chiêm tình này thật là những người ham mộ chân lý, họ nhận biết rằng hết thảy loài người gồm luôn cả chính mình họ đều cần sự cứu chuộc của Chúa Trời, bởi vậy khi họ nhận thấy Chúa Cứu Thế đã giáng sinh tại xứ Giu-đê rồi, họ bèn hân hoan lên đường để tìm kiếm người.

Chúa Trời Dùng Ngôi Sao Để Hướng Dẫn Các Thầy Chiêm Tinh

Khi Vua Hê-rốt của xứ Giu-đê nghe nói rằng có mấy thầy chiêm tinh từ đông phương đến tìm kiếm vị vua mới sinh của dân Giu-đa thì vua thật là bối rối, và tất cả dân chúng của thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối cả. Tại sao vậy? Bởi vì vua Hê-rốt chỉ là do chính quyền La-mã đặt lên làm vua, kẻ nào vừa ý chính quyền La-mã thì họ đặt kẻ đó lên làm vua. Vua Hê-rốt cũng biết rằng dân tộc Giu-đa đang chờ đợi một vị Vua Cứu Thế xuất hiện để cứu vớt họ. Bởi vậy khi vua nghe nói có vị vua của dân Giu-đa mới sinh ra thì vua bối rối lắm.

Vua Hê-rốt bèn gọi các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật đến. Thầy tế lễ là những người chăm lo việc thờ phượng và hiến dâng của lễ trong Đền Thờ của Chúa Trời; còn thầy dạy Luật là những người nghiên cứu giảng dạy Luật Pháp trong Cựu Ước. Luật Pháp trong Cựu Ước là do Chúa Trời ban cho dân tộc Do Thái, ấy là Luật Pháp của Chúa Trời. Trong bộ Cựu Ước, phần quan trọng nhất là phần Luật Pháp, bởi vậy những ông thầy giảng dạy Luật Pháp là những chuyên gia của Cựu Ước. Thầy tế lễ và thầy dạy Luật được coi là những người có thẩm quyền để giải thích lời dạy của Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Vua Hê-rốt hỏi những thầy tế lễ cả và những thầy dạy Luật rằng căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh thì đấng Christ, tức là vị Vua Cứu Thế mà dân tộc Giu-đa đang chờ đợi sẽ sinh ở đâu. Họ trả lời rằng đấng tiên tri Mi-chê đã có chép như vậy: “Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ra ngươi chẳng có thua kém các người lãnh đạo của xứ Giu-đa đâu, vì từ ngươi sẽ ra một lãnh tụ, là đấng sẽ chăn giữ dân ta Y-sơ-ra-ên.” Cho nên Vua Cứu Thế sẽ sinh ở thành Bết-lê-hem của xứ Giu-đê.

Vua Hê-rốt nghĩ ra một âm mưu rất độc ác. Vua gọi một cách kín đáo các thầy chiêm tinh đến, vua hỏi kỹ càng về ngôi sao đó đã hiện ra từ lúc nào, rồi vua sai các thầy đi Bết-lê-hem. Vua dặn họ rằng khi họ tìm được con trẻ rồi, thì hãy về báo cho vua biết, vì vua cũng muốn đi thờ lạy vua mới sinh của dân Giu-đa.

Các thầy chiêm tinh lên đường đi Bết-lê-hem, và ngôi sao họ đã thấy ở bên đông phương lại hiện ra, và còn đi trước mặt họ để hướng dẫn họ đến trước nhà của con trẻ rồi dừng lại.

Các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, tại sao ngôi sao này lại kỳ lạ như thế? Ngôi sao này muốn xuất hiện lúc nào thì tự nhiên xuất hiện, và còn có thể đi trước mặt của các nhà chiêm tinh này để hướng dẫn họ nữa! Hình như có một bàn tay đang di chuyển ngôi sao này vậy? Nhưng ai lại có khả năng di chuyển ngôi sao trên trời? Câu trả lời thì rất hiển nhiên, chỉ có Chúa Trời mới có khả năng di chuyển ngôi sao trên trời! Ngoài Chúa Trời ra, không ai có khả năng làm chuyện này.

Nhưng tại sao Chúa Trời lại cố ý di chuyển một ngôi sao trên trời để dắt đưa các thầy chiêm tinh này từ đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, rồi từ Giê-ru-sa-lem đến Bết-le-hem, sau cùng đến nhà con trẻ Giê-su, mục đích là cái gì?

Vâng, mục đích là để cho các thầy chiêm tinh này được cứu chuộc. Chúa Trời thấu hiểu tấm lòng của mỗi một người, Ngài thấy các thầy có lòng tìm cầu Ngài và ham mộ lẽ thật, nhưng họ không phải là người Giu-đa, họ không có cơ hội học tập lời dạy của Ngài, cho nên họ không thể nhận biết Ngài được. Nhưng các thầy chiêm tinh này ngày đêm nghiên cứu về các ngôi sao trên trời, cho nên Chúa Trời bèn dùng ngôi sao để khải thị cho họ. Ngài di chuyển ngôi sao này để khiến họ để ý tới, rồi Ngài dùng ngôi sao này để hưởng dẫn họ tìm đến Chúa Giê-su mới sinh, hầu cho họ có thể nhờ Chúa Giê-su mà được cứu chuộc.

Tính Tình Của Chúa Trời

Từ điểm này cho ta thấy tính tình của Chúa Trời:

  1. Điểm đầu tiên là Chúa Trời rất vui lòng giao hảo khải thị cho chúng ta, bất cứ là người dân Giu-đa hay người dân ở đông phương hay bất cứ dân tộc nào, miễn là bạn có tấm lòng tìm cầu chân lý và một tâm hồn cởi mở để nhận lấy lời dạy của Ngài, thì Ngài sẽ khải thị hướng dẫn bạn. Và khi Chúa Trời khải thị cho bạn, Ngài sẽ dùng một phương pháp mà bạn quen thuộc để hướng dẫn bạn. Thí dụ Ngài đã di chuyển một ngôi sao trên trời để khải thị cho các thầy chiêm tinh này vậy.
  2. Điểm thứ hai là khi Chúa Trời giao hảo khải thị cho chúng ta, Ngài muốn hướng dẫn ta đến cùng Chúa Giê-su, cũng như Ngài đã hướng dẫn các thầy chiêm tinh đến cùng Chúa Giê-su mới sinh vậy. Nhưng các thầy chiêm tinh này không phải tự nhiên mà được ơn cứu chuộc, họ có được cứu chuộc hay không là tùy thuộc vào niềm tin của họ. Bởi vì ta được cứu chuộc là bởi niềm tin vào Chúa Giê-su.

Cuộc Chạy Trốn Qua Ê-díp-tô

Ma-thi-ơ 2:13 – 23 13 Khi mấy thầy đó đi rồi, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao và truyền rằng: “Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ người trốn qua nước Ê-díp-tô (tức là nước Ai-cập ngày nay), rồi ở lại đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết đi.” 14 Giô-sép bèn chờ dậy, đang giữa đêm đem con trẻ và mẹ người lánh qua nước Ê-díp-tô. 15 Người ở đó cho tới khi vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: “Ta kêu gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô.”16 Khi Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy chiêm tinh đánh lừa, vua tức giận lắm, bèn ra lệnh giết hết thảy những con trai từ hai tuổi trở xuống trong thành Bết-lê-hem và những vùng xung quanh, theo đúng ngày tháng mà các thầy chiêm tinh đã cho vua biết. 17 Vậy là ứng nghiệm lời đấng tiên tri Giê-rê-mi đã nói rằng: 18 “Người ta có nghe tiếng kêu la, phàn nàn, than khóc trong thành Ra-ma: Ấy là Ra-chen khóc cho các con mình và không chịu yên ủi, vì mấy đứa con không còn nữa.” 19 Sau khi vua Hê-rốt băng, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép đang ở nước Ê-díp-tô trong giấc chiêm bao và truyền rằng: 20 “Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ người trở về xứ Y-sơ-ra-ên, vì những kẻ muốn giết con trẻ này đã chết rồi.” 21 Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ người trở về xứ Y-sơ-ra-ên. 22 Nhưng khi Giô-sép nghe rằng vua A-chê-la-u nối ngôi vua cha Hê-rốt trị vì tại xứ Giu-đê, người sợ không dám về. Bởi vì đã được Chúa Trời cảnh cáo trong giấc chiêm bao, nên người đi vào xứ Ga-li-lê, 23 ở trong thành Na-xa-rét. Vậy là ứng nghiệm lời mấy đấng tiên tri đã nói rằng: “Người ta sẽ gọi người là người Na-xa-rét.”

Đoạn Kinh Thánh này thuật lại cuộc chạy trốn của Chúa Giê-su cùng mẹ là Ma-ri và Giô-sép qua nước Ê-díp-tô.

Qua đoạn Kinh Thánh này ta thấy rằng sau khi Chúa Giê-su sinh ra, Chúa còn chưa đến hai tuổi đã bị bắt bớ, cha nuôi là Giô-sép và mẹ là Ma-ri phải dắt Chúa chạy trốn từ nơi này sang nơi khác. Về sau cho dù họ vẫn được về nước, nhưng họ vẫn không dám trở về quê hương, mà phải ở tại một thành kia tên là Na-xa-rét. Cho nên khi Chúa Giê-su trưởng thành, thì người ta gọi Chúa là người Na-xa-rét.

Chúa Giê-su Trưởng Thành Tại Một Nơi Nghèo Nàn

Các bạn có biết Na-xa-rét là một nơi như thế nào không? Na-xa-rét là một nơi nghèo nàn bị người ta coi thường khinh miệt.

Giăng 1: 45 – 46 45 Phi-líp gặp Na-tha-na-ên thì nói với người rằng: “Chúng ta đã gặp đấng mà Môi-se có chép trong Luật Pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến, ấy là Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, con của Giô-sép.” 46 Na-tha-na-ên nói rằng: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” Phi-líp nói: “Hãy đến xem.”

Đoạn Kinh Thánh này ghi lại cuộc đối thoại giữa Phi-líp và Na-tha-na-ên. Phi-líp đã gặp được Chúa Giê-su, và Chúa kêu gọi người đi theo Chúa. Rồi Phi-lip đi kiếm người bạn của mình là Na-tha-na-ên và nói cho bạn biết rằng mình đã gặp Đấng Cứu Thế mà Môi-se và các đấng tiên tri khác đã báo trước trong Cựu Ước của Kinh Thánh.

Môi-se là vị lãnh tụ vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc Do Thái. Trong thời cổ xưa, dân Do Thái bị bắt làm nô-lệ ở nước Ê-díp-tô bốn trăm năm, họ bị đàn áp rất cực khổ, và họ kêu cầu Chúa Trời giải cứu họ. Chúa Trời sai Môi-se đến để hướng dẫn họ ra khỏi đất Ê-díp-tô.

Môi-se là tác giả của 5 quyển sách đầu tiên trong bộ Cựu Ước, và 5 quyển sách này chính là Luật Pháp của dân Do Thái trong bao nhiêu thế hệ đời sau. Trước khi Môi-se qua đời, người có chép lại trong Luật Pháp rằng trong tương lai Chúa Trời sẽ đào tạo một vị lãnh tụ khác giống như người vậy để hướng dẫn người dân Do Thái. Bởi vậy từ đó trở đi dân Do Thái cứ chờ đợi vị lãnh tụ này xuất hiện. Rồi các đấng tiên tri đời sau cũng lần lượt báo trước rằng Chúa Trời sẽ sai một vị lãnh tụ vĩ đại đến để lãnh đạo người dân của Ngài. Bởi vậy cho dù đất nước bị chia rẽ làm hai, rồi cả hai nước ở miền bắc và miền nam đều lần lượt bị quốc gia khác tiêu diệt, đất nước trở thành thuộc địa của những đại cường quốc khác, nhưng dân tộc Do Thái vẫn mang một niềm hy vọng trong lòng, họ vẫn mong chờ vị lãnh tụ Vua Cứu Thế đến giải cứu họ.

Khi Phi-líp gặp Chúa Giê-su, người nhận biết rằng Chúa chính là Vua Cứu Thế mà họ đang mong chờ. Phi-líp đi báo tin này cho bạn mình là Na-tha-na-ên. Phi-líp nói rằng Đấng Cứu Thế đó chính là Chúa Giê-su ở thành Na-xa-rét. Vì Chúa Giê-su lớn lên tại thành đó, nên người ta gọi Chúa là người Na-xa-rét.

Xin các bạn coi câu nói của Na-tha-na-ên: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” Các bạn thấy người đời khinh thường Na-xa-rét đến mực nào chưa? Tại vì Na-xa-rét là nơi nghèo nàn lạc hậu, cho nên cả người Na-xa-rét cũng bị người đời coi thường.

Dù sao đi nữa Na-tha-na-ên vẫn vui lòng đi theo Phi-líp để gặp Chúa Giê-su, và khi người gặp mặt Chúa, thì người tin nhận ngay rằng Chúa chính là Đấng Cứu Thế vậy. Rốt cuộc Phi-líp và Na-tha-na-ên đều trở thành môn đồ của Chúa.

Chúa Giê-su Từng Trải Khổ Nạn Hầu Cho Chúa Có Thể Giúp Đỡ Chúng Ta

Xin các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, tại sao Con của Chúa Trời sinh ra và trưởng thành trong một hoàn cảnh nghèo khổ, bị bắt bớ, bị khinh miệt? Tại sao Con của Chúa Trời không sinh ra trong hoàng cung làm một vị hoàng tử? Tại sao vậy?

Hê-bơ-rơ 2:16 – 18 16 Vì quả thật người không phải giúp đỡ các thiên sứ, mà là giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham. 17 Bởi vậy người phải chịu làm nên giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho người trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót và trung tín đối với Chúa Trời để đền tội cho dân chúng. 18 Vả, vì chính người đã chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên người có thể giúp đỡ những kẻ bị cám dỗ vậy.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su đến để giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham là ông tổ tiên của dân tộc Do Thái. Dòng dõi của Áp-ra-ham tức là người dân của Chúa Trời. Tại vì Chúa phải giúp đỡ người dân của Chúa Trời, cho nên Chúa phải trở nên giống như anh em của mình. Phần đông người dân là nghèo khổ và chịu áp bức gian nan, cho nên Chúa cũng phải sống một cuộc đời nghèo khổ gian nan giống như những người nghèo khổ thấp hèn trên đời này. Khi Chúa đã từng trải bao nhiêu khổ nạn rồi, thì Chúa thấu hiểu khổ nạn của người dân và Chúa có thể thông cảm với khổ nạn mà chúng ta đang chịu đựng. Bởi vậy đối với dân chúng, Chúa là một thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót, và Chúa rất trung tín đối với Chúa Trời. Hơn nữa chính Chúa Giê-su cũng từng bị cám dỗ, cho nên Chúa có thể giúp đỡ chúng ta khắc phục sự cám dỗ của ma-quỉ vậy.

Hồi nhỏ má tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện: Ngày xưa có một bà phu nhân rất giàu có, bà này suốt đời chưa hề chịu đói bụng bao giờ, bà không biết đói bụng là gì. Nhưng bà này hay bị nhức răng, và bà sợ nhức răng lắm. Một hôm có một người ăn mày đến trước cửa nhà bà và cầu xin bà rằng: “Lạy phu nhân, xin phu nhân thương xót cho con, cho con chút cơm ăn đi, con đói bụng quá sắp chết rồi!” Bà phu nhân rất ngạc nhiên, bà hỏi người ăn mày rằng: “Ủa, đói bụng là gì? Tôi không hiểu!” Cô đày tớ của bà phu nhân bèn nói với người ăn mày rằng: “Ngươi nên nói như vậy, đói bụng là còn khó chịu hơn nhức răng nữa.” Người ăn mày kêu lên liền: “Thưa phu nhân, đói bụng là còn khó chịu hơn nhức răng nhiều lắm!” Khi bà phu nhân nghe vậy, bà kêu than rằng: “Tội nghiệp quá! Tội nghiệp cho người này! Tụi bay hãy cho nó cơm nhiều nhiều đi!”

Câu chuyện này mô tả những người giàu sang phú quý chưa hề chịu khổ nạn bao giờ thì không hiểu được khổ nạn của người nghèo là như thế nào. Ngược lại những người đã từng trải đau khổ mới có thể thông cảm với những kẻ cũng chịu khổ nạn như mình vậy.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo Tin Lành theo Ma-thi-ơ chương 2. Ta thấy Chúa Trời rất vui lòng giao hảo khải thị cho chúng ta, miễn là chúng ta có tấm lòng tìm cầu Ngài và ham mộ lẽ thật, thì Ngài sẽ dùng một phương pháp mà chúng ta hiểu được để hướng dẫn ta đến cùng Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa sinh ra và trưởng thành trong một hoàn cành nghèo khổ, bị bắt bớ, bị người ta khinh thường, Chúa vui lòng làm như vậy hầu cho có thể thông cảm với khổ nạn của chúng ta, rồi Chúa có thể giúp đỡ chúng ta vậy.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church