You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (3)

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (3)

Sự Sáng Của Thế Gian

Ma-thi-ơ 5:14-16

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Chúng Ta Là Sự Sáng Của Thế Gian

Ma-thi-ơ 5:14-16 14 Các ngươi là sự sáng của thế gian. Một cái thành trên núi thì không thể bị che khuất được; 15 cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, nhưng người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. 16 Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời.

Cái danh hiệu mà chúng ta sẽ tra khảo hôm nay là “sự sáng của thế gian.”

Chức Vụ Của Sự Sáng

Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta là sự sáng của thế gian, cho nên chúng ta phải soi sáng thế gian này.

Khi đời sống hàng ngày có đầy đủ tiện nghi thì chúng ta không thấy sự sáng là quan trọng đến dường nào.

Khi chồng tôi và tôi rao truyền Tin Lành ở Philippines, lúc đó ở thành phố Manila, thủ đô của Philippines bị cúp điện thường xuyên. Nếu cúp điện vào ban ngày thì chẳng sao, nhưng cúp điện vào ban đêm thì thật là bất tiện. Nhưng tôi sợ nhất là trong lúc chúng tôi đang đi trên đường phố vào ban đêm mà bất thình lình gặp phải cúp điện, cả một khu vực trở nên đen tối hết. Trên đường phố của Manila có rất nhiều lỗ cống không có nắp để che đậy cả, bởi vì những cái nắp bị người ta ăn cắp mất đi rồi. Có một người nước Anh sống ở Philippines đã bị rơi vào một lỗ cống mà chết đi.

Khi chúng tôi đi trên đường phố vào ban đêm, chúng tôi phải cẩn thận nhìn kỹ rồi mới đi. Nhưng khi gặp phải cúp điện vào ban đêm, không thấy được gì hết thì thật là nguy hiểm. Mỗi khi chúng tôi phải đi trên những đường phố này trong khi cúp điện vào ban đêm, tôi đều cầu xin Chúa Trời bảo hộ chúng tôi. Hơn nữa những đường nhỏ hẻm chật ở Philippines thì rất ẩm ướt và dơ bẩn, rác rưởi khắp đường. Mỗi khi cúp điện vào ban đêm, tôi đi trên những đường phố này, đôi giầy tôi đạp trên cái gì cũng chẳng biết. Mãi cho đến về tới nhà, tôi bật đèn cầy lên rồi mới thấy trên áo quần và đôi giầy tôi đều dính đầy rác rưởi, dơ ơi là ơi, đôi khi còn có phân nữa!

Kinh Thánh so sánh tội lỗi với dơ bẩn, đen tối, bịnh tật và chết chóc. Còn sự sáng thì được so sánh với công nghĩa, thánh sạch và vinh diệu của Chúa Trời.

Khi một người ở trong tối tăm, người đó không thấy được các vật xung quanh, người không biết chỗ đó là sạch hay là dơ, chính bản thân mình là sạch hay là dơ người đó cũng không biết. Tương tự như tôi đi trên những đường phố dơ bẩn trong khi cúp điện vào ban đêm, áo quần và đôi giầy tôi dính đầy rác rưởi mà không hay biết.

Những người đang sống trong tội lỗi thường không nhận thấy tội lỗi của mình là nghiêm trọng đến dường nào, bởi vì họ đã quen với một cuộc sống như vậy rồi, họ thấy rằng không có chi hết. Một người nói dối hoài thì không thấy nói dối là một tội lỗi nghiêm trọng, nói dối đã thành ra một thối quen rồi, ai cũng nói dối cả, thực ra kẻ nào nói dối càng khéo léo thì càng thành công, bởi vậy nói dối thì có chi đâu? Trên đời này ai nấy đều khoe khoang, như vậy mới khỏi bị người khác khinh rẻ, khoe khoang một chút chút không có chi! Một người chưởi rủa người khác hoài cũng vậy, người không thấy chi hết; những người hay nói xấu kẻ khác cũng rất quen rồi, không thấy lạ gì cả. Những kẻ trong bè đảng phi pháp cướp của giết người chẳng những không thấy tội lỗi của mình là nghiêm trọng, mà nhiều khi họ còn khoe khoang những việc làm của mình nữa.

Mãi cho đến một ngày nào đó, ánh sáng của công nghĩa thánh sạch soi vào những kẻ sống trong tội lỗi tối tăm, nhờ có ánh sáng họ mới thấy được tội lỗi của mình là ghê tởm đến mực nào.

Lu-ca 5:1-11 1Khi Chúa Giê-su đứng trên bờ hồ Ghê-nê-xa-rết, đoàn dân đông chen lấn nhau xung quanh Chúa và lắng nghe lời của Chúa Trời. 2 Chúa thấy có hai chiếc thuyền đậu gần bờ, người đánh cá đã xuống khỏi thuyền để giặt lưới. 3 Chúa lên một trong hai chiếc thuyền, là chiếc thuyền của Si-môn, và bảo người chèo thuyền ra khỏi bờ một chút; rồi Chúa ngồi đó mà dạy dỗ dân chúng. 4 Khi Chúa dạy xong thì bảo Si-môn rằng: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá.” 5 Si-môn đáp rằng: “Thưa thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm mà không bắt được chi hết, nhưng tôi sẽ theo lời thầy mà thả lưới.” 6 Họ thả lưới xuống, được rất nhiều cá đến nỗi lưới gần đứt ra. 7 Họ bèn làm dấu hiệu gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp; bạn kia đến chở cá đầy cả hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm. 8 Si-môn Phi-e-rơ thấy vậy, liền quỳ xuống dưới chân của Chúa Giê-su mà thưa rằng: “Chúa ơi, xin lìa xa tôi, vì tôi là người có tội.” 9 Vì đánh được cá dường ấy, nên Si-môn cùng mọi người ở với người đều thất kinh, 10 cả Gia-cơ và Giăng, con của Xê-bê-đê, là những kẻ đồng bạn với Si-môn cũng vậy. Chúa Giê-su bèn nói cùng Si-môn rằng: “Đừng sợ chi, từ nay trở đi, ngươi sẽ được người.” 11 Khi họ đem thuyền vào bờ, họ bỏ hết thảy mà theo Chúa.

Si-môn tức là Phi-e-rơ. Tại sao tự nhiên Phi-e-rơ lại quỳ xuống xưng tội mình? Tại vì khi Chúa Giê-su ngồi trên chiếc thuyền của Phi-e-rơ mà giảng dạy cho dân chúng, người đã lắng nghe toàn bộ lời giảng của Chúa, người nhận thấy sự công nghĩa thánh sạch của Chúa và quyền năng trong lời dạy của Chúa. Ánh sáng của Chúa Giê-su đã soi vào trong tâm hồn của Phi-e-rơ, khiến người thấy rõ tội lỗi của mình. Sau đó, khi Chúa bảo Phi-e-rơ thả lưới xuống, thì bắt được nhiều cá đến nỗi cái lưới gần đứt ra. Thông thường vào ban ngày thì không đánh được bao nhiêu cá, vào ban đêm mới bắt được nhiều cá, người đánh cá nào cũng biết rõ điều này. Phi-e-rơ là người đánh cá giàu kinh nghiệm, khi người thấy một chuyện lạ lùng như vậy, người biết ngay rằng Chúa Giê-su là kẻ thánh. Phi-e-rơ kinh sợ, người thấy mình đầy dẫy tội lỗi không xứng đáng đứng trước mặt kẻ thánh, cho nên người mới quỳ xuống xin Chúa lìa xa người, vì người là kẻ có tội.

Chúa Giê-su kêu gọi Phi-e-rơ đi theo Chúa, Chúa nói rằng từ nay trở đi Phi-e-rơ sẽ được người thay vì đánh cá (xin đọc bài giảng “Tay Đánh Lưới Người” để hiểu rõ ý nghĩa của “được người” và “tay đánh lưới người”). Chúa Giê-su hướng dẫn Phi-e-rơ ra khỏi tội lỗi tối tăm và đi vào một phương hướng mới của cuộc đời.

Chúa Giê-su là sự sáng của thế gian, chúng ta là Tín Đồ của Chúa, chúng ta cũng là sự sáng của thế gian:

  • Ta phải soi sáng vào tâm hồn của người đời để giúp họ thấy được tội lỗi của mình.
  • Ta phải dẫn đưa họ ra khỏi tội lỗi và đi vào một phương hướng mới của cuộc đời.

Ánh sáng thì luôn luôn chiến thắng tối tăm. Chỗ nào có ánh sáng, thì tối tăm phải rút lui liền. Cho dù một chỗ tối đến đâu đi nữa, miễn là có một chút ánh sáng xuất hiện thì tối tăm bị đẩy đi liền. Và lẽ dĩ nhiên khi ánh sánh càng mạnh thì sẽ soi sáng một vùng càng lớn, tối tăm bị đẩy đi càng xa, nếu mà ánh sáng yếu thì chỉ có thể soi sáng một vùng nhỏ thôi. Nhưng dù sao đi nữa, tối tăm không bao giờ thắng được ánh sáng.

Chức vụ này không phải dễ dàng đâu, nhưng chúng ta không cần phải sợ hải. Chúng ta không phải làm chức vụ này bằng sức lực trí thông minh của mình, ta phải nhờ cậy vào quyền năng của Chúa Trời. Vậy chúng ta phải làm gì?

Hết Thảy Các Tín Đồ Cơ Đốc Chân Chính Phải Hợp Sức Với Nhau

Trong câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:14 Chúa Giê-su nói rằng: “Các ngươi là sự sáng của thế gian. Một cái thành trên núi thì không thể bị che khuất được.”

Hai chữ “các ngươi” chỉ ra rằng Chúa đang nói cùng tất cả các Tín Đồ của Chúa, chứ không phải một cá nhân riêng biệt.

“Một cái thành” là chỉ về thành phố nào? Thành phố Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Y-sơ-ra-ên chính là một cái thành phố được xây dựng ở trên núi.

Trong Cựu Ước, cái tên “Giê-ru-sa-lem” thường được dùng để tượng trưng cho nước Y-sơ-ra-ên hay người dân của Chúa Trời. Trong Tân Ước thì Tín Đồ của Chúa Giê-su cũng là người dân của Chúa Trời. Bởi vậy Giê-ru-sa-lem là tượng trưng cho hết thảy các Tín Đồ chân chính của Chúa Giê-su, tức là Hội Thánh chân chính của Chúa Trời.

Khi mỗi một Tín Đồ Cơ Đốc đều phát ra ánh sáng, thì toàn thể Hội Thánh quả thật tựa như một cái thành phố xây dựng ở trên núi không thể bị che khuất được. Từ một chỗ rất xa người ta có thể nhìn thấy ánh sáng của thành phố này. Những người ở trong tội lỗi tối tăm sẽ bị ánh sáng thu hút mà trở về cùng Chúa Trời.

Cho nên Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta phải hợp sức với nhau hầu cho Hội Thánh có thể tỏa ra vinh diệu của Chúa Trời trên khắp thế gian.

Tín Đồ Cơ Đốc Phải Nổi Bật Khác Biệt Với Người Đời Của Thế Gian

Nếu Hội Thánh là một cái thành ở trên núi, thì Hội Thánh là nổi bật khác biệt với thế gian này. Tín Đồ Cơ Đốc phải sống một cuộc đời nổi bật khác biệt với người đời của thế gian này.

Tôi không phải nói rằng Tín Đồ Cơ Đốc phải cố ý làm những chuyện kỳ quặc, điên điên khùng khùng để tỏ ra rằng chúng ta là khác biệt với người đời. Đó là hoàn toàn sai lầm.

Câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:16 nói rằng: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời.” Ở đây Chúa Giê-su so sánh việc lành của chúng ta với sự sáng của ta. Vậy khi chúng ta làm việc lành thì sự sáng của ta sẽ soi trước mặt thế gian, và chúng ta sẽ nổi bật khác biệt với người đời.

Có người sẽ nghĩ rằng rốt cuộc cũng chỉ là làm việc lành thôi! Hỡi các bạn ơi, không có đơn giản như vậy đâu! Việc lành ở đây không phải chỉ là giúp đỡ người ta một chút chút, quyên tặng một chút tiền bạc cho người nghèo! Việc lành mà Chúa Giê-xu nói ở đây thì sâu xa hơn nhiều. Bởi vì chính những người không tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su cũng thường giúp đỡ người khác và quyên tặng tiền bạc cho người nghèo, làm những chuyện đó thì không có gì đặc biệt cả!

Việc lành ở đây là những việc được Chúa Trời coi là tốt lành. Có nhiều việc người đời coi là tốt lành, nhưng Chúa Trời không coi những việc đó là tốt lành. Một thí dụ rất đơn giản là như vậy, những người giàu sang thường hay rao truyền cho người ta biết rằng họ đã quyên tặng bao nhiêu tiền bạc cho cơ quan từ thiện này và bịnh viên kia, người đời hẳn cho rằng ấy là việc lành, nhưng Chúa Trời chưa chắc coi những việc này là việc lành, tại vì nhiều người giàu sang làm như vậy để được cái danh dự, được người ta khen ngợi, chứ không phải vì lòng thương xót cho người khèo khổ. Nhiều khi những người ở trong bè đảng phi pháp cũng quyên tặng tiền bạc cho các cơ quan từ thiện, nhưng một mặt khác họ lại buôn bán ma túy mưu sát buôn lậu v.v. Họ quyên tặng tiền bạc hẳn không phải vì lòng thương người, không chừng họ nghĩ rằng làm một vài việc lành có thể giảm bớt tội lỗi của mình, cho nên những việc họ làm thì chắc không được Chúa Trời coi là việc lành.

Việc lành trong Kinh Thánh là những việc được Chúa Trời coi là tốt lành, có nghĩa là những việc làm theo lời dạy ý chỉ của Ngài.

Căn cứ theo Ma-thi-ơ 5:16, khi ta làm việc lành thì sự sáng của ta soi trước mặt người ta. Mà làm việc lành tức là làm việc theo đúng lời dạy ý chỉ của Chúa Trời. Bởi vậy khi ta sống theo đúng ý chỉ của Chúa Trời thì cuộc đời của ta hẳn nổi bật khác biệt với người đời, và ta có thể soi sáng trước mặt người ta.

Thí dụ nếu người thân trong gia đình phạm tội lỗi, thì bạn nên làm gì? Nếu làm theo phương cách của người đời trên thế gian thì tốt nhất là tìm cách che đậy lại, không cho người ngoài biết. Nhưng căn cứ theo lời dạy của Chúa Trời, thì bạn phải tìm cách giúp đỡ người thân ăn năn hối cải. Tôi không phải nói rằng ta đi rao truyền tội lỗi của người thân để mọi người đều biết hết. Người thân không muốn người ngoài biết tội lỗi của mình, thì chúng ta cũng giữ bí mật không nói ra, nhưng ta phải tìm cách giải thích và giúp đỡ người thân ăn năn hối cải, như vậy mới là hợp với ý chỉ của Chúa Trời.

Bởi vậy nếu chúng ta quả thật sống theo ý chỉ của Chúa Trời, thì chúng ta chắc nổi bật khác hẳn với người đời trên thế gian, ánh sáng của ta sẽ soi trước mặt họ.

Nhưng một mặt khác khi ánh sáng soi vào trong tâm hồn tội lỗi của người đời, thì khiến họ khó chịu lắm. Phần nhiều người đời muốn tránh xa sự sáng.

Giăng 3:19-21 19 Sự phán xét đó là như vậy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là gian ác. 20 Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải bị phơi bày ra. 21Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng để bày tỏ ra các việc của người đã làm trong Chúa Trời.

Khi ánh sáng soi vào trong tối tăm, thì những kẻ yêu thích tội ác sẽ thù ghét sự sáng, vì sự sáng khiến điều ác của họ hiện ra rõ ràng, cho nên họ không chịu đến cùng sự sáng. Còn những kẻ ham mộ lẽ thật thì yêu thích sự sáng và đến cùng sự sáng. Trong thí dụ trên nếu bạn muốn giúp đỡ người thân ăn năn hối cải, thì không chừng người thân sẽ thù ghét bạn. Nhưng ngược lại nếu người thân ham mộ lẽ thật thì người sẽ cám ơn bạn và yêu thích bạn.

Trong những năm trời phụng sự Chúa Trời, chồng tôi và tôi từng thấy có những người khi mới được nghe Tin Lành thì muốn tránh xa, nhưng về sau họ đổi lòng và trở về cùng sự sáng, rốt cuộc họ được ơn cứu chuộc. Nhưng có người thì chạy trốn luôn, họ không có trở lại, và có người còn trở nên thù nghịch chúng tôi nữa. Cho dù họ không thắng được ánh sáng, nhưng họ cũng không chịu hàng phục dưới ánh sáng.

Để Ngọn Lửa Của Chúa Trời Thiêu Đốt Trong Tâm Hồn

Giăng 5:35 35 Giăng là cái đèn thiêu đốt và soi sáng, các ngươi bằng lòng tạm vui hưởng trong ánh sáng của người.

Giăng ở đây là Giăng Báp-tít. Giăng Báp-tít tựa như một cái đèn thiêu đốt và soi sáng. Sở dĩ Giăng Báp-tít có thể soi sáng là tại vì ngọn lửa thiêng liêng của Chúa Trời thiêu đốt trong tâm hồn của người.

Nếu chúng ta muốn soi sáng thế gian này thì chúng ta cũng phải có ngọn lửa thiêng liêng của Chúa Trời thiêu đốt trong tâm hồn của ta. Vậy chúng ta phải làm gì ?

Trong Kinh Thánh, Thánh Linh và ngọn lửa của Chúa Trời thường dính liền với nhau.

Ma-thi-ơ 3:11 11 Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi để ăn năn; nhưng đấng đến sau ta có quyền năng hơn ta, ta không xứng đáng xách dép cho người. Ấy là đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Thánh Linh và bằng lửa.

Lu-ca 3:16 16 Giăng đáp cùng mọi người rằng: “Ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng có một đấng quyền năng hơn ta sẽ đến, ta không xứng đáng mở dây giày người. Người sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Thánh Linh và bằng lửa.”

Trong 2 đoạn Kinh Thánh trên “Thánh Linh” và “lửa” là dính liền với nhau. Giăng Báp-tít nói với dân chúng rằng đấng có quyền năng hơn người, tức là Chúa Giê-su, Chúa sẽ đến và làm phép báp-tem cho dân chúng bằng Thánh Linh và bằng lửa.

Nếu chúng ta muốn có ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt trong lòng ta, thì đầu tiên ta phải có Thánh Linh trong lòng. Chúng ta phải làm gì để có Thánh Linh trong lòng?

Công vụ các sứ đồ 2:38 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh.”

Sứ đồ Phi-e-rơ dạy rằng chúng ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình, nhân danh của Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, thì hết thảy tội lỗi của ta đều được tha đi, rồi Chúa Trời sẽ ban cho ta Thánh Linh ngự trong lòng ta và làm việc để biến chuyển tâm hồn của ta.

Khi Thánh Linh làm việc để biến chuyển tâm hồn ta thì ngọn lửa thiêng liêng của Chúa Trời thiêu đốt ở trong lòng ta. Mà Thánh Linh làm cái gì trong tâm hồn ta ?

Giăng 14:26 26 Nhưng Ðấng Trợ Giúp đến, tức là Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai đến, ngài sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã truyền dạy các ngươi.

Đấng Trợ Giúp tức là Thánh Linh. Khi Thánh Linh đến thì ngài sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự, và nhắc lại cho chúng ta nhớ lời dạy của Chúa Giê-su.

Giăng 16:8 8 Khi ngài đến thì sẽ khiến thế gian nhận thức về tội lỗi, về sự công nghĩa và sự phán xét.

Chữ “ngài” trong đoạn Kinh Thánh trên là chỉ về Thánh Linh. Qua 2 đoạn Kinh Thánh trên ta thấy rằng khi Thánh Linh đến vào tâm hồn ta, ngài sẽ dạy dỗ chúng ta, nhắc lại cho chúng ta nhớ lời dạy của Chúa Giê-su, và ngài còn khiến thế gian nhận thức về tội lỗi, về sự công nghĩa và sự phán xét.

Lẽ dĩ nhiên Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta thì phải vâng phục dạy dỗ của Thánh Linh, như vậy ngọn lửa thiêng liêng của Chúa Trời sẽ thiêu đốt trong tâm hồn của ta ngày càng rực rỡ.

Nhưng nếu chúng ta cứ lờ đi chỉ dẫn của Thánh Linh, thì hậu quả là sao ?

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:19 19 Chớ dập tắt Thánh Linh;

Ngọn lửa của Thánh Linh có thể bị dập tắt. Nếu chúng ta cứ lờ đi lời dạy của Thánh Linh, thì rốt cuộc sẽ dẫn đến một hậu quả rất nghiêm trọng, ngọn lửa của Thánh Linh bị dập tắt.

Nếu ngọn lửa của Thánh Linh bị dập tắt, có nghĩa là Thánh Linh không còn chỉ dẫn chúng ta nữa, đó là một điều rất nghiêm trọng. Chúng ta sẽ dần dần lìa xa đường lối của Chúa Trời mà không hay biết. Như vậy thì chẳng những ta không thể soi sáng thế gian này, mà ta còn đi lạc vào tội lỗi và mất đi ơn cứu chuộc.

Nói tóm lại, Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta muốn soi sáng thế gian, thì ta phải ghi nhớ 3 điểm này:

  • Hết thảy các Tín Đồ Cơ Đốc chân chính phải hợp sức với nhau.
  • Chúng ta phải sống theo ý chỉ của Chúa Trời, như vậy cuộc sống của ta sẽ nổi bật khác biệt với người đời trên thế gian.
  • Chúng ta phải để ngọn lửa thiêng liêng của Chúa Trời thiêu đốt trong tâm hồn ta.

Cái Gì Có Thể Khiến Ánh Sáng Không Soi Sáng Xung Quanh?

Đặc tính của sự sáng là soi sáng xung quanh, chỗ nào có ánh sáng thì tối tăm phải rút lui liền. Tối tăm không bao giờ thắng được ánh sáng. Nhưng nếu ánh sáng bị che đậy lại, thì nó không soi sáng xung quanh được nữa.

Câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:15 nói rằng: “cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, nhưng người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà.” Khi đèn bị để dưới cái thùng thì nó không soi sáng xung quanh được nữa.

Nguyên văn Hy-lạp của chữ “thùng” là “μόδιος” (đọc là mố-ti-ô-s). “μόδιος” là một cái thùng lớn khoảng 8 hay 9 lít. Thông thường trong gia đình hay trong tiệm bán hàng người ta dùng cái thùng như vậy để đo lường những thức ăn khô.

Bởi vậy chữ “μόδιος” là tượng trưng cho sự lo lắng cho gia đình và buôn bán làm ăn. Nếu chúng ta cứ lo lắng về những chuyện trong gia đình và buôn bán làm ăn, thì ánh sáng của ta đã bị cái “μόδιος” này che đậy lại, ta không soi sáng được nữa.

Tôi không phải nói rằng chúng ta không quan tâm về gia đình hay làm ăn buôn bán. Lẽ dĩ nhiên ta phải thương yêu gia đình của mình, và ta phải làm ăn kiếm tiền, nhưng ta không bao giờ để những chuyện về gia đình hay buôn bán làm ăn chiếm lấy địa vị hạng nhất trong đời của mình. Chúa Trời Đức Gia-vê luôn luôn ở địa vị hạng nhất trong đời ta, ta phải luôn luôn coi công việc của Ngài là quan trọng hơn bất cứ việc gì khác. Ta quan tâm gia đình và việc làm ăn, nhưng ta không nên lo lắng về những chuyện này. Ta phó thác gia đình và việc làm ăn cho Chúa Trời, và ta hết lòng hết sức mà phụng sự Chúa Trời, thì Ngài sẽ trông nom tất cả mọi việc về gia đình và việc làm ăn của ta.

Nếu chúng ta để gia đình hay buôn bán làm ăn giữ lấy địa vị hạng nhất trong đời mình, thì ta trở nên giống y như người đời, vậy thì ta đâu có khác biệt với thế gian này? Nếu chúng ta không khác biệt gì với thế gian, thì ta đâu có thể soi sáng trước mặt người đời? Chúa Trời là trung tâm của cuộc đời ta, địa vị hạng nhất trong đời ta là luôn luôn do Chúa Trời nắm giữ.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church