You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (21)

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (21)

Thầy Tế Lễ

Khải Huyền 1:5 – 6

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền

Tín Đồ Cơ Đốc Là Thầy Tế Lễ Của Chúa Trời Đức Gia-vê


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Hôm nay chúng ta tiếp tục tra khảo về các danh hiệu của Tín Đồ Cơ Đốc.

Khải Huyền 1:5 – 6 5 và từ Chúa Giê-su Christ là người làm chứng thành tín, là đấng sinh ra đầu tiên từ kẻ chết, và là lãnh tụ của các vua trên thế gian! Chúa yêu thương chúng ta và đã dùng huyết mình giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi 6 và lập chúng ta trở nên một vương quốc, trở nên thầy tế lễ của Chúa Trời và Đức Cha của Chúa. Vinh quang và uy quyền đời đời vô cùng thuộc về Ngài! A-men.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su yêu thương chúng ta, Chúa đã dùng huyết của mình giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và lập chúng ta trở nên một vương quốc, có nghĩa là hết thảy Tín Đồ Cơ Đốc trên thế gian hợp lại thành một vương quốc. Vương quốc này không phải là một quốc gia trên trái đất, mà là một vương quốc thuộc linh. Trong vương quốc này chúng ta trở nên các thầy tế lễ của Chúa Trời và Đức Cha của Chúa.

Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh này, Tín Đồ Cơ Đốc là thầy tế lễ của Chúa Trời.

Thầy Tế Lễ Trong Cựu Ước

Trong thời kỳ Cựu Ước, dân tộc Y-sơ-ra-ên có nhiều thầy tế lễ. Nhưng chúng ta đang sống trong thời kỳ Tân Ước, Tín Đồ Cơ Đốc là thầy tế lễ của Tân Ước. Thầy tế lễ trong Tân Ước thì khác biệt với thầy tế lễ trong Cựu Ước.

Trong Cựu Ước, thầy tế lễ giữ một chức vụ rất quan trọng trong đời sống của dân Y-sơ-ra-ên. Cho dù dân Y-sơ-ra-ên là người dân của Chúa Trời Đức Gia-vê, nhưng họ không được đến trước bàn thờ của Chúa Trời để hiến dâng của lễ cho Ngài hay cầu xin ý chỉ của Ngài. Chỉ có các thầy tế lễ mới được phép đến trước bàn thờ để dâng của lễ cho Chúa Trời và cầu xin ý chỉ của Ngài.

Mỗi khi dân tộc Y-sơ-ra-ên đối diện với những vấn đề khó khăn, họ cần sự chỉ dẫn của Chúa Trời, nhưng ngay cả ông vua cũng không được đến trước bàn thờ của Chúa Trời mà cầu xin chỉ thị của Ngài. Họ phải nhờ thầy tế lễ thượng phẩm cầu xin chỉ thị của Chúa Trời. Thầy tế lễ thượng phẩm đến trước bàn thờ của Chúa Trời và dùng hai vật gọi là “U-rim” và “thu-mim” để cầu vấn ý chỉ của Ngài, rồi lập quyết định cho những việc quan trong của nhà nước.

Ai được phép giữ chức thầy tế lễ? Căn cứ theo bộ Luật Pháp của Kinh Thánh thì chỉ có con cháu của A-rôn mới được phép giữ chức thầy tế lễ cho dân Y-sơ-ra-ên.

A-rôn là người anh của Môi-se, mà Môi-se là vị lãnh tụ do Chúa Trời lập lên để hướng dẫn người dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập. Dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm nô lệ ở xứ Ai-cập 400 năm, họ bị đàn áp cực khổ, cho nên họ kêu cầu Chúa Trời Đức Gia-vê giải cứu họ. Chúa Trời thương xót cho họ, Ngài sai Môi-se đến đàm phán với vua Pha-ra-ôn của Ai-cập để cho người dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Nhưng Pha-ra-ôn không muốn cho dân Y-sơ-ra-ên dời khỏi Ai-cập, rồi vua đàn áp họ càng tàn bạo hơn. Chúa Trời Đức Gia-vê giáng 10 tai họa trên Ai-cập để trừng phạt Pha-ra-ôn. Sau tai họa thứ 10 là con trưởng của người Ai-cập và những con thú vật sinh ra đầu lòng trong gia đình người Ai-cập đều bị chết đi, ngay cả người con trưởng của vua Pha-ra-ôn cũng bị chết đi, lúc đó Pha-ra-ôn mới bằng lòng cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi.

Sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập rồi, Chúa Trời ban cho họ bộ Luật Pháp. Trong bộ Luật Pháp quy định rằng chỉ có A-rôn là người anh của Môi-se và những con cháu của A-rôn mới được giữ chức thầy tế lễ trong việc thờ phượng Chúa Trời.

Trong Đền Thờ của Chúa Trời, có một phần gọi là nơi thánh. Trong nơi thánh có chân đèn, bàn thờ và bánh hiến dâng. Các thầy tế lễ đến vào nơi thánh để hiến dâng của lễ cho Chúa Trời. Nhưng sau nơi thánh còn có một phần gọi là nơi chí thánh. Có một cái màn ngăn cách nơi thánh và nơi chí thánh. Phía sau cái màn là nơi chí thánh, trong đó có lư hương bằng vàng và hòm giao ước. Trên hòm giao ước chính là Ngôi ơn phước của Chúa Trời. Nơi chí thánh này thì cả thầy tế lễ cũng không được vào.

Hằng ngày các thầy tế lễ vào nơi thánh để hiến dâng của lễ. Nhưng nơi chí thánh thì mỗi năm một lần chỉ có một mình thầy tế lễ thượng phẩm được vào. Khi thầy tế lễ thượng phẩm đi vào nơi chí thánh, người không bao giờ vào tay không, người luôn luôn phải đem theo một con bò đực để dùng làm của lễ chuộc tội, và một con chiên đực dùng làm của lễ thiêu. Ông thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng của lễ chuộc tội cho tội lỗi của chính mình và tội lỗi của dân chúng.

Lê-vi-ký 16:3 3 A-rôn sẽ vào nơi thánh như thế này: phải đem theo một con bò đực dùng làm của lễ chuộc tội và một con chiên đực dùng làm của lễ thiêu.

Hê-bơ-rơ 9:6 – 7 6 Khi mọi thứ đã được sắp đặt như vậy, những thầy tế lễ thường xuyên đi vào phần thứ nhất của hội mạc để làm lễ thờ phượng. 7 Nhưng chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm một lần được vào phần thứ hai, chẳng bao giờ không đem huyết theo để dâng lên chuộc tội cho mình và cho dân chúng đã phạm tội lỗi vì không hay biết.

Thầy Tế Lễ Trong Tân Ước

Khi đến thời kỳ Tân Ước, mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều là thầy tế lễ. Đoạn Kinh Thánh trên Khải Huyền 1:5 – 6 nói rằng Chúa Giê-su dùng huyết của mình giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, Chúa lập chúng ta trở nên một vương quốc, và trở nên thầy tế lễ của Chúa Trời.

Bởi vậy mỗi một người Tín Đồ có đức tin chân chính và đã chịu phép báp-tem để cho tội lỗi của mình được rửa sạch bằng huyết báu của Chúa Giê-su đều là thầy tế lễ của Chúa Trời. Và thầy tế lễ thượng phẩm chính là Chúa Giê-su Christ.

Hê-bơ-rơ 4:14 14 Bởi vậy, vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại, tức là Chúa Giê-su, Con của Chúa Trời, đã trải qua các tầng trời, chúng ta hãy bền giữ sự tuyên xưng của mình.

Trong thời kỳ Cựu Ước chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào nơi chí thánh. Nhưng trong thời kỳ Tân Ước thì không phải như vậy. Bây giờ mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính đều có thể đến vào nơi chí thánh.

Ma-thi-ơ 27:50 – 51 50 Chúa Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. 51 Và nầy, cái màn trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đất thì rúng động, đá lớn nứt ra,

Đoạn Kinh Thánh này thuật lại tình cảnh Chúa Giê-su chết đi trên thập giá. Khi Chúa Giê-su chết đi, cái màn trong Đền Thờ bị xé ra làm hai. Ấy là một sự kiện vô cùng quan trọng, tại sao vậy ?

Cái màn đó chính là cái màn ngăn cách giữa nơi chí thánh và nơi thánh. Trước kia trong thời kỳ Cựu Ước chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới được vào nơi chí thánh thôi, bây giờ cái màn đã bị xé làm hai rồi, sự ngăn cách không còn nữa, tất cả Tín Đồ Cơ Đốc đều có thể đi vào.

Hê-bơ-rơ 10:19 – 22 19 Bởi vậy, hỡi anh em, vì nhờ vào huyết của Chúa Giê-su mà chúng ta có lòng tin vững chắc để đi vào nơi chí thánh 20 qua con đường mới và sống mà Chúa đã mở xuyên qua cái màn, ấy là thân xác Chúa. 21 Và tại vì chúng ta có một thầy tế lễ vĩ đại được lập lên trên nhà của Chúa Trời, 22 nên chúng ta hãy đến gần Ngài với tấm lòng chân thành, trong niềm tin vững chắc, tâm hồn được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, và thân thể đã được rửa sạch bằng nước trong.

Sự chết của Chúa Giê-su đã phá hủy cái màn ngăn cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh, cho nên hết thảy các thầy tế lễ đều có thể đi vào nơi chí thánh, đến trước Ngôi ơn phước của Chúa Trời.

Trong Cựu Ước, khi thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh, người phải đem theo huyết của con vật để dâng lên. Bây giờ chúng ta được vào nơi chí thánh không cần huyết của con vật, ta nhờ huyết của Chúa Giê-su.

Hê-bơ-rơ 4:16 16 Bởi vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần Ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và nhận được ơn điển để giúp chúng ta trong lúc cần thiết.

Căn cứ theo câu Kinh Thánh này, chẳng những ta có thể đến gần Ngôi của Chúa Trời, mà chúng ta còn được Ngài thương xót và nhận được ơn điển để giúp đỡ ta trong lúc cần thiết.

Thật ra khi chúng ta ăn năn hối cải tội lỗi của mình và nhân danh của Chúa Giê-su chịu phép báp-tem thì ta được ban cho Thánh Linh của Chúa Trời ngự trong lòng ta. Thánh Linh chỉ dẫn dạy dỗ chúng ta, bởi vậy bây giờ ta không cần nhờ cậy vào cái “u-rim” và “thu-mim” nữa.

Chúng Ta Phải Làm Gì ?

Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 70 công lịch, tức là gần hai ngàn năm về trước. Trong thời kỳ Tân Ước, Hội Thánh là Đền Thờ thuộc linh của Chúa Trời (Xin đọc bài giảng “Đá Sống” để hiểu rõ về điểm này). Chúa Trời ngự trong Hội Thánh, chúng ta đều là đá sống xây dựng nên Đền Thờ thuộc linh này, chúng ta có thể đến trước Ngôi ơn phước của Ngài để nhận lấy ơn điển của Ngài.

Hỡi các anh chị em Tín Đồ, chúng ta được ban cho một đặc ơn rất to lớn mà người dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ Cựu Ước chưa hề được hưởng bao giờ, ấy là hoàn toàn nhờ vào sự chết và huyết báu của Chúa Giê-su Christ.

Trong Cựu Ước, các thầy tế lễ phải dâng của lễ cho Chúa Trời. Bây giờ trong thời kỳ Tân Ước, chúng ta phải làm gì ?

1 Phi-e-rơ 2:5 5 Anh em cũng vậy, tựa như đá sống, được xây dựng nên căn nhà thuộc linh, làm thầy tế lễ thánh, nhờ Chúa Giê-su Christ mà dâng của tế lễ thuộc linh đẹp ý Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta là thầy tế lễ, chúng ta phải dâng của lễ thuộc linh.

Của lễ thuộc linh thì chắc không phải là những con bò, con chiên, mà của lễ thuộc linh là cái gì vậy?

Ta Hiến Dâng Thân Thể Mình Làm Của Lễ Sống

Rô-ma 12:1 1 Bởi vậy, hỡi anh em, tôi lấy lòng thương xót của Chúa Trời khuyên anh em hãy hiến dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh sạch, có thể làm đẹp lòng Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng thuộc linh của anh em.

Đoạn Kinh Thánh này Rô-ma 12:1 dạy rằng thay vì dâng những con vật, chúng ta nên hiến dâng thân thể của chính mình làm của lễ sống và thánh sạch, có thể làm đẹp lòng Chúa Trời.

Các bạn có hề nghĩ rằng chúng ta phải hiến dâng thân thể của mình làm của lễ sống cho Chúa Trời không? Các bạn có thấy điều này là đòi hỏi quá đáng chăng?

Hỡi các bạn ơi, xin các bạn nhớ rằng Chúa Trời không hề bảo chúng ta làm điều gì mà Ngài chưa hề làm. Tất cả những gì Ngài dạy bảo chúng ta làm thì Ngài đã làm trước rồi, Ngài đã đi trước chúng ta lập gương mẫu cho ta, chúng ta chỉ là noi gương của Ngài thôi.

Hê-bơ-rơ 10:10 10 Theo ý chỉ đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự hiến dâng thân thể của Chúa Giê-su Christ một lần đủ cả.

Con của Chúa Trời là Chúa Giê-su Christ, Chúa vâng theo ý chỉ của Ngài mà hiến dâng thân thể của mình để làm cho chúng ta được nên thánh.

Chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-su, chúng ta phải đi theo bước chân của Chúa. Chúa đã dâng thân thể của mình để khiến chúng ta nên thánh, cho nên chúng ta cũng phải hiến dâng thân thể của mình để cứu vớt người khác.

Lẽ dĩ nhiên tôi không phải nói rằng chúng ta có thể hiến dâng thân thể mình để chuộc tội cho người khác, điều đó chỉ có Chúa Giê-su làm được, bởi vì chỉ có Chúa là hoàn toàn vô tội, không một người nào khác làm được. Nhưng chúng ta có thể dâng hết tất cả sức lực, trí khôn và cả cuộc đời của mình lên cho Chúa Trời để Ngài sử dụng. Chúng ta hết lòng hết sức làm việc phụng sự Chúa Trời, xây dựng nên Hội Thánh, rao truyền Tin Lành của Chúa Trời cho người đời, dẫn đưa người đời nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ, hầu cho họ được ơn cứu chuộc.

Khi chúng ta dâng lên thân thể mình làm của lễ sống như vậy, thì chắc sẽ làm đẹp lòng Chúa Trời. Ấy là món của lễ thuộc linh thứ nhất.

Ta Dâng Lên Lời Ngợi Khen Cho Chúa Trời

Hê-bơ-rơ 13:15 15 Vậy, hãy nhờ cậy vào Chúa Giê-su mà hằng dâng lên tế lễ bằng lời ngợi khen cho Chúa Trời, ấy là bông trái của môi miệng để tạ ơn Danh Ngài.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta có thể dâng lên của lễ thuộc linh bằng lời ngợi khen cho Chúa Trời, ấy là bông trái của môi miệng để tạ ơn Danh Ngài.

Ngợi khen Chúa Trời là một điều rất quan trọng. Khi ta khen ngợi việc làm của Ngài trong vũ trụ vạn vật này, ta tuyên xưng rằng Ngài là Đấng sáng tạo ra muôn vật và Ngài điều khiển tất cả những sự vật này.

Khi chúng ta khen ngợi việc làm của Chúa Trời trong cuộc đời của mình và trong cuộc đời của người khác, ta tuyên xưng rằng tất cả những gì ta có đều là do Ngài ban cho, và Ngài luôn luôn trông nom săn sóc cuộc đời của ta, ta tạ ơn lòng nhân từ thương xót của Ngài.

Khi chúng ta khen ngợi Chúa Trời, ta giúp người đời thấy rõ sự vĩ đại nhân từ của Ngài và hấp dẫn họ muốn tìm hiểu về Đấng Chúa Trời nhân từ thương xót này.

Khi các anh chị em Tín Đồ nghe thấy lời khen ngợi của chúng ta, họ sẽ được khuyến khích cổ võ, nhất là những anh chị em có đức tin yếu ớt, họ rất cần những sự khuyến khích cổ võ như vậy.

Nếu những anh chị em có đức tin lung lay, khi họ nghe những lời khen ngợi Chúa Trời, điều đó nhắc nhở họ về ơn huệ của Ngài, khiến họ nhớ lại Ngài đã trông nom họ như thế nào, và đức tin của họ sẽ được vững mạnh lại.

Hơn nữa khi chúng ta khen ngợi Chúa Trời, ta tạ ơn Ngài vì tất cả những gì Ngài đã làm trong cuộc đời của mình, thì chính mình ta sẽ được phước lành nhiều nhất. Bởi vì mỗi khi ta khen ngợi Chúa Trời, lòng ta sẽ tràn đầy sự vui mừng hớn hở, đức tin của ta trở nên càng vững bền hơn.

Món của lễ thuộc linh thứ hai là dâng lên lời ngợi khen cho Chúa Trời, ấy là bông trái của môi miệng tạ ơn Danh Ngài.

Làm Việc Lành Và Chia Sẻ Cùng Người Khác

Hê-bơ-rơ 13:16 16 Đừng quên làm việc lành và chia sẻ cùng người khác, vì sự tế lễ như thế đẹp lòng Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng ta nên làm việc lành và chia sẻ cùng người khác, ấy là tế lễ thuộc linh làm đẹp lòng Chúa Trời.

Chúng ta đã nhận lấy bao nhiêu ơn huệ tình thương của Chúa Trời, ta nên đi thương yêu giúp đỡ người khác cũng như Ngài đã thương yêu chúng ta vậy.

Xin các bạn để ý, việc lành ở đây là việc lành căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh, chứ không phải chỉ là những việc mà chúng ta coi là tốt lành (Xin đọc bài giảng “Tại Sao Chỉ Làm Điều Lành Vẫn Không Được Hưởng Sự Sống Đời Đời” để hiểu rõ về điểm này)

Ma-thi-ơ 25:40 40 Vua sẽ trả lời rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một trong những anh em hèn mọn của ta, ấy là các ngươi đã làm cho ta vậy.”

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su dạy rằng khi chúng ta làm bất cứ việc gì cho những anh em hèn mọn của Chúa, ấy là ta đã làm việc đó cho Chúa vậy. Khi chúng ta giúp đỡ kẻ nghèo khổ trong anh chị em Tín Đồ, thì cũng như chúng ta đã giúp đỡ Chúa vậy.

2 Cô-rinh-tô 1:3 – 4 3 Chúc tụng Chúa Trời và Đức Cha của Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Đức Cha hay thương xót và là Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. 4 Ngài yên ủi chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn, hầu cho nhờ sự yên ủi mà chúng ta đã nhận được từ Ngài mà chúng ta có thể yên ủi những người khác trong mọi cơn hoạn nạn họ gặp!

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng Chúa Trời đã yên ủi chúng ta trong cơn hoạn nạn, chúng ta không phải cứ ngồi đó nhận lãnh sự yên ủi này thôi, mà ta nên đi yên ủi những người khác khi họ gặp hoạn nạn cũng như trước kia Ngài đã yên ủi chúng ta vậy.

Ga-la-ti 6:10 10 Vậy, đang khi còn có cơ hội, chúng ta hãy làm việc lành cho mọi người, nhất là cho những người trong cùng gia đình của đức tin.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng ta nên làm việc lành cho mọi người, nhất là cho những người trong cùng gia đình của đức tin, tức là các anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng chúng ta không phải cứ gạt bỏ người đời, ta cũng phải giúp đỡ yêu thương họ vậy.

Nói tóm lại, món của lễ thuộc linh thứ ba là làm việc lành và chia sẻ cùng người khác, ấy là của lễ đẹp lòng Chúa Trời.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo danh hiệu “Thầy tế lễ”. Tất cả Tín Đồ Cơ Đốc đều là thầy tế lễ của Chúa Trời Đức Gia-vê. Trong thời kỳ Tân Ước, chúng ta được phép đến trước Ngôi ơn phước của Chúa Trời để phụng sự Ngài, ta có thể dâng lên của lễ cho Ngài, ta có thể cầu xin Ngài về mọi sự, Chúa Trời Đức Gia-vê là Cha của ta, ta là con cái của Ngài. Ấy là một đặc ơn vĩ đại vô cùng. Những người Do Thái trong Cựu Ước không hề được ban cho đặc ơn này, họ không được đến trước cái bàn thờ để hiến dâng của lễ, và ngay cả các thầy tế lễ của họ cũng được đến trước Ngôi ơn phước của Chúa Trời, chỉ có một mình thầy tế lễ thượng phẩm được phép vào nơi chí thánh mỗi năm một lần thôi.

Bởi vậy chúng ta hãy coi trọng đặc ơn này. Chúng ta nên tạ ơn Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ bằng hành động cụ thể, hằng ngày ta dâng nên của lễ thuộc linh cho Ngài bằng 3 cách này:

  • Chúng ta dâng lên thân thể của mình để làm của lễ sống.
  • Chúng ta dâng lên lời khen ngợi cho Chúa Trời.
  • Chúng ta làm việc lành và chia sẻ cùng người khác.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church