You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (13)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (13)

Phước Cho Những Kẻ Tạo Nên Bình Yên

Ma-thi-ơ 5:9

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã học tập Ma-thi-ơ 5:8, hôm nay chúng ta tra khảo câu Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 5:9 9 “Phước cho những kẻ tạo nên bình yên, vì sẽ được gọi là con Chúa Trời!”

Những chữ “sẽ được gọi là con Chúa Trời” chỉ ra rằng Chúa Giê-su đang nói về phước lành trong tương lai. Trong tương lai vào ngày Phán Xét, ai được gọi là con Chúa Trời thì người ấy sẽ được nhận vào vương quốc Thiên Đàng để hưởng sự sống đời đời.

Bây giờ để tôi giải thích cho quí vị ý nghĩa của từ ngữ “kẻ tạo nên bình yên” từng bước một. Đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của “bình yên” trong Kinh Thánh.

Bình Yên Là Một Điều Răn Rất Quan Trọng Trong Kinh Thánh

Bình yên là một điều răn rất quan trọng trong Kinh Thánh. Kinh Thánh dạy rằng Chúa Trời Gia-vê là Đấng Chúa Trời bình yên.

Phi-líp 4:9 9 Những điều gì anh em đã học được, đã nhận được, đã nghe từ nơi tôi và đã thấy trong tôi, hãy thực hành đi, thì Chúa Trời của sự bình yên sẽ ở cùng anh em.

Tin Lành cũng là Tin Lành của sự bình yên.

Ê-phê-sô 6:15 15 mang vào chân giày sẵn sàng của Tin Lành bình yên.

Và sự bình yên là một thành phần của vương quốc Chúa Trời.

Rô-ma 14:17 17 Vì vương quốc Chúa Trời chẳng phải là sự ăn uống, nhưng là sự công nghĩa, bình yên và vui vẻ trong Thánh Linh.

Chúa Giê-su rất coi trọng niềm bình yên trong tâm linh của các môn đồ và sự bình yên thương yêu giữa các môn đồ với nhau. Trước khi Chúa bị bắt, Chúa dặn bảo các môn đồ đừng có bối rối mà hãy giữ vững niềm bình yên trong lòng.

Giăng 14:27 27 “Ta để sự bình yên lại cho các ngươi; ta ban sự bình yên của ta cho các ngươi; ta ban cho các ngươi thì chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và sợ hãi.”

Sau khi Chúa Giê-su phục sinh rồi, Chúa hiện ra trước mặt các môn đồ và Chúa ba lần nói cùng họ rằng: “Bình yên cho các ngươi”.

Giăng 20:19 19 Vào buổi chiều ngày đó, ấy là ngày thứ nhất trong tuần lễ, những cánh cửa nơi các môn đồ ở đều đóng lại vì sợ dân Giu-đa, Chúa Giê-su đến đứng giữa các môn đồ mà nói rằng: “Bình yên cho các ngươi!”

Giăng 20:21 21 Chúa lại nói cùng các môn đồ rằng: “Bình yên cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy.”

Giăng 20:26 26 Tám ngày sau các môn đồ của Chúa lại ở trong nhà, Thô-ma ở cùng với họ. Những cánh cửa đều đóng lại, Chúa Giê-su đến đứng giữa họ mà nói rằng: “Bình yên cho các ngươi!”

Về sau các môn đồ của Chúa bắt đầu đi truyền giảng Tin Lành khắp cả thế gian, khi họ viết thư khuyên bảo các hội thánh, họ thường hay bắt đầu và kết thúc bức thư bằng những lời chúc về bình yên.

Sự bình yên trong Kinh Thánh có ba phương diện chính: đầu tiên là sự bình yên với Chúa Trời, thứ hai là sự bình yên giữa các anh chị em Tín Đồ, tức là sự hòa thuận thương yêu giữa các anh chị em Tín Đồ, và sau cùng là sự bình yên trong tâm linh của chúng ta. Kinh Thánh cũng có nói sơ qua về sự bình yên của thân thể và tài sản của ta, nhưng không có chú trọng về hai phương diện này.

Sự Bình Yên Với Chúa Trời

Đầu tiên chúng ta tra khảo về sự bình yên với Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng khi chúng ta sống trong tội lỗi không vâng phục lời của Ngài thì chúng ta là thù nghịch cùng Ngài.

Cô-lô-sê 1:21 21 Còn anh em trước kia vốn xa cách Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác của mình,

Câu Kinh Thánh này dạy rằng khi chúng ta có những ý tưởng tội lỗi trong đầu óc và làm việc tội ác thì ta là thù nghịch cùng Chúa Trời. Khi chúng ta là thù nghịch cùng với Ngài thì lẽ dĩ nhiên ta không có bình yên với Ngài.

Ê-phê-sô 2:3 3 Trước kia chúng ta hết thảy đều ở trong số những người sống theo dục vọng của xác thịt, thỏa mãn sự ham mê của xác thịt và ý tưởng, và theo lẽ tự nhiên chúng ta là con cái của cơn thạnh nộ như những người khác.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng khi chúng ta sống theo dục vọng của xác thịt, chúng ta chỉ muốn thỏa mãn sự ham mê của xác thịt và ý tưởng, thì chúng ta phải chịu trừng phạt trong cơn thạnh nộ của Chúa Trời.

Vậy nếu chúng ta muốn có bình yên cùng với Chúa Trời, thì chúng ta phải làm gì?

Rô-ma 5:1 1 Bởi vậy khi chúng ta đã được làm nên công nghĩa bởi đức tin, thì ta có bình yên với Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ chúng ta,

Câu Kinh Thánh này dạy rằng khi ta tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ thì ta được trở nên con người công nghĩa, và ta có bình yên với Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ.

Nói tóm lại khi ta phạm tội lỗi thì ta là thù nghịch với Chúa Trời; ngược lại khi ta tin vào Chúa Trời và vâng phục lời của Ngài thì ta mới có bình yên với Ngài.

Chỉ khi chúng ta có bình yên với Chúa Trời thì ta mới có thể đạt được sự bình yên cùng với các anh chị em Tín Đồ và ta mới có sự bình yên trong tâm linh. Nếu chúng ta không có bình yên với Chúa Trời thì ta hẳn không có bình yên cùng với các anh chị em Tín Đồ và ta cũng không có bình yên trong tâm linh.

Sự Bình Yên Giữa Các Anh Chị Em Tín Đồ

Có người sẽ hỏi rằng: “Tại sao nếu chúng ta không có bình yên với Chúa Trời thì ta không có bình yên cùng với các anh chị em Tín Đồ và cũng không có bình yên trong tâm linh vậy?”

Ê-phê-sô 2:14 – 15 14 Vì chính Chúa là sự bình yên của chúng ta; Chúa đã kết hợp cả hai nhóm thành một, phá tan bức tường ngăn cách, 15 dùng thân xác mình để hủy bỏ mối thù nghịch, ấy là Luật Pháp của các điều răn bao gồm trong các điều lệ, hầu cho có thể từ hai nhóm mà lập nên một người mới ở trong Chúa, như thế mà tạo nên bình yên.

Đoạn Kinh Thánh này nói đến dân Do Thái và các dân tộc khác được hợp làm một trong Chúa Giê-su. Đoạn Kinh Thánh này hai lần nói về sự hợp nhất, lần đầu tiên là trong câu 14: “Chúa đã kết hợp cả hai nhóm thành một”, lần thứ hai là trong câu 15: “hầu cho có thể từ hai nhóm mà lập nên một người mới ở trong Chúa”.

Qua đoạn Kinh Thánh này ta thấy rằng sự bình yên giữa các anh chị em Tín Đồ không phải chỉ là không gây gổ đối đãi tử tế với nhau thôi, sự bình yên giữa các anh chị em Tín Đồ là sâu xa hơn nhiều, ấy là sự hợp nhất trong tâm linh.

Sự hợp nhất trong tâm linh là một điều chúng ta không bao giờ làm được bằng khả năng của mình. Nhiều khi giữa hai vợ chồng cũng có xung đột hay thù nghịch nhau, huống chi là giữa các anh chị em Tín Đồ thì làm sao mà đạt được sự hợp nhất trong tâm linh?

Loài người thì làm không được, nhưng Chúa Trời làm mọi việc đều được. Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên Ê-phê-sô 2:14 – 15, Chúa Giê-su là sự bình yên của chúng ta; Chúa đã phá tan bức tường ngăn cách giữa chúng ta (theo câu 14); Chúa dùng thân xác mình để hủy bỏ mối thù nghịch giữa loài người (theo câu 15), có nghĩa là sự chết của Chúa trên cây thập tự đã xóa bỏ mối thù nghịch giữa loài người. Rồi từ hai nhóm người mà lập nên một người mới ở trong Chúa, như thế mà tạo nên bình yên (theo câu 15).

Xin các bạn để ý vào những chữ này: “lập nên một người mới ở trong Chúa”. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải ở trong Chúa Giê-su. Khi chúng ta ở trong Chúa thì Chúa có thể khiến chúng ta hiệp làm một.

Vậy “ở trong Chúa” có nghĩa là gì? “Ở trong Chúa” có nghĩa là tâm linh của ta ở trong tâm linh của Chúa. Khi tâm linh của ta ở trong tâm linh của Chúa thì tâm linh của ta đã hiệp làm một với tâm linh của Chúa. Các bạn hãy ngẫm nghĩ coi, khi tâm linh của Tín Đồ A hiệp làm một với tâm linh của Chúa, và tâm linh của Tín Đồ B cũng hiệp làm một với tâm linh của Chúa, thì Tín Đồ A và Tín Đồ B đã hiệp làm một trong tâm linh rồi! Như vậy hai người Tín Đồ A và B sẽ có sự bình yên hợp nhất.

Nhưng làm sao mà tâm linh của ta có thể ở trong tâm linh của Chúa?

Rô-ma 6:5 5 Vì nếu chúng ta đã hiệp làm một với Chúa trong sự chết giống như sự chết của Chúa, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ hiệp làm một với Chúa trong sự sống lại giống như sự sống lại của Chúa.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng nếu chúng ta hiệp làm một với Chúa Giê-su trong sự chết thì chúng ta cũng sẽ hiệp làm một với Chúa trong sự sống lại. Nhưng Chúa đã chịu chết 2000 năm về trước, làm sao mà chúng ta có thể hiệp làm một với Chúa trong sự chết?

Rô-ma 6:10 10 Vì Chúa đã chết là chết về tội lỗi một lần đủ cả; nhưng Chúa sống là sống cho Chúa Trời.

Câu Kinh Thánh này chỉ ra rằng sự chết của Chúa là chết về tội lỗi, bởi vậy nếu chúng ta cũng chết về tội lỗi thì ta được hiệp làm một với Chúa trong sự chết giống như sự chết của Chúa (theo Rô-ma 6:5).

Vậy chúng ta phải làm gì mới có thể chết về tội lỗi?

Rô-ma 6:3 – 4 3 Hay là anh em không biết rằng chúng ta hết thảy đều đã chịu báp-tem vào trong Chúa Giê-su Christ, tức là chịu báp-tem vào trong sự chết của Chúa sao? 4 Vậy chúng ta đã cùng chôn với Chúa qua phép báp-tem vào trong sự chết của Chúa, hầu cho cũng như đấng Christ nhờ vinh diệu của Đức Cha đã được sống lại từ kẻ chết thể nào, thì chúng ta cũng sống trong cuộc sống mới cùng một thể ấy.

Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên Rô-ma 6:3 – 4, khi chúng ta chịu phép báp-tem thì ta được báp-tem vào trong sự chết của Chúa (theo câu 3). Tại vì Chúa đã chết về tội lỗi (căn cứ theo Rô-ma 6:10), cho nên khi ta được báp-tem vào trong sự chết của Chúa thì ta cũng chết về tội lỗi. Rồi cũng như Chúa đã được phục sinh thì chúng ta cũng được phục sinh và sống trong một cuộc sống mới (theo câu 4).

Bây giờ tôi tóm tắt lại ý nghĩa của những đoạn Kinh Thánh trên:

  • Qua phép báp-tem ta chết về tội lỗi cũng như Chúa đã chết về tội lỗi vậy, cho nên qua phép báp-tem ta được hiệp làm một với Chúa trong sự chết.
  • Khi ta hiệp làm một với Chúa trong sự chết thì chắc chắn ta cũng được hiệp làm một với Chúa trong sự sống lại và được sống trong một cuộc sống mới.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh.”

Trong câu Kinh Thánh này sứ đồ Phi-e-rơ giảng dạy rằng đầu tiên chúng ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình, và chịu phép báp-tem thì tội lỗi của ta sẽ được tha thứ. Rồi Chúa Trời sẽ ban Thánh Linh của Ngài ngự trong lòng ta. (Xin đọc bài giảng “Giăng Báp-tít Dọn Đường Của Chúa Giê-su” để hiểu rõ ý nghĩa của ăn năn hối cải)

Tại vì Thánh Linh của Chúa Trời ngự trong lòng ta, cho nên Thánh Linh sẽ dạy dỗ chỉ dẫn ta và ban quyền năng cho ta, rồi chúng ta mới có thể tiến tới sự bình yên hợp nhất cùng với các anh chị em Tín Đồ.

Bởi vậy sự hợp nhất trong tâm linh là một điều loài người không bao giờ làm được bằng khả năng của mình, chỉ có những người thực sự vâng phục Chúa Trời, họ đã hiệp làm một với Chúa Giê-su qua phép báp-tem, và họ cũng được hiệp làm một với Chúa trong cuộc sống mới, họ được ban cho Thánh Linh và họ chịu khó đi theo lời chỉ dẫn của Thánh Linh, rồi họ mới có thể tiến tới sự hợp nhất trong tâm linh vậy.

Sở dĩ chúng ta quyết tâm thương yêu anh chị em là tại vì chúng ta kính mến Chúa Trời, Ngài dặn bảo chúng ta phải thương yêu nhau cho nên ta làm y như vậy. Những người càng vâng phục Chúa Trời thì càng thương yêu anh chị em Tín Đồ. Ngược lại nếu chúng ta không vâng phục Chúa Trời, thì chúng ta hẳn không có sự bình yên hợp nhất với anh chị em.

Vậy giữa một người Tín Đồ Cơ Đốc và một người không tin vào Chúa Trời thì có sự bình yên không? Vâng, giữa một người Tín Đồ Cơ Đốc và một người không tin vào Chúa Trời thì không có sự hợp nhất trong tâm linh. Dầu vậy người Tín Đồ Cơ Đốc vẫn yêu thương những người không tin vào Chúa Trời, chúng ta còn phải cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su hầu cho họ cũng được hưởng ơn cứu chuộc vậy.

Sự Bình Yên Trong Tâm Linh Của Ta

Bây giờ chúng ta tra khảo về sự bình yên trong tâm linh của ta. Sự bình yên trong tâm linh của ta cũng tùy thuộc vào sự bình yên với Chúa Trời. Nếu chúng ta không có bình yên với Chúa Trời, thì chúng ta không có bình yên trong tâm linh. Hay nói một cách rõ hơn là nếu chúng ta không vâng phục lời của Chúa Trời thì chúng ta không có bình yên trong tâm linh. Tại sao vậy?

Sự bình yên trong tâm linh của người Tín Đồ Cơ Đốc là do Chúa Trời ban cho, sự bình yên này thì rất khác biệt với bình yên của thế gian. Người đời trên thế gian cũng có sự bình yên, nhưng sự bình yên của họ là tùy thuộc vào hoàn cảnh. Khi họ có cuộc sống thoải mái sung sướng thì họ có bình yên trong tâm linh, nhưng khi họ chịu đau khổ gian nan thì bình yên của họ cũng tiêu tan. Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta thì không phải như vậy, cho dù ta gặp gian nan nguy hiểm, ta vẫn có yên vui trong lòng.

Công Vụ Các Sứ Đồ 5:41 41 Vậy các sứ đồ từ tòa công luận ra, hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa.

Sau khi Chúa Giê-su thăng lên trời rồi, Thánh Linh của Chúa Trời giáng lâm và các sứ đồ bắt đầu truyền giảng Tin Lành tại thành Giê-ru-sa-lem. Nhiều người Giu-đa tin vào Chúa Giê-su, bởi vậy thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy tế lễ đầy dẫy ganh tị. Họ bắt các sứ đồ lại mà đánh đòn và cấm các sứ đồ không được nói đến danh của Chúa Giê-su, rồi họ thả các sứ đồ ra. Các sứ đồ không có sợ hải hay đau buồn gì hết, họ còn hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa nữa.

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:23 – 25 23 Sau khi đánh đòn, các quan bỏ hai sứ đồ vào tù ngục và truyền giám ngục canh giữ cẩn mật. 24 Được lệnh, giám ngục giam hai người vào ngục kín và cùm chân lại. 25 Khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện và ca ngợi Chúa Trời, các tù nhân đều lắng nghe.

Sứ đồ Phao-lô và Si-la đến thành Phi-líp để rao truyền Tin Lành, một người dân trong thành phố đó căm thù hai sứ đồ, người ấy bắt hai sứ đồ lại và giao họ cho các quan địa phượng. Các quan ra lệnh đánh đòn hai sứ đồ rồi bỏ họ vào tù ngục. Nhưng hai sứ đồ không có đau buồn, họ còn cầu nguyện và ca ngợi Chúa Trời, khiến cho các tù nhân khác đều lắng nghe.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng sự bình yên trong tâm linh của người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính quả thật là phi thường! Vậy làm sao mà ta có sự bình yên như vậy?

Ga-la-ti 5:22 – 23 22Nhưng quả của Thánh Linh là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh này, bình yên là ở trong quả của Thánh Linh. Khi Thánh Linh của Chúa Trời làm việc trong tâm linh ta thì ta sẽ kết quả của Thánh Linh. Quả của Thánh Linh gồm có 9 đức tính, bình yên là một trong 9 đức tính đó. Chỉ có những người vâng phục Chúa Trời mới có thể kết quả của Thánh Linh. Nếu chúng ta không vâng phục Chúa Trời thì ta là thù nghịch cùng Ngài, lẽ dĩ nhiên ta không có quả của Thánh Linh, và ta không có sự bình yên trong tâm linh vậy.

Phi-líp 4:6 – 7 6 Đừng lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và lời tạ ơn để trình lên lời thỉnh cầu của anh em cho Chúa Trời. 7 Và sự bình yên của Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ gìn giữ tấm lòng và ý tưởng anh em trong Chúa Giê-su Christ.

Nếu chúng ta muốn có sự bình yên của Chúa Trời thì ta phải phó thác mọi sự cho Ngài bằng lời cầu nguyện, ta cầu xin Ngài giúp đỡ, và ta phải tạ ơn Ngài thường xuyên. Cho dù ta ở trong cơn hoạn nạn khó khăn, ta vẫn tạ ơn Ngài. Ta trình dâng lên cho Ngài hết thảy mọi việc, rồi Ngài sẽ ban bình yên cho ta. Sự bình yên do Chúa Trời ban cho là vượt quá mọi sự hiểu biết, có nghĩa là ta không hiểu tại sao mình lại có sự bình yên trong cơn khó khăn đau khổ như vậy. Chính là sự bình yên này sẽ gìn giữ tấm lòng và ý tưởng của ta.

Để tôi kể cho quí vị nghe một câu chuyện thiệt. Khi chồng tôi và tôi phụng sự Chúa Trời ở Philippines, tôi quen biết một người chị Tín Đồ. Chị này là một người rất dễ xúc cảm, chỉ một việc nhỏ là đủ làm cho chị này khóc lên. Mẹ của chị này đang mắc bịnh nặng. Một hôm chị được tin là bác sĩ đã xác định rằng bịnh của mẹ là ung thư, mà ung thư của mẹ đã đến giai đoạn sau cùng rồi, mẹ chỉ có thể sống thêm khoảng mấy tháng nữa thôi. Khi chị nghe tin này, chị đau lòng quá mà khóc lên. Nhưng chị biết rằng mình cần phải giữ tâm hồn bình tĩnh để truyền giảng Tin Lành cho người mẹ, chỉ còn mấy tháng nữa thôi. Cho nên chị ngay lập tức kêu cầu Chúa Trời gìn giữ tâm hồn của mình bình tĩnh, chị xin Ngài ban cho đầu óc sáng sủa biết nói những lời phải lẽ để giải thích Tin Lành cho mẹ nghe.

Kỳ diệu thay! Vinh diệu thay! Sau khi chị cầu nguyện thì tự nhiên một sự bình yên không tả nổi đến vào lòng chị, khiến chị bình tĩnh lại không còn khóc lóc nữa. Chẳng những thế chị còn có thể giải thích cho mẹ biết về lòng thương yêu nhân từ của Chúa Trời và ơn cứu chuộc của Ngài. Chính chị này cũng rất ngạc nhiên về sự bình yên trong lòng mình, chị cứ nói rằng, “Tôi ngạc nhiên quá! Tôi không phải như vậy, tại sao tôi có thể làm được công việc này?”

Ấy chính là sự bình yên vượt quá mọi sự hiểu biết. Chúa Trời đã ban cho chị này sự bình yên để gìn giữ tâm hồn và ý tưởng của chị khi chị kêu cầu Ngài. Rốt cuộc mẹ của chị tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, mẹ phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời và chịu phép báp-tem trước khi mẹ qua đời.

Các bạn có muốn được một sự bình yên như vậy không? Bạn cần phải vâng phục Chúa Trời, rồi Ngài sẽ ban cho bạn sự bình yên mà thế gian này không có, sự bình yên này chỉ có thể đến từ Chúa Trời thôi!

Sự Bình Yên Trong Ba Phương Diện Là Dính Liền Với Nhau

Nói tóm lại khi chúng ta có bình yên với Chúa Trời thì ta mới có thể đạt được bình yên hợp nhất cùng với các anh chị em Tín Đồ, và ta mới có niềm bình yên trong tâm linh.

Nhưng một mặt khác, nếu ta không có bình yên với các anh chị em Tín Đồ, hay nói một cách khác là nếu chúng hòa thuận với các anh chị em Tín Đồ thì ta không có sự bình yên cùng với Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 5:22 – 24 22 Nhưng ta nói cùng các ngươi: “Ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình là ngu xuẩn thì đáng bị đưa ra tòa công luận; ai mắng anh em mình là điên khùng thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt. 23 Bởi vậy nếu ngươi hiến dâng của lễ ở bàn thờ mà nhớ lại anh em mình có điều gì bất hòa với mình, 24 thì hãy để của lễ trước bàn thờ, đi giảng hòa với anh em mình trước đã, rồi hãy đến hiến dâng của lễ.

Đoạn Kinh Thánh này cho ta thấy mối quan hệ với anh chị em Tín Đồ thì quan trọng đến dường nào. Xin các bạn để ý, hai chữ “anh em” ở đây là anh em Tín Đồ, chứ không phải là anh em trong gia đình. Chúa Giê-su dạy rằng hễ ai mà giận hờn anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán, ai mắng anh em mình là ngu xuẩn thì đáng bị đưa ra tòa công luận, còn ai mắng anh em mình là điên khùng thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt. Thiệt là ghê tởm!

Giận hờn anh em và chửi mắng anh em là những tội lỗi rất nghiêm trọng, ai phạm những tội này và không ăn năn hối cải thì sẽ bị Chúa Trời xử đoán. Khi ta hiến dâng của lễ trước bàn thờ, nếu ta nhớ lại anh em mình có điều gì bất hòa với mình, không chừng là tại vì ta đã làm những việc xúc phạm đến anh em, hoặc là vì lý do khác, nhưng miễn là có anh em nào bất hòa với mình, thì ta nên tạm ngưng hiến dâng của lễ mà đi tìm anh em đó để giảng hòa với nhau, rồi sau đó mới trở lại hiến dâng của lễ. Nếu ta có điều gì bất hòa với anh em thì cho dù ta hiến dâng của lễ cũng không làm đẹp lòng Chúa Trời, và Ngài không có nhận lấy của lễ của ta.

1 Giăng 4:20 – 21 20 Nếu ai nói rằng: “Tôi yêu kính Chúa Trời”, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu thương anh em mà người thấy được, thì không thể yêu kính Chúa Trời mà người chẳng thấy được. 21 Và chúng ta đã nhận từ nơi Ngài điều răn nầy: “Ai yêu kính Chúa Trời, thì cũng phải yêu thương anh em mình.”

Xin để ý hai chữ “anh em” ở đây cũng là nói về anh em Tín Đồ, chứ không phải là anh em trong gia đình. Nếu chúng ta nói rằng ta yêu kính Chúa Trời nhưng ta lại thù ghét anh em mình, thì ta là kẻ nói dối. Bởi vì nếu ta không yêu thương anh em ta nhìn thấy được thì làm sao mà ta có thể yêu kính Chúa Trời ta không nhìn thấy được. Ai yêu kính Chúa Trời thì cũng phải yêu thương anh em mình.

Nói tóm lại nếu ta không yêu thương anh chị em Tín Đồ thì tức là không yêu kính Chúa Trời. Nếu ta không yêu kính Chúa Trời thì lẽ dĩ nhiên ta không có bình yên cùng với Ngài, ta là thù nghịch với Ngài. Và khi ta thù nghịch với Chúa Trời thì ta không có bình yên trong tâm linh.

Bởi vậy ta thấy sự bình yên trong Kinh Thánh tuy có ba phương diện khác nhau, nhưng ba phương diện này lại dính liền với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Khi ta không có bình yên trong một phương diện thì ta cũng mất đi sự bình yên trong hai phương diện kia:

  • Khi ta không có bình yên với Chúa Trời thì ta không có bình yên với các anh chị em Tín Đồ và không có bình yên trong tâm linh.
  • Khi ta không yêu thương các anh chị em Tín Đồ thì ta không có bình yên với Chúa Trời và không có bình yên trong tâm linh.

Kẻ Tạo Nên Bình Yên Thì Phải Làm Gì?

Sau khi ta đã tra khảo về ba phương diện của sự bình yên trong Kinh Thánh, bây giờ ta muốn coi coi kẻ tạo nên bình yên thì phải làm gì? Kẻ tạo nên bình yên thì phải:

  • tạo nên bình yên giữa Chúa Trời và người ta.
  • tạo nên bình yên giữa người ta.
  • tạo nên bình yên trong tâm linh của người ta.

Nói một cách khác, kẻ tạo nên bình yên thì đầu tiên phải giúp đỡ người ta ăn năn hối cải trở về với Chúa Trời và vâng phục kính mến Ngài, thứ hai là giúp đỡ người ta thương yêu với nhau để tiến tới sự hợp nhất, và sau cùng là giúp đỡ người ta để họ đạt được yên vui trong tâm linh.

Nếu chúng ta muốn trở thành kẻ tạo nên bình yên thì chính ta phải có một mối quan hệ rất thân mật cùng với Chúa Trời. Nếu chúng ta không có bình yên với Chúa Trời thì làm sao mà ta có thể giúp người khác đạt được bình yên cùng với Ngài?

Nếu chúng ta muốn giúp đỡ hai người hòa thuận thương yêu với nhau thì chính ta phải hòa thuận thương yêu cả hai người ấy. Nếu chúng ta có điều gì bất hòa với người ta thì làm sao mà ta có thể khuyên giải người ta hòa thuận thương yêu nhau được?

Nếu chúng ta muốn giúp đỡ người ta đạt được bình yên trong tâm linh thì chính ta phải có bình yên trong tâm linh. Nếu chúng ta không có bình yên trong tâm linh thì làm sao mà ta có thể giúp người khác đạt được bình yên trong tâm linh.

Nếu chúng ta muốn an ủi khuyên giải những kẻ trong cơn đau buồn hoạn nạn, ta phải thông cảm với khổ nạn của họ, cho nên ta cần phải có lòng thương người.

Nếu chúng ta muốn giúp đỡ người ta ăn năn hối cải trở về với Chúa Trời và vâng phục kính mến Ngài thì chúng ta phải giảng giải Tin Lành cho họ, bởi vậy ta phải hiểu biết lời dạy của Ngài. Hơn nữa cho dù ta hiểu biết lời của Chúa Trời, nhưng ta không phải dựa vào trí thông minh của mình mà làm việc theo ý riêng của mình. Ta nên luôn luôn tìm cầu hướng dẫn chỉ thị của Chúa Trời để biết nói những lời phải lẽ hợp lý.

Kết Luận

Chúng ta thấy những việc mà kẻ làm nên bình yên phải làm thì chính là những việc mà Chúa Giê-su đã làm khi Chúa còn sống trên thế gian này. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể chuộc tội cho người ta, chỉ có huyết báu của Chúa Giê-su mới có thể rửa sạch tội lỗi của người đời. Nhưng ngoài việc chuộc tội cho người đời, kẻ tạo nên bình yên sẵn sàng làm những việc mà Chúa đã làm.

Chúa Giê-su kêu gọi người ta ăn năn hối cải trở về cùng Chúa Trời, kẻ tạo nên bình yên cũng làm như vậy. Chúa Giê-su dạy dỗ các môn đồ phải thương yêu với nhau, kẻ tạo nên bình yên cũng giúp đỡ người ta phải hòa thuận thương yêu nhau. Chúa Giê-su ban bình yên cho các môn đồ, kẻ tạo nên bình yên cũng giúp đỡ an ủi người ta.

Các bạn có muốn trở thành kẻ tạo nên bình yên không? Tôi rất ham muốn được trở thành kẻ tạo nên bình yên trên thế gian này, tại vì tôi muốn làm đẹp lòng Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su.

Khi Chúa Giê-su chỉ ra tội lỗi của người đời và kêu gọi họ phải ăn năn hối cải, thì người đời thù ghét Chúa và giết hại Chúa. Cho nên khi chúng ta làm những việc mà Chúa đã làm thì người đời cũng sẽ thù ghét bắt bớ ta vậy. Nếu chúng ta muốn trở thành kẻ tạo nên bình yên thì ta phải sẳn sàng chịu khổ nạn!

Không chừng khi chúng ta giảng giải Tin Lành cho người ta thì lại bị người ta chửi mắng. Khi chúng ta giúp đỡ hai người hòa thuận thương yêu với nhau thì không chừng cả hai bên đều thù hận ta nữa. Cho nên kẻ tạo nên bình yên thì phải sẵn sàng chịu khổ nhục và có lòng tha thứ khoan dung. Cho dù ta bị người ta chửi mắng thù hận, ta tiếp tục yêu thương họ, ta còn cầu nguyện cho họ xin Chúa Trời dẫn đưa họ trở về con đường phải. Trong hai mươi mấy năm trời phụng sự Chúa Trời, tôi đã bị người ta chửi mắng không biết bao nhiêu lần rồi, tôi chỉ có cầu xin Ngài giúp tôi tha thứ cho họ và tiếp tục thương yêu họ càng nhiều hơn nữa.

Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, khi chúng ta quyết tâm đi theo bước chân của Chúa, ta làm những việc Chúa đã làm, ta vui lòng chịu khổ để đem lại bình yên cho người đời, cho nên chúng ta cũng sẽ được gọi là con của Chúa Trời vậy!

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church