You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (3)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (3)

Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su

Ma-thi-ơ 3:1 – 12

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Hôm nay chúng ta bắt đầu tra khảo Ma-thi-ơ chương 3. Đến chương này thì Chúa Giê-su đã trưởng thành rồi.

Ma-thi-ơ 3:1 – 12 1 Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng (tức là vùng sa-mạc) của xứ Giu-đê, 2 nói rằng: “Các ngươi phải ăn năn, vì vương quốc Thiên Đàng đã đến gần!” 3 Ấy chính là đấng mà tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng: “Có tiếng kêu trong đồng vắng: ‘Hãy dọn đường của Chúa, san bằng các nẻo của Chúa.’” 4 Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu chấu và mật ong rừng. 5 Bấy giờ, dân chúng của thành Giê-ru-sa-lem và cả xứ Giu-đê, cả miền xung quanh sông Giô-đanh đều đến cùng người. 6 Khi họ xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp-tem dưới sông Giô-đanh. 7 Nhưng khi Giăng thấy nhiều người thuộc nhóm Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến chịu phép báp-tem, thì người bảo họ rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ sắp đến? 8 Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, 9 và đừng tự khoe rằng: ‘Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta;’ Ta nói cho các ngươi rằng Chúa Trời có thể khiến những hòn đá nầy sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được. 10 Bây giờ cái búa đã để kề gốc cây; vậy hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn đi và quăng vào lửa. 11 Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi về ăn năn; nhưng đấng đến sau ta có quyền năng hơn ta, ta không xứng đáng xách dép cho người. Ấy là đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Thánh Linh và bằng lửa. 12 Tay người cầm cái sàng mà dê sạch sân lúa của mình và người sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.”

Giăng Báp-tít

Đoạn Kinh Thánh này nói đến một nhân vật Giăng Báp-tít. Tên của người là Giăng, còn “Báp-tít” là phiên âm của chữ Hy Lạp “βαπτιστής” (baptistes) (đọc là bap-tit-s-tí-s), có nghĩa là “kẻ làm phép báp-tem”. Thực ra từ ngữ “phép báp-tem” là phiên âm của chữ Hy-lạp “βάπτισμα” (baptisma) (đọc là bap-tít-s-ma). Cho nên “Giăng Báp-tít” có nghĩa là “kẻ làm phép báp-tem tên là Giăng”.

Giăng đến đồng vắng (tức là vùng sa mạc) của xứ Giu-đê giảng đạo kêu gọi người ta phải ăn năn, tại vì vương quốc Thiên Đàng đã đến gần rồi.

“Vương Quốc Thiên Đàng” Và “Vương Quốc Chúa Trời”

Xin các bạn để ý, từ ngữ “vương quốc Thiên Đàng” chỉ được dùng trong sách Tin Lành theo Ma-thi-ơ thôi, ngoài sách này ra, thì từ ngữ “vương quốc Thiên Đàng” không có xuất hiện trong bất cứ quyển sách nào khác của bộ Kinh Thánh. Trong những quyển sách khác của Kinh Thánh thì dùng từ ngữ “vương quốc Chúa Trời”.

Thật ra “Thiên Đàng” có nghĩa là “trời”, “vương quốc Thiên Đàng” thì có nghĩa là “vương quốc trời”. Cho nên “vương quốc Thiên Đàng” thì chính là “vương quốc Chúa Trời”, hai từ ngữ này không có gì khác nhau cả.

Chữ “vương quốc” trong nguyên văn Hy Lạp là “βασιλεία” (basileia) (đọc là ba-si-lí-a). Chữ này có 2 ý nghĩa:

  1. Quyền hành cai trị của ông vua.
  2. Lãnh thổ của một vương quốc

Thực ra từ ngữ “vương quốc Chúa Trời” hay “vương quốc Thiên Đàng” không được chính xác, tại vì chữ “vương quốc” khiến người ta nghĩ đến “lãnh thổ của một nước”. Câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 3:2 dịch là: “vương quốc Chúa Trời đã đến gần rồi!”, nhưng hiện giờ trên thế gian này ta không thấy vương quốc Chúa Trời ở đâu cả! Bởi vậy phiên dịch chính xác là “quyền hành cai trị của Chúa Trời”, chứ không phải là “vương quốc Chúa Trời”.

Lời Tiên Tri Được Ứng Nghiệm

Giăng Báp-tít đến đồng vắng của xứ Giu-đê giảng đạo kêu gọi người ta phải ăn năn, tại vì quyền hành cai trị của Chúa Trời đã đến gần rồi. Thật ra hơn 600 năm, gần 700 năm về trước, tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng mai sau sẽ có tiếng lớn trong đồng vắng kêu gọi người ta hãy dọn đường của Chúa và san bằng các nẻo của Chúa. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm trong cuộc đời và việc làm của Giăng Báp-tít.

Giăng Báp-tít thật là một nhân vật kỳ lạ, người mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da, ăn thì ăn những con châu chấu và mật ong rừng. Các bạn đừng kinh ngạc, ở nước Mỹ và nước Canada, tiệm thực phẩm có bán những con châu chấu chiên khô đựng trong bình, con châu chấu có thể ăn được.

Dân chúng ở thành phố Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê và miền xung quanh sông Giô-đanh đều đến cùng Giăng để lắng nghe người giảng đạo. Sau khi nghe giảng rồi, họ có cảm động trong lòng, họ thú nhận tội lỗi của mình, rồi họ chịu phép báp-tem dưới sông Giô-đanh.

“Pha-ri-si” Và “Sa-đu-sê”

Trong số những người đến chịu phép báp-tem thì có những người thuộc nhóm Pha-ri-si và nhóm Sa-đu-sê.

Pha-ri-si và Sa-đu-sê là hai nhóm học giả trong Đạo Do Thái. Phần đông các thầy giảng dạy Luật Pháp là thuộc nhóm Pha-ri-si, họ hay tự coi mình là công nghĩa. Sau này khi Chúa Giê-su truyền giảng Tin Lành, Chúa thường chỉ trích bọn Pha-ri-si này là những kẻ đạo đức giả.

Còn nhóm Sa-đu-sê thì nắm giữ những địa vị quan trọng trong Đền Thờ và trong tòa án của người Do Thái, họ ham thích quyền lực địa vị và tiền tài.

Khi Giăng Báp-tít thấy có nhiều người thuộc nhóm Pha-ri-si và nhóm Sa-đu-sê cũng đến chịu phép báp-tem, thì người khiển trách họ rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ sắp đến? Các ngươi đừng tưởng là miễn là chịu phép báp-tem thì có thể tránh khỏi trừng phạt của Chúa Trời. Điều quan trọng là các ngươi phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn hối cải, có nghĩa là phải có những hành vi tốt lành để chứng tỏ rằng ăn năn hối cải của mình là chân thật, không phải giả dối. Các ngươi đừng tự khoe rằng: ‘Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta;’ ta nói cho các ngươi rằng Chúa Trời có thể khiến những hòn đá nầy sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được. Bây giờ cái búa đã để sát bên cạnh gốc cây; hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn đi và quăng vào lửa, Chúa Trời thì sẵn sàng đốn đi cây nào không sinh trái tốt, cho nên các ngươi phải kết quả mang trái tốt.”

Ý Nghĩa Của Ăn Năn

Ở đây Giăng Báp-tít nói đến một vấn đề rất quan trọng, đó là ăn năn và kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Ăn năn có nghĩa là gì?

Xin các bạn để ý, có nhiều từ ngữ trong Kinh Thánh mang ý nghĩa rất sâu xa, khác với ý nghĩa ta thường dùng hàng ngày. Bởi vậy ta không nên chỉ dựa vào tự điển Việt Ngữ mà xác định ý nghĩa của những từ ngữ trong Kinh Thánh.

Từ ngữ “ăn năn” trong Kinh Thánh không phải chỉ là ân hận than khóc những điều mình đã làm, ý nghĩa của từ ngữ này thì sâu xa hơn nhiều.

Ăn năn trong nguyên văn Hy lạp là chữ “μετανοέω” (metanoeo) (đọc là mê-ta-nô-é-u). Ý nghĩa của chữ (metanoeo) là thay đổi tấm lòng và phương hướng của cuộc đời.

Thí dụ: Trước kia chúng ta yêu thích tiền bạc và địa vị trên thế gian, bây giờ ta không theo đuổi những điều này nữa, ta ham mộ lẽ thật công nghĩa. Trước kia chúng ta chỉ sống cho chính mình thôi, những việc ta làm đều là cho lợi ích của mình, bây giờ ta sống cho Chúa Trời, ta hiến dâng cuộc sống của mình để hết lòng hết sức phụng sự Ngài. Trước kia chúng ta muốn làm gì thì làm, ta không muốn vâng theo mệnh lệnh của người khác, bây giờ ta hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Chúa Trời.

Khi tấm lòng và phương hướng của chúng ta thay đổi, thì lẽ dĩ nhiên hành vi việc làm ở bên ngoài cũng sẽ thay đổi. Bởi vậy Giăng Báp-tít khiển trách những người trong nhóm Pha-ri-si và Sa-đu-sê rằng: “Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn”.

Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 3:1 – 12 ở trên thì không có ghi lại lời giảng của Giăng Báp-tít về ý nghĩa của sự ăn năn chân thật, nhưng trong đoạn Kinh Thánh tương đương ở Lu-ca thì có ghi lại rất tường tận lời giải thích của Giăng Báp-tít về ăn năn hối cải.

Lu-ca 3:7 – 14 7 Vậy, Giăng nói cùng đoàn dân đến để chịu phép báp-tem rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ sắp đến? 8 Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: ‘Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta;’ vì ta nói cùng các ngươi, Chúa Trời có thể khiến từ những hòn đá nầy sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được. 9 Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn đi và quăng vào lửa.” 10 Chúng bèn hỏi Giăng rằng: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì?” 11 Người đáp rằng: “Ai có hai chiếc áo, hãy chia sẻ một chiếc với kẻ không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy.” 12 Cũng có những người thâu thuế đến để chịu phép báp-tem; họ hỏi rằng: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Người nói rằng: “Đừng đòi thêm ngoài số qui định.” 14 Quân lính cũng hỏi rằng: “Còn chúng tôi phải làm gì?” Người nói rằng: “Đừng hà hiếp, đừng vu cáo ai hết, mà hãy bằng lòng về lương bổng mình.”

Sau khi Giăng Báp-tít dạy bảo dân chúng phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn, họ hỏi rằng vậy thì họ phải làm gì. Giăng nói rằng họ nên chia mảnh cơm miếng áo với những kẻ không có. Trước kia chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, lợi ích của người thân trong gia đình, và lợi ích của những kẻ ta yêu thích thôi, bây giờ ta phải quan tâm đến người khác. Còn những người thâu thuế thì đừng có đòi người dân nộp thêm tiền bạc ngoài số qui định; và những người lính thì đừng có hà hiếp dân chúng, đừng có vu cáo ai hết, và hãy bằng lòng về lương bổng mình nhận lấy.

Nhiều năm về trước chồng tôi và tôi từng phụng sự Chúa Trời ở Philippines, ngày thứ hai mỗi tuần chồng tôi đi viếng thăm nhà tù để truyền giảng Tin Lành cho tù nhân. Trong số những tù nhân đó, có một người từng là tên cầm đầu trong bè đảng phi pháp cướp của giết người, người này từng giết đi 4 người rồi. Ngay ỏ trong nhà tù, những tù nhân khác vẫn sợ người này lắm, họ đều biết rõ người này là ai. Cảm tạ Chúa Trời, Ngài đã cứu vớt người này. Khi người nghe lời dạy của Chúa Trời, người ăn năn hối cải và phó thác cuộc đời của mình cho Ngài, người trở thành Tín Đồ Cơ Đốc. Từ đó trở đi người thay đổi hoàn toàn, người còn giúp đỡ chồng tôi trong việc truyền giảng Tin Lành ở nhà tù nữa. Tại vì có nhiều tù nhân không biết tiếng Anh, họ chỉ biết tiếng Philippines thôi, khi chồng tôi giảng dạy bằng tiếng Anh, thì người này phiên dịch ra tiếng Philippines cho các tù nhân khác nghe. Về sau người này được thả ra, và người tiếp tục theo đuổi con đường của Chúa Trời, người còn đi vào vùng quê hương rừng núi ở Philippines để truyền giảng Tin Lành nữa.

Trước kia người này vì lợi ích của mình mà cướp của giết người, bây giờ người này vui lòng hiến dâng thời gian sức lực của mình để giúp đỡ người khác nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su hầu cho họ cũng được hưởng ơn cứu chuộc.

Ăn năn hối cải không phải chỉ là ân hận than khóc về tội lỗi của mình, có nhiều người cũng thường hay ân hận than khóc, nhưng sau đó họ không có thay đổi gì hết, họ vẫn sống như cũ làm việc như cũ. Đó không phải là ăn năn hối cải trong Kinh Thánh.

Tại Sao Ta Phải Ăn Năn Hối Cải?

Các bạn thấy ăn năn hối cải chân thật không phải là dễ dàng đâu, chẳng những ta phải quyết tâm vâng theo lời dạy của Chúa Trời, mà ta còn phải cầu xin Ngài ban lực lượng giúp đỡ ta thật sự ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Vậy tại sao ta phải chịu khổ như vậy để ăn năn hối cải?

Tại vì ăn năn hối cải là điều kiện để được nhận vào vương quốc Chúa Trời! Chúa Trời Đức Gia-vê sai Chúa Giê-su đến để cứu chuộc người đời hầu cho họ có thể đi vào vương quốc Chúa Trời.

Thật ra bao nhiểu tội lỗi của người đời đều bắt nguồn từ lòng ích kỷ và không chịu vâng phục ý chỉ của Chúa Trời. Cho nên ăn năn hối cải chân thật trong Kinh Thánh là:

  • Thay đổi tấm lòng ích kỷ thành ra hiến dâng hy sinh.
  • Thay đổi thái độ phản nghịch Chúa Trời thành ra hoàn toàn vâng phục quyền hành cai quản của Ngài trong cuộc đời của mình.

Hễ ai muốn vào vương quốc Chúa Trời thì lẽ dĩ nhiên phải vâng phục quyền hành cai trị của Chúa Trời.

Khi chúng ta thật sự ăn năn hối cải cuộc sống tội lỗi của mình rồi chịu phép báp-tem, thì ta được ban cho Thánh Linh, và Chúa Giê-su sẽ bắt lên ngọn lửa thiêng liêng trong lòng ta.

Còn những người không chịu ăn năn hối cải thì sao? Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 3:12 nói rằng: “Tay người cầm cái sàng mà dê sạch sân lúa của mình và người sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm ra thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.” Chữ “lúa” ở đây là chỉ về những người vui lòng vâng theo lời của Chúa Giê-su mà ăn năn hối cải, họ sẽ được chứa vào kho. Còn “rơm rạ” là những kẻ không chịu ăn năn hối cải, họ sẽ bị đốt trong lửa chẳng hề tắt, ấy chính là bị hư mất trong địa ngục.

Hôm nay chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 3:1 – 12. Ăn năn hối cải chân thật là sự thay đổi của tấm lòng và phương hướng của cuộc đời. Tại sao chúng ta lại phải ăn năn hối cải ? Đó là tại vì vương quốc Chúa Trời đã đến gần rồi, Con của Chúa Trời đã đến để cứu vớt chúng ta hầu cho ta có thể vào vương quốc Chúa Trời hưởng ơn cứu chuộc, nhưng điều kiện để vào vương quốc Chúa Trời là ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church