You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (9)

Phó Thác Hoàn Toàn (9)

Lấy Điều Thiện Thắng Điều Ác

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Phó Thác Hoàn Toàn cho Chúa Trời là Đi vào Mối Quan Hệ Thân Mật cùng với Ngài

Lu-ca 11:52 52 Khốn cho các ngươi là thầy dạy Luật, vì các ngươi đã đoạt lấy chìa khóa của sự nhận biết, chính các ngươi không vào đó, mà người khác muốn vào, các ngươi lại ngăn chặn!

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su khiển trách những ông thầy dạy Luật. Luật này là Luật Pháp của Cựu Ước Kinh Thánh, chứ không phải là luật pháp của chính phủ La-mã. Trong Luật Pháp của Cựu Ước có những điều lệ liên quan đến hầu hết mọi hoạt động hàng ngày của cuộc sống của người Do Thái, thí dụ: đồ ăn nào họ được phép ăn và đồ ăn nào họ không được phép ăn; nghi lễ của đám cưới và đám táng, của lễ hiến dâng; ngày Sa-bát, và những công chuyện họ không được phép làm vào ngày Sa-bát; ngoài ra còn có việc mua nhà mua đất hay bán nhà bán đất v.v. Hầu hết mọi công việc hoạt động hàng ngày đều phải theo đúng những điều lệ trong Luật Pháp của Kinh Thánh. Khi người dân có chuyện gì không biết nên làm như thế nào mới là phải lễ, thì họ phải đi hỏi những thầy dạy Luật này.

Bởi vậy các thầy dạy Luật đều là những chuyên gia của Luật Pháp, họ là những người học giả thấu hiểu Cựu Ước của Kinh Thánh. Cho dù họ thấu hiểu Kinh Thánh, nhưng chưa chắc họ đã phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời. Ngày nay có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cũng tương tự như vậy, họ hiểu biết Kinh Thánh, nhưng họ chưa hề phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Chúa Giê-su nói đến “sự nhận biết”. Sự nhận biết ở đây là sự nhận biết qua kinh nghiệm. Nhận biết Chúa Trời có nghĩa là có một quan hệ rất thân mật cùng với Ngài (Xin đọc bài giảng “Sự Sống Đời Đời Là Nhận Biết Chúa Trời Chân Thật Duy Nhất Và Chúa Giê-su Christ” để hiểu rõ ý nghĩa của “nhận biết”). Sự nhận biết này không phải là một điều chúng ta có hiểu hay không, không phải là một điều chúng ta có chấp nhận hay không.

Thí dụ: Có những lý thuyết trong toán học và khoa học rất khó hiểu, chúng ta thấy khó mà chấp nhận. Nhưng sau khi ta ráng học tập nghiên cứu, thì ta hiểu được và thấy rằng có thể chấp nhận được. Đó là sự hiểu biết trong trí óc. Nhưng sự nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê thì không phải như vậy, Chúa Giê-su nói đến đi vào sự nhận biết này. Nếu chỉ là một sự hiểu biết trong trí óc, chúng ta không cần phải đi vào trong đó, chúng ta chỉ cần nghiên cứu trau dồi suy nghĩ thì ta hiểu được. Chỉ khi sự nhận biết này là một quan hệ rất thân mật cùng với Chúa Trời thì chúng ta mới cần phải đi vào. Khi một người nam và một người nữ kết hôn thì họ đi vào cuộc hôn nhân, họ đi vào một quan hệ rất thân mật với nhau. Khi chúng ta phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời thì ta đi vào một quan hệ rất thân mật cùng với Ngài.

Tại Sao Những Ông Thầy Dạy Luật Này Không Muốn Đi Vào Sự Nhận Biết Chúa Trời?

Tại sao những ông thầy dạy Luật này lại không muốn đi vào sự nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê? Có phải là họ không muốn có một quan hệ thân mật cùng với Ngài không? Tại vì muốn đi vào sự nhận biết Chúa Trời thì có những điều họ không được đem vào, họ phải từ bỏ những điều ấy rồi mới có thể đi vào mối quan hệ này. Mà những điều họ cần phải từ bỏ lại chính là những điều họ yêu quí lắm, bởi vậy họ mới ngần ngại. Giả tỷ chúng ta có thể tha hồ đem theo bất cứ cái gì mà vẫn có thể nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê thì ai lại không muốn có mối quan hệ thân mật cùng với Ngài.

Chúng ta đều biết rằng ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình thì mới có thể trở thành Tín Đồ Cơ Đốc. Giả tỷ tôi là một kẻ cướp của, giết người, khi tôi tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, tôi muốn trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, tôi vui lòng từ bỏ những tội lỗi gian ác trầm trọng đó. Nhưng giả tỷ tôi chỉ là hơi ích kỷ một chút, tôi thường lo cho lợi ích của mình trước tiên; hoặc là tôi muốn sống một cuộc đời giàu sang hưởng lạc, mà tôi cũng ráng học tập thành tài rồi ráng làm việc mới có thể thành công chứ, tôi đâu phải kiếm tiền bằng những việc phi pháp đâu, vậy cho dù tôi có hưởng thụ cuộc sống vui sướng một chút thì có chi đâu, điều đó thì có tội lỗi gì? Chẳng lẽ những chuyện như vậy cũng phải từ bỏ chăng?

Xin các bạn để ý, chúng ta coi những điều này chỉ là nhè nhẹ thôi, chứ không phải là tội lỗi trầm trọng, cho dù ta có một vài khuyết điểm nho nhỏ như vậy thì có sao đâu? Có nhiều người chắc nghĩ rằng nếu những điều như vậy cũng phải từ bỏ hẳn rồi mới có thể đi vào sự nhận biết Chúa Trời thì là nghiêm khắc quá đáng! Các bạn có cảm nghĩ như vậy không?

Chìa Khóa của Sự Nhận Biết này là Cái Gì?

Chúa Giê-su khiển trách những ông thầy dạy Luật vì họ đoạt lấy chìa khóa của sự nhận biết. Vậy chìa khóa của sự nhận biết này là cái gì? Chúa Giê-su không có giải thích chìa khóa này là cái gì, nhưng trong 2 câu Kinh Thánh kế tiếp (Lu-ca 11:53-54) ghi rằng sau khi nghe lời của Chúa, những ông này tức giận Chúa dữ dội, họ dùng những câu hỏi khiêu khích Chúa để bắt bẻ lời nói ra từ miệng của Chúa. Vậy những ông này hiểu rõ chìa khóa này là cái gì, cho nên họ mới tức giận như thế.

Những ông này là những học giả thấu hiểu Cựu Ước của Kinh Thánh, vậy chìa khóa này chắc là nằm trong lời dạy của Chúa Trời trong Cựu Ước. Các ông này biết rõ chìa khóa này là cái gì, chẳng những họ không sử dụng chìa khóa này để đi vào sự nhận biết Chúa Trời Đức Gia-vê, mà ai muốn đi vào sự nhận biết này thì họ còn ngăn chặn người ta không cho vào nữa!

Chìa khóa ấy chính là cái này: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Gia-vê Chúa Trời ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5). Đây là câu Kinh Thánh người Do Thái quen thuộc nhất, này là tinh hoa và tổng hợp của toàn bộ Luật Pháp. Các ông thầy dạy Luật đều biết rõ câu này, nhưng họ là người ích kỷ, họ chỉ lo cho lợi ích thích thú của riêng mình thôi, họ không có thật sự kính mến Chúa Trời từ trong lòng.

Mỗi một người chúng ta đều yêu mến chính mình nhiều nhất, chúng ta đều là ích kỷ, đó là bản tánh của ta. Chúng ta phải quyết tâm từ bỏ bản tánh vị kỷ này, và quyết tâm kính mến Chúa Trời với toàn bộ tâm trí sức lực của mình thì ta mới vui lòng phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Ngài.

Định Nghĩa của Kinh Thánh về Thiện và Ác

Trong bài giảng trước, tôi đã nói về thiện và ác. Theo định nghĩa của Kinh Thánh thì ác chính là lòng ích kỷ; mà ích kỷ lại là bản tánh của chúng ta. Chúng ta luôn luôn coi lợi ích thích thú của mình là quan trọng hơn lợi ích thích thú của người khác. Nếu chúng ta phải lựa chọn giữa lợi ích của mình hay lợi ích của người khác, thì ta chắc lo cho lợi ích của mình trước tiên.

Ích kỷ thì trái ngược với hiến dâng hy sinh. Hiến dâng hy sinh có nghĩa là chúng ta từ bỏ lợi ích thích thú của riêng mình để chăm lo cho lợi ích thích thú của người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta không cách nào từ gian ác mà trở thành tốt lành được, tại vì đó là trái ngược hẳn với bản tánh của ta.

Theo lời dạy của Kinh Thánh thì gian ác không phải chỉ là giết người, cướp của, phạm tội tà dâm v.v. Trung tâm của gian ác là lòng ích kỷ. Từ lòng ích kỷ thì dẫn đến lòng ham tiền; nếu chúng ta không có lòng ích kỷ thì ta không ham tiền, một người càng ích kỷ thì càng ham tiền, tại vì tiền bạc có thể thỏa mãn được hầu hết mọi ham muốn của người ta. Mà lòng ham tiền bạc lại chính là nguồn gốc của mọi điều ác (1 Ti-mô-thê 6:10), bởi vậy lòng ích kỷ chính là căn nguyên của mọi sự gian ác. Thí dụ: Tại sao có người lại phạm tội tà dâm? Tại vì người ta chỉ muốn thỏa mãn tình dục của mình, họ không lo nghĩ đến cuộc đời hạnh phúc của người khác. Tại sao có người lại đi cướp của hay ăn cắp tiền bạc? Tại vì họ ham muốn tiền bạc, họ không chịu lo nghĩ đến người khác. Tại sao có người lại hay nói xấu vu cáo người khác? Tại vì họ muốn làm hỏng danh tiếng của người khác, rồi họ có thể đoạt lấy địa vị danh vọng cho mình v.v. Từ lòng ích kỷ thì dẫn đưa đến bao nhiêu tội lỗi gian ác, bởi vậy Kinh Thánh dạy rằng gian ác chính là lòng ích kỷ.

Khi chúng ta từ bỏ lòng ích kỷ, chúng ta không còn yêu thương chính mình nữa, từ nay trở đi chúng ta hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Chúa Trời Đức Gia-vê. Nếu chúng ta kính mến Chúa Trời bằng toàn bộ tâm trí sức lực của mình thì ta sẽ không phạm những tội lỗi tôi vừa kể trên. Hết thảy mọi tội lỗi gian ác đều do lòng ích kỷ mà ra, nếu ta đã thay thế lòng yêu thương riêng mình bằng lòng kính mến Chúa Trời, thì ta không có phạm những tội lỗi đó nữa. Bởi vậy theo lời dạy của Kinh Thánh, tốt lành thì dính liền với hết lòng, hết sức, hết ý mà kính mến Chúa Trời Đức Gia-vê.

Những Người Pha-ri-see và Những Ông Thầy Dạy Luật Đã Thay Đổi Khái Niệm về Thiện và Ác

Mà những ông thầy dạy Luật này đã đoạt lấy chìa khóa của sự nhận biết bằng cách nào? Những ông này cũng giảng dạy về thiện và ác, nhưng họ định nghĩa thiện và ác hoàn toàn khác hẳn với định nghĩa trong Kinh Thánh. Theo định nghĩa của Kinh Thánh, thiện là hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Chúa Trời; và ác thì chính là lòng ích kỷ, chỉ yêu thương lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình.

Giả tỷ tôi quyên tặng tiền bạc cho kẻ nghèo khổ, điều đó có phải là điều tốt lành không? Phần đông người ta đều nói rằng đó chắc là một điều lành; nhưng Kinh Thánh dạy rằng điều đó chưa hẳn là một điều lành. Tại sao? Tại vì có người làm như vậy là để được người đời khen ngợi, có người là vì lòng tự cao của mình, có những kẻ gian ác tưởng rằng làm một số điều lành thì có thể giảm bớt tội lỗi của mình. Những người này làm việc từ thiện cũng vì lòng ích kỷ, mục đích là để đoạt được lợi ích cho mình thôi. Họ làm việc từ thiện không phải vì lòng yêu thương kẻ nghèo khổ, bởi vậy những điều họ làm cũng không được Chúa Trời coi là điều lành đâu.

Những ông thầy dạy Luật thấu hiểu Luật Pháp, họ biết rõ chìa khóa của sự nhận biết Chúa Trời chính là lựa chọn điều thiện và chối bỏ điều ác. Và họ cũng biết rõ thiện là hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Chúa Trời Đức Gia-vê, nhưng họ đã thay đổi khái niệm về thiện và ác. Họ đoạt lấy cái chìa khóa này, rồi họ thay đổi định nghĩa của thiện và ác. Họ dạy rằng vâng giữ những điều lệ trong Luật Pháp tức là thiện, không vâng giữ những điều lệ trong Luật Pháp tức là ác.

Những ông thầy dạy Luật này định nghĩa thiện và ác theo những hành động việc làm ở bên ngoài. Còn Kinh Thánh thì định nghĩa thiện và ác theo tấm lòng của chúng ta, nếu ta hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Chúa Trời thì đó là thiện, ngược lại nếu chúng ta ích kỷ, yêu thương chăm lo cho lợi ích của riêng mình trước tiên thì đó là ác.

Định nghĩa của Kinh Thánh thì rất sâu xa uyên thâm, còn định nghĩa của những ông thầy dạy Luật này thì nông cạn và sai lầm. Khi những ông này giảng dạy thiện và ác theo định nghĩa của họ thì họ đã dẫn đưa người dân Do Thái đi lên con đường sai lầm, khiến người Do Thái không thể đi vào mối quan hệ mật thiết cùng Chúa Trời. Những ông này dạy rằng ai muốn được cứu chuộc thì phải vâng giữ những điều lệ trong Luật Pháp. Luật Pháp bảo rằng không được làm việc vào ngày Sa-bát, thì các ngươi đừng làm bất cứ việc gì vào ngày Sa-bát; Luật Pháp bảo rằng đừng có ăn thịt heo thì các ngươi đừng ăn thịt heo; Luật Pháp bảo rằng trước mỗi bữa cơm phải rửa tay thì các người hãy rửa tay một cách cẩn thận trước bữa cơm. Miễn là các ngươi làm theo đúng những điều lệ này thì các ngươi là người thiện, các ngươi sẽ được cứu chuộc. Người Việt Nam thì không theo Đạo Do Thái, nhưng có nhiều người thờ pho tượng thần giả cũng làm những chuyện tương tự như vậy. Họ tưởng rằng cứ mỗi tháng ăn chay một vài ngày và mỗi ngày tụng kinh thì đó là điều lành, và sau này họ sẽ được lên thiên đàng. Những ý tưởng như vậy là hoàn toàn sai lầm. Khi một người tràn đầy lòng ích kỷ cứ chăm lo cho lợi ích của riêng mình trước tiên, thì cho dù người ấy có ăn chay tụng kinh cũng chẳng có ích chi, làm như vậy cũng chẳng được lên thiên đàng đâu!

Tốt lành không phải chỉ là làm những điều lành thôi. Tốt lành là kính mến Chúa Trời bằng toàn bộ tâm trí sức lực của mình. Nếu bạn hết lòng hết sức kính mến Chúa Trời Đức Gia-vê thì bạn sẽ đi vào mối quan hệ mật thiết cùng với Ngài. Chúa Trời là trung tâm của cuộc đời bạn, mà Ngài là nguồn gốc của mọi sự tốt lành, cho nên Ngài sẽ biến hóa bạn từ gian ác trở nên tốt lành. Bởi vậy ơn cứu chuộc là bởi ân điển của Ngài. Khi bạn trở thành một người tốt lành, thì bạn không làm những việc tội lỗi ích kỷ nữa, và những việc bạn làm cũng chắc là điều lành; tương tự như một cây tốt thì mang trái tốt vậy.

Ngược lại nếu bạn không muốn phó thác cuộc đời cho Chúa Trời để hết lòng hết sức kính mến Ngài thì bạn không thể trở thành một người tốt lành. Nếu bạn vẫn là một người ích kỷ thì cho dù thỉnh thoảng bạn có làm một số việc lành, nhưng trong lòng của bạn vẫn tràn đầy ích kỷ luôn luôn chăm lo cho lợi ích thích thú của riêng mình trước tiên thì những điều bạn làm cũng không phải là điều lành đâu; tương tự như một cây xấu thì sẽ mang trái xấu vậy.

Tốt Lành Luôn Luôn Chiến Thắng Gian Ác

Sứ đồ Phao-lô thấu hiểu sự tốt lành của Chúa Trời, người nói rằng tốt lành của Ngài thì luôn luôn chiến thắng gian ác của ma quỉ.

Rô-ma 12:21 21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện chiến thắng điều ác.

Trong câu Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô dạy rằng ta phải lấy điều thiện chiến thắng điều ác. Nguyên văn Hy Lạp của từ ngữ “chiến thăng” là “νικάω” (đọc là ni-khá-ô), này là một chữ rất quan trọng trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh dạy rằng có hai lực lượng: lực lượng của tốt lành và lực lượng của gian ác. Lực lượng tốt lành của Chúa Trời thì luôn luôn chiến thắng lực lượng gian ác của ma quỉ. Này là một điều rất quan trọng mà Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều phải biết rõ và ghi nhớ. Mọi việc đều do Chúa Trời nắm giữ điều khiển, và lực lượng của Ngài là cao siêu hơn lực lượng của ma quỉ rất nhiều, cho nên tốt lành luôn luôn có thể chiến thắng gian ác.

Xin các bạn để ý, lực lượng tốt lành của Chúa Trời luôn luôn có thể chiến thắng lực lượng gian ác của ma quỉ, nhưng bạn phải phối hợp với lực lượng tốt lành của Ngài thì bạn mới có thể chiến thắng lực lượng gian ác của ma quỉ. Nếu bạn không phối hợp với lực lượng tốt lành của Chúa Trời, nếu bạn đi theo đường lối của ma quỉ và phối hợp với lực lượng gian ác của nó thì nó sẽ điều khiển tâm hồn của bạn, như vậy thì gian ác sẽ chiến thắng tốt lành trong cuộc đời của bạn. Nhưng ma quỉ không bao giờ có thể chiến thắng lực lượng tốt lành của Chúa Trời. Kế hoạch cứu chuộc loài người của Chúa Trời Đức Gia-vê ắt sẽ thành công, ma quỉ không cách nào phá hoại kế hoạch đó được. Nhưng nếu bạn phối hợp với lực lượng gian ác của ma quỉ thì bạn sẽ không có phần trong kế hoạch cứu chuộc của Chúa Trời, có nghĩa là bạn sẽ không được cứu chuộc.

1. Ơn cứu chuộc chính là Chúa Trời chiến thắng gian ác bằng sự tốt lành của Ngài

Đầu tiên Chúa Trời chiến thắng ma quỉ bằng sự tốt lành của Ngài. Thứ nhì là chúng ta chiến thắng gian ác bằng sự tốt lành của Chúa Trời. Lẽ dĩ nhiên chúng ta phải phối hợp với lực lượng tốt lành của Chúa Trời thì ta mới có thể chiến thắng gian ác của ma quỉ bằng sự tốt lành của Ngài; nếu ta không phối hợp tác với lực lượng của Ngài thì lực lượng gian ác của ma quỉ sẽ chiến thắng ta.

Ơn cứu chuộc chính là Chúa Trời Đức Gia-vê chiến thắng gian ác bằng sự tốt lành của Ngài. Trước khi chúng ta được cứu chuộc, lúc đó ta bị lực lượng của ma quỉ nắm giữ, Chúa Trời đã giải cứu chúng ta khỏi tay của ma quỉ, khiến chúng ta có thể đi vào sự tốt lành của Ngài.

2. Sự vâng phục của Chúa Giê-su Christ chiến thắng sự không vâng phục của A-đam

Rô-ma 5:19 19 Vì tương tự như bởi sự không vâng phục của một người mà nhiều người thành ra kẻ có tội, thì cũng bởi sự vâng phục của một người mà nhiều người sẽ được thành ra công nghĩa.

Sự tốt lành chính là sự vâng phục, còn sự gian ác là sự không vâng phục. Chúa Giê-su là người vâng phục, còn A-đam là người không vâng phục. Sự không vâng phục của A-đam khiến cho nhiều người thành ra kẻ có tội. Sự tốt lành của Chúa Giê-su chiến thắng sự gian ác của A-đam, sự vâng phục của Chúa khiến nhiều người thành ra công nghĩa.

Rô-ma 5:9 9 Huống chi nay chúng ta nhờ huyết của Chúa được trở nên công nghĩa, thì sẽ nhờ Chúa được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!

Sự tốt lành của Chúa Giê-su chẳng những tiêu diệt sự gian ác của A-đam, mà sự tốt lành của Chúa là cao siêu vượt hẳn sự gian ác trên thế gian này.

3. Sự sống chiến thắng sự chết

Cô-lô-se 2:13 13 Khi anh em đã chết trong tội lỗi và trong xác thịt chưa được cắt bì, thì Chúa Trời đã khiến anh em sống lại cùng với đấng Christ, và đã tha thứ tất cả các tội lỗi của chúng ta.

Trước kia khi bạn còn bị dục vọng của xác thịt điều khiển lôi kéo, mà xác thịt thì hẳn là ích kỷ, lúc đó bạn đã chết trong tội lỗi. Nhưng sự chết này đã bị sức sống của Chúa Giê-su chiến thắng.

4. Chúa Trời chiến thắng quyền hành gian ác điều khiển chúng ta

Cô-lô-se 2:15 15 Ngài đã tước bỏ các lãnh đạo và các thế lực, chiến thắng chúng nó qua thập tự giá, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.

“Các lãnh đạo và các thế lực” trong đoạn Kinh Thánh này là nói về thế lực gian ác của ma quỉ. Chúa Trời Đức Gia-vê đã chiến thắng lực lượng gian ác điều khiển chúng ta.

5. Chúa Trời sẵn sàng ban mọi sự tốt lành cho chúng ta

Rô-ma 8:32 32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng đã phó Con ấy vì hết thảy chúng ta, thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta?

Chúa Trời không tiếc Con mình, Ngài đã phó Con ấy để cứu vớt chúng ta, vậy nếu có sự gì tốt cho ta thì há chẳng Ngài lại không ban cho ta sao? Chúa Trời muốn ban mọi sự tốt lành cho chúng ta, tại sao có người cứ sợ rằng Ngài sẽ hành hạ làm khổ cuộc đời của họ? Trong Ma-thi-ơ 7:11 Chúa Giê-su nói rằng: “Vậy nếu các ngươi vốn là ác, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi là Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban vật càng tốt hơn nhiều cho những kẻ cầu xin Ngài sao?” Chúng ta là tội nhân đầy ích kỷ gian ác, mà chúng ta còn biết cho con cái mình những vật tốt, huống chi là Cha của ta ở trên trời, Ngài chắc sẽ ban những vật càng tốt hơn nhiều cho những kẻ cầu xin Ngài vậy!

Rô-ma 8:35 – 39 35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của đấng Christ? Phải chăng là hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo? 36 Như có chép rằng: “Vì cớ Ngài, chúng tôi bị đặt vào trong sự chết cả ngày; Chúng tôi bị kể như chiên định đem đến hàng làm thịt.” 37 Nhưng trong mọi sự đó, chúng ta hoàn toàn chiến thắng nhờ đấng yêu thương ta. 38 Vì tôi tin chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền năng, 39 bề cao, bề sâu, hay một tạo vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Giê-su Christ, là Chúa chúng ta.

Không một người nào, không một vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Chúa Trời trong Chúa Giê-su Christ, nhưng chỉ có chính mình chúng ta có thể phân rẽ mình khỏi sự yêu thương của Ngài. Nếu chúng ta không muốn phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời thì Ngài sẽ không ban những sự tốt lành cho ta. Tại vì nếu chúng ta không phó thác cho Ngài mà Ngài vẫn ban các điều tốt lành cho ta thì ta chắc không bao giờ phó thác cuộc đời cho Ngài. Nếu chúng ta không phó thác cuộc đời cho Ngài thì ta sẽ không bao giờ trở nên tốt lành, rốt cuộc ta sẽ bị hư mất. Bởi vậy Chúa Trời lành phải cầm giữ lại những điều tốt lành không ban cho ta nếu ta không phó thác cuộc đời cho Ngài.

Chúa Trời Đức Gia-vê đã chiến thắng gian ác. Trong Rô-ma 12:21 Ngài kêu gọi chúng ta hãy chiến thắng gian ác bằng sự tốt lành của Ngài. Đoạn Kinh Thánh này đã tổng hợp lại tính chất của cuộc sống Tín Đồ Cơ Đốc, ấy là chiến thắng gian ác.

2 Ti-mô-thê 4:7 – 8 7 Ta đã đánh trận chiến tốt lành, đã hoàn tất cuộc chạy đua, đã giữ vững đức tin. 8 Hiện nay mão miện của công nghĩa đã để dành cho ta; Chúa là quan án công nghĩa, Chúa sẽ ban mão ấy cho ta vào ngày đó, không những cho ta mà thôi, mà cũng cho mọi người yêu mến sự hiện đến của Chúa.

Cuộc đời của sứ đồ Phao-lô quả thật là một cuộc đời tràn đầy thắng lợi.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church