You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (10)

Phó Thác Hoàn Toàn (10)

Kinh Lịch Sự Chân Thật Của Chúa Trời

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Phó Thác Là Niềm Tin Cứu Vớt

Đầu tiên tôi muốn nói rõ lý do chính tại sao tôi dùng từ ngữ “phó thác”. Tại vì Tín Đồ Cơ Đốc ngày nay đã giảm bớt ý nghĩa của từ ngữ “đức tin” hay “tin cậy”, khiến “đức tin” thành ra một sự tin tưởng trong đầu óc thôi; và đó thì hẳn không phải là ý nghĩa chân chính của “đức tin” trong Kinh Thánh. Bởi vậy tôi mới dùng từ ngữ “phó thác” để phù hợp với ý nghĩa nguyên thủy trong lời dạy của Chúa Trời.

Trước khi chúng ta phó thác cho Chúa Trời thì Ngài đã phó thác cho chúng ta trước tiên. Sự phó thác của Chúa Trời cho chúng ta thì chính là “ân điển”, còn sự phó thác của chúng ta cho Ngài thì chính là “đức tin”. Phần nhiều các hội thánh ngày nay giảng dạy rằng một người có niềm tin vào Chúa Giê-su có nghĩa là người ấy tin rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời, Chúa chịu chết vì tội lỗi của loài người, và Chúa đã sống lại. Tin vào tất cả những điều trên thì rất tốt, nhưng chưa đủ. Một đức tin như vậy không phải là một đức tin chân chính trong Kinh Thánh, một đức tin như vậy không thể cứu vớt chúng ta. Sứ đồ Gia-cơ đã giảng dạy trong quyển sách Gia-cơ rằng chính ma quỉ cũng tin tưởng hết thảy những điều trên, nhưng niềm tin như vậy không thể cứu vớt nó được.

Phó thác chính là niềm tin cùng với một cuộc sống tương ứng với niềm tin đó. Một niềm tin cứu vớt trong Kinh Thánh là sự đáp ứng lại Chúa Trời một cách hoàn toàn. Đáp ứng hoàn toàn có nghĩa là đáp ứng lại bằng toàn bộ tâm thần trí óc của con người, chứ không phải chỉ là đáp ứng lại bằng trí óc, hoặc chỉ là bằng tình cảm thôi.

Làm Sao mà Tôi Có Thể Biết Chắc Rằng Chúa Trời là Thiệt?

Hôm nay chúng ta muốn tìm hiểu về câu hỏi này: “Làm sao mà tôi biết chắc rằng Chúa Trời là thiệt, hầu cho tôi có thể phó thác hoàn toàn cho Ngài?” Chỉ khi chúng ta nhận thấy rằng Chúa Trời quả thật là tồn tại và hiện hữu thì ta mới chịu phó thác hoàn toàn cho Ngài. Có bằng chứng nào có thể giúp ta nhận thấy được điều đó không?

Trời Đất Muôn Vật Bày Tỏ Vinh Diệu của Chúa Trời

Bây giờ tôi sẽ giải đáp câu hỏi này, chúng ta bắt đầu bằng cuộc sáng tạo trời đất và muôn vật.

Rô-ma 1:20 20 Từ buổi sáng thế thì đặc tính của Ngài tuy mắt trần không thấy được, quyền năng đời đời của Ngài và đặc tính thần thánh của Ngài đã được hiện thấy rõ ràng và hiểu được qua muôn vật dựng nên bởi Ngài, cho nên họ không thể bào chữa được.

Trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô nói rằng Chúa Trời đã bày tỏ chính mình qua vũ trụ vạn vật này. Chúng ta chỉ cần nhìn vào trời đất và muôn vật thì ta sẽ thấy quyền năng vô biên và tính tình công nghĩa thánh sạch của Ngài.

Hàng ngày khi chúng ta ngắm nhìn những bông hoa ở ngoài đồng, ta thấy những bông hoa này vừa tươi đẹp vừa thơm nức. Chúng ta chắc cũng từng thấy những bông hoa nhân tạo làm bằng vàng hay bạc rất đắt tiền. Khi chúng a ngắm coi những bông vàng hay bạc đó, ta chắc cũng khen ngợi tài năng khéo léo của thợ vàng. Nếu chúng ta so sánh các bông hoa thiệt với những bông hoa bằng vàng, cái nào đẹp hơn? Câu trả lời thì rất hiển nhiên, chắc là bông thiệt đẹp hơn nhiều, những bông bằng vàng tuy đắt tiền nhưng đâu có đẹp bằng bông thiệt; hơn nữa bông thiệt còn có mùi thơm nữa, còn bông vàng đâu có mùi thơm, cho dù người ta xức dầu thơm trên bông vàng, nhưng mùi dầu thơm đâu có bằng mùi thơm thiên nhiên của bông thiệt.

Xin các bạn ngẫm nghĩ coi, nếu những bông vàng là do người thợ vàng làm nên, mà bông thiệt còn đẹp hơn bông vàng rất nhiều, thì bông thiệt lại không do kẻ nào làm nên sao? Hơn nữa có bao nhiêu loại bông hoa khác nhau, mà mỗi một loại đều có hình dạng khác nhau, màu sắc khác nhau và mùi thơm khác nhau nữa, chẳng lẽ không ai dựng nên những bông hoa tươi đẹp này, mà tự nhiên chúng nó mọc lên ở ngoài đồng với bao nhiêu màu sắc, hình dạng và mùi thơm khác nhau chăng?

Việt Nam ở vùng nhiệt đới, khí hậu vào mùa hè và mùa đông thì không có khác nhau bao nhiêu. Nhưng ở Canada thì không phải như vậy, khí hậu vào mùa đông có thể lạnh tới 25 độ âm, còn khí hậu vào mùa hè lại có thể lên tới ba mươi mấy độ gần bốn mươi độ; mà những trái cây và rau cải ở mùa đông và mùa hè cũng rất khác nhau. Trái dưa hấu chỉ có trong mùa hè thôi, khi mùa hè qua rồi thì dưa hấu cũng hết luôn. Mỗi khi tôi ăn trái dưa hấu vào mùa hè thì tôi nghĩ rằng: “Quả thật Chúa Trời là thiệt, giả tỷ trái dưa hấu là thu hoạch vào mùa đông thì chắc không ai dám ăn, ăn một miếng vào bụng là bị lạnh mắc bịnh, rồi bao nhiêu dưa hấu thu hoạch được sẽ bị uổng phí. Nhưng Chúa Trời đã sắm sửa mọi việc đàng hoàng trọn vẹn, trong lúc mùa hè khí hậu vừa nóng vừa khô, thì chúng ta có trái dưa hấu vừa tươi mát vừa ngon miệng để ăn.”

Trước kia tôi cứ tưởng rằng trong những vùng sa mạc chắc không sinh được trái cây gì hết. Khi tôi có dịp đi thăm nước Y-sơ-ra-ên và những nước khác ở gần sa mạc thì tôi mới biết chính là trong những vùng đó có sản xuất trái dưa hấu và trái nho thơm ngon hơn trái dưa hấu và trái nho ở nước Mỹ và Canada. Trong những vùng đó còn có nhiều thứ trái cây rau cải khác nhau nữa, nhưng tôi chỉ nói về hai thứ trái cây mà các bạn quen thuộc thôi. Khi tôi ở vùng sa mạc ăn trái dưa hấu và trái nho thơm ngon tươi mát, trong lòng tôi tràn đầy cảm tạ khen ngợi nhân từ thương xót của Đức Cha ở trên trời, Ngài biết rõ người dân ở vùng sa mạc cần những thức ăn như vậy, cho nên Ngài đã sắm sửa ban cho họ những thứ trái cây tốt nhất.

Chúng ta hãy ngắm coi những động vật, chim trời, côn trùng, cá biển, cây cối, bông hoa v.v. Hết thảy muôn vật đều đẹp đẽ biết bao, mỗi một loài đều có hình dạng màu sắc riêng biệt, quả thật đúng như sứ đồ Phao-lô nói trong đoạn Kinh Thánh trên, khi chúng ta xem xét trời đất muôn vật thì ta sẽ thấy rõ quyền năng đời đời và nhân từ thương xót vô biên của Chúa Trời, và cả đặc tính vô hình của Ngài cũng có thể thấy được.

Có nhiều người tuy nói rằng họ không tin vào Chúa Trời, họ không tin rằng có một Đấng Tạo Hóa cai quản vũ trụ trời đất này, nhưng một khi họ mắc vào tình trạng nguy hiểm thì tự nhiên họ bắt đầu cầu nguyện xin Chúa Trời bảo hộ! Điều này chứng tỏ rằng phần đông người đời tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm họ vẫn tin rằng có một Đấng Chúa Trời.

Vậy bằng chứng thứ nhất là chính vũ trụ vạn vật này bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.

Cuộc Đời của Chúa Giê-su Bày Tỏ Vinh Diệu của Chúa Trời

Bằng chứng thứ hai là bởi Chúa Giê-su Christ. Cuộc đời của Chúa Giê-su bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời cho ta thấy.

Giăng 1:18 18 Chẳng hề ai thấy Chúa Trời, chỉ Con một ở trong lòng Cha, là đấng đã giải bày được Đức Cha.

Khi Chúa Giê-su đến vào thế gian này, Chúa đã bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời cho người đời thấy. Chẳng hề có người nào được thấy Chúa Trời, nhưng Con của Chúa Trời giải bày được Đức Cha. Chúa Giê-su nói rằng: “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30), Chúa Trời Gia-vê sống ở trong Chúa Giê-su, bởi vậy khi người ta nhìn vào Chúa thì người ta thấy được vinh diệu của Chúa Trời.

Nhưng có người nói rằng: “Chúa Giê-su sống trên thế gian này hai ngàn năm về trước, tôi không sống vào thời đó, ngày nay chúng ta đâu có thấy Chúa Giê-su. Chỉ có những kẻ sống ở Y-sơ-ra-ên thời đó mới được thấy vinh diệu của Chúa Trời thôi.”

Hỡi các bạn ơi, chính những người sống ở thời đó cũng chưa chắc thấy được vinh diệu của Chúa Trời. Hồi đó Chúa Giê-su đi từ vùng này sang vùng khác, từ làng này sang làng khác ở nước Y-sơ-ra-ên, có bao nhiêu người từng gặp mặt với Chúa rồi, và bao nhiêu người từng thấy bằng chính mắt mình những phép lạ Chúa làm, có bao nhiêu người từng thấy Chúa Giê-su chữa lành người bịnh, trừ ma quỉ, nhưng không phải người nào người nấy đều tin vào Chúa. Những người Pha-ri-si, những ông thầy dạy Luật, những thầy tế lễ chẳng những không tin vào Chúa, mà họ còn lập mưu để giết hại Chúa nữa. Bởi vậy không phải hễ người nào được nhìn thấy Chúa Giê-su đều tin vào Chúa.

Chúa Giê-su sống ở giữa chúng ta, một mặt Chúa bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời cho ta thấy, nhưng mặt khác chính cái thân thể xác thịt của Chúa lại che dấu vinh diệu của Chúa Trời. Bởi vì người đời chỉ nhìn thấy một con người có thân thể xác thịt thôi, chứ họ không nhìn thấy Chúa Trời Gia-vê sống ở trong Chúa Giê-su. Lẽ dĩ nhiên nếu Chúa Trời bày tỏ toàn bộ vinh diệu của Ngài thì không ai có thể nhìn thấy Ngài và sống còn. Khi Chúa Trời bày tỏ vinh diệu của Ngài trên núi Si-na-i, thì người dân Y-sơ-ra-ên rất mực khủng hoảng đến nỗi họ cầu xin Ngài đừng có phán truyền cho họ một cách trực tiếp, họ xin Ngài cứ phán truyền cho Môi-se, rồi để Môi-se thuật lại cho họ là được rồi. Mà lúc đó Ngài còn chưa bày tỏ toàn bộ vinh diệu của Ngài, Ngài chỉ bày tỏ một phần vinh diệu của Ngài thôi.

Vậy Chúa Trời bày tỏ vinh diệu của mình qua Chúa Giê-su, nhưng đồng thời cái thân thể xác thịt của Chúa Giê-su lại che dấu một phần vinh diệu của Chúa Trời. Chính Chúa Trời đã sắp đặt cái kế hoạch cứu chuộc như thế. Tại sao vậy?

Khi Chúa Giê-su răn dạy dân chúng, Chúa một mặt bày tỏ vinh diệu quyền năng của Chúa Trời, nhưng mặt khác Chúa lại che dấu vinh diệu đó. Trong Tin Lành theo Mác, Chúa Giê-su không hề rao truyền rằng mình là đấng Christ. Khi Chúa bị bắt rồi, thầy tế lễ thượng phẩm bảo Chúa phải chỉ vào Chúa Trời mà thề và nói rõ cho họ biết Chúa có phải là đấng Christ, Con của Chúa Trời hay không. Chỉ trong trường hợp này thì Chúa Giê-su mới nói rằng: “Thật như vậy.” Ngoài sự kiện này ra, trong cả bốn quyển sách Tin Lành: Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Tin Lành theo Mác, Tin Lành theo Lu-ca và Tin Lành theo Giăng, Chúa Giê-su không hề tuyên bố rằng mình là đấng Christ, Con của Chúa Trời. Nhưng nếu Chúa không nói rõ cho người ta biết mình là ai, thì làm sao mà người ta có niềm tin vào Chúa vậy?

Trong Ma-thi-ơ chương 16 Chúa hỏi các môn đồ rằng: “Người ta nói Con của loài người là ai?” Chúa muốn biết người đời nghĩ rằng mình là ai, các môn đồ trả lời rằng: “Có người nói là Giăng Báp-tít; có kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó.” Rồi Chúa lại hỏi tiếp: “Các ngươi hãy nói ta là ai?”

Ma-thi-ơ 16:15 – 17 15 Chúa nói với chúng rằng: “Còn các ngươi thì cho rằng ta là ai?” 16 Si-môn Phi-ơ-rơ thưa rằng: “Thầy là đấng Christ, Con của Chúa Trời hằng sống.” 17 Chúa Giê-su nói với người rằng: “Phước cho ngươi, Si-môn con Giô-na! Vì không phải xác thịt và huyết tỏ cho ngươi điều này, mà chính là Cha ta ở trên trời vậy.”

Chúa Giê-su muốn biết ý nghĩ của các môn đồ. Khi Phi-e-rơ nói rằng: “Chúa là đấng Christ, Con của Chúa Trời hằng sống,” thì Chúa nói rằng chẳng phải thịt và huyết tỏ cho người biết điều đó.

Thịt và huyết có nghĩa là loài người. Chính Chúa Giê-su là loài người, Chúa cũng không hề nói rõ cho một người nào biết mình là ai, nhưng ấy là Đức Cha ở trên trời tỏ ra cho Phi-e-rơ biết điều đó. Chúa Giê-su không hề thuyết phục các môn đồ tin rằng mình là đấng Christ, mà Chúa để Chúa Trời Gia-vê làm sáng mắt của họ. Bởi vậy tôi không cách nào thuyết phục các bạn phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời, và cho dù tôi có tài năng có thể làm nỗi, mà tôi cũng không muốn làm một chuyện như vậy. Bởi vì nếu tôi thuyết phục các bạn thì đức tin của bạn là dựa vào tài năng của tôi, mà đó là trí khôn ngoan của loài người, chứ không phải là trí tuệ của Chúa Trời. Hết thảy những người phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời đều là nhờ lực lượng việc làm của Ngài.

Chỉ có Chúa Trời mới có thể bày tỏ vinh diệu của Ngài cho bạn thấy, điều đó không ai làm nỗi, chỉ có một mình Ngài mới làm được thôi. Và chỉ khi Chúa Trời bày tỏ vinh diệu của Ngài cho bạn thấy, rồi bạn mới có thể trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính.

Rốt cuộc sụ phó thác hoàn toàn là nhờ vào lực lượng việc làm của Chúa Trời, chứ không phải nhờ vào việc làm của người ta. Nhưng về phần các bạn, các bạn có một tấm lòng cỡi mở để phối hợp với việc làm của Chúa Trời không? Các bạn có vui lòng để cho Chúa Trời mở rộng tâm hồn của bạn và làm sáng mắt của bạn không? Bởi vì nếu bạn không vui lòng thì Chúa Trời sẽ không làm việc gì cả trong tâm hồn của bạn.

Nói tóm lại, bằng chứng thứ hai về sự tồn tại hiện hữu của Chúa Trời là qua cuộc đời của Chúa Giê-su, Chúa bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời cho ta thấy.

Cây Thập Giá Bày Tỏ Vinh Diệu của Chúa Trời

Bằng chứng thứ ba là cây thập giá. Vinh diệu của Chúa Trời được bày tỏ qua Chúa Giê-su một cách oai hùng nhất trên cây thập giá. Chúa Giê-su Christ đã lập một gương mẫu của điều thiện chiến thắng điều ác. Mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đã phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời đều là một gương mẫu của điều thiện chiến thắng điều ác trong cuộc đời của người đó.

Trong tương lai khi chúng ta đứng trước mặt Chúa Giê-su, chúng ta chẳng những chỉ thấy mão miện vinh diệu của Chúa, mà ta còn thấy vết sẹo trên đầu của Chúa tại vì Chúa đã đội cái mão gai vì tội lỗi của ta. Mỗi khi Chúa giơ tay lên, chúng ta sẽ thấy cái dấu đinh trên tay Chúa. Mỗi lần chúng ta lạy xuống trước mặt Chúa, thì ta cũng thấy cái dấu đinh trên chân Chúa. Mỗi khi Chúa tỏ cho ta thấy trái tim của Chúa thì ta sẽ thấy cái vết sẹo ở chỗ bị tên lính La-mã lấy giáo đâm vào khiến cho máu và nước chảy ra trên cây thập giá. Bởi vậy trong quyển sách Khải Huyền, sứ đồ Giăng nói rằng Chúa Giê-su là Chiên Con đã bị giết, tại vì vinh diệu của Chúa Trời được bày tỏ đời đời vô tận qua Chúa Giê-su trên thập giá, là đấng đã chịu chết vì chúng ta.

Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Còn như tôi, tôi hẳn không khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Chúa Giê-su Christ chúng ta.” Thật ra sứ đồ có thể khoe khoang về sự kiện Chúa Giê-su đã hiện ra trước mặt người trên con đường đi đến thành Đa-mách, hoặc là khoe khoang về những phép lạ người đã làm. Nhưng sứ đồ không muốn nói về những chuyện đó, người chỉ muốn nói về Chúa Giê-su Christ và cây thập giá của Chúa.

Vậy bằng chứng thứ ba là cây thập giá. Vinh diệu là ẩn nấu sau cái màng sỉ nhục. Trừ phi chúng ta chịu nhìn vào cái sỉ nhục, bằng không chúng ta sẽ không thấy được vinh diệu của Chúa Trời.

Vinh Diệu của Chúa Trời Được Bày Tỏ trong Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su

Bây giờ chúng ta nói đến sự phục sinh của Chúa Giê-su. Trong suốt hai ngàn năm qua có bao nhiêu người đặt ra lý thuyết này lý thuyết kia và câu chuyện này câu chuyện nọ với dụng ý là để chứng tỏ rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su không phải thiệt. Giả tỷ sự phục sinh không phải là thiệt, nếu Chúa Giê-su không có sống lại, thì cái xác của Chúa đi đâu rồi? Quan tổng đốc Phi-lát đã niêm phong cái mộ của Chúa và còn sai quân lính canh giữ cái mộ nữa (Ma-thi-ơ 27:62-66). Nếu chính quyền La-mã và các thầy tế lễ cả có cái xác của Chúa Giê-su trong tay của họ, họ chỉ cần đem cái xác của Chúa ra thì sẽ đánh đổ hoàn toàn lời rao truyền của các môn đồ của Chúa. Các môn đồ của Chúa không phải đi một nơi xa xôi hẻo lánh để rao truyền sự phục sinh của Chúa, họ rao truyền sự phục sinh của Chúa ngay tại thành phố Giê-ru-sa-lem, là chỗ Chúa Giê-su bị đóng đinh; và chỉ là 50 ngày sau khi Chúa bị đóng đinh thì họ bắt đầu truyền giảng sự phục sinh của Chúa.

Trong quyển sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 2, sứ đồ Phi-e-rơ nói với dân chúng ở thành phố Giê-ru-sa-lem rằng Chúa Giê-su mà các ngươi đã đóng đinh trên cây thập giá, hiện giờ Chúa đã sống lại rồi. Những người dân ở Giê-ru-sa-lem đều biết mặt của Chúa Giê-su, nếu Chúa không có sống lại, thì các thầy tế lễ và người Pha-ri-si chỉ cần đem cái xác của Chúa ra, thì mọi người đều có thể nhận ra cái xác đó có phải là xác của Chúa hay không. Nhưng chính vì Chúa đã phục sinh rồi, các thầy tế lễ không có cái xác của Chúa trong tay, cho nên họ không cách nào đánh đổ lời rao truyền của các môn đồ của Chúa.

Bởi vậy sự phục sinh của Chúa Giê-su là một bằng chứng rõ ràng minh bạch: Chính Chúa Trời đã khiến cho Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại. Đó là bằng chứng thứ tư về sự tồn tại hiện hữu của Chúa Trời.

Vinh Diệu của Chúa Trời Được Bày Tỏ qua Cuộc Đời và Lời Làm Chứng của Các Sứ Đồ

Cuộc đời và lời làm chứng của các sứ đồ lại là một bằng chứng rất quan trọng, tại vì họ đã thấy bằng chính mắt mình sự phục sinh của Chúa. Họ đã thấy Chúa Giê-su sau khi Chúa được sống lại. Trong Tân Ứơc từ ngữ “sứ đồ” là chỉ về tất cả những người đã từng chứng kiến cuộc sống và việc làm của Chúa Giê-su và cả sự phục sinh của Chúa.

1 Cô-rinh-tô 15:3 – 8 3 Tôi đã truyền giao cho anh em những điều quan trọng nhất mà tôi đã nhận lãnh, ấy là đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Kinh Thánh; 4 Chúa đã bị chôn, đến ngày thứ ba Chúa sống lại theo như lời Kinh Thánh đã chép; 5 và Chúa đã hiện ra cho Sê-pha (tức là Phi-e-rơ), sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ. 6 Rồi Chúa hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy cùng một lượt, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng vài người đã ngủ rồi. 7 Rồi Chúa hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho tất cả các sứ đồ. Sau cùng Chúa cũng hiện ra cho tôi là một đứa trẻ sinh non.

Này mới là bằng chứng hạng nhất. Chúa đã hiện ra cho hơn 500 người cùng một lượt, thật là kỳ diệu vô cùng. Sứ đồ Phao-lô viết quyển sách 1 Cô-rinh tô chỉ vào khoảng 30 năm sau sự kiện này xảy ra, phần đông những kẻ trong số 500 người đó vẫn còn sống. Nếu người ta muốn điều tra sự kiện này, họ có thể đi tra hỏi những kẻ còn sống. Lời làm chứng của sứ đồ Phao-lô là kỳ diệu nhất, tại vì trước kia người vốn là kẻ chống nghịch lại lời rao truyền của các môn đồ. Nhưng sau khi Phao-lô được thấy Chúa Giê-su hiện ra trước mắt người trên con đường đi đến thành phố Đa-mách thì người thay đổi hẳn, người tin rằng Chúa Giê-su quả thật đã được sống lại từ kẻ chết, và người cũng trở thành một môn đồ của Chúa. Bởi vậy sứ đồ Phao-lô nói chính mình là một kẻ được sinh non.

Vậy bằng thứ năm về sự tồn tại hiện hữu của Chúa Trời là cuộc đời và lời làm chứng của các sứ đồ.

Vinh Diệu của Chúa Trời Được Bày Tỏ trong Cuộc Đời của Những Kẻ Từng Kinh Lịch Ngài

Có nhiều người tưởng rằng ngày nay không có những chuyện kỳ diệu xảy ra nữa, họ nghĩ rằng những chuyện ghi trong Kinh Thánh chỉ xảy ra mấy ngàn năm về trước thôi, ngày nay không còn những chuyện như vậy nữa. Nhiều năm về trước khi tôi phụng sự tại một hội thánh ở Úc-đại-lợi, trong một buổi học tập Kinh Thánh có một người nói rằng: “Ngày nay Chúa Trời chẳng còn nói chuyện với loài người nữa.” Câu nói này khiến tôi ngạc nhiên lắm, tôi bèn trả lời rằng: “Không, ngày nay Chúa Trời vẫn thường khải thị và nói chuyện với loài người chứ.” Quả thật như vậy, chính tôi đã nhiều lần nhận được khải thị của Chúa Trời một cách trực tiếp (Xin đọc “Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa (1) – (6)” và “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền (1) – (5)”). Thậm chí có một số người thật sự chết đi rồi, chính bác sĩ xác định rằng họ đã chết đi, ai ngờ sau một khoảng thời gian họ được sống lại; họ thuật lại rằng họ được lên Thiên Đàng và được thấy và được nghe những chuyện kỳ diệu trong Thiên Đàng.

Vậy bằng chứng thứ sáu về sự tồn tại hiện hữu của Chúa Trời là cuộc đời của những kẻ từng kinh lịch Chúa Trời.

Chính Bạn Từng Kinh Lịch Chúa Trời

Chính bạn cũng từng kinh lịch Chúa Trời trong cuộc đời của bạn rồi. Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều từng kinh lịch một vài chuyện kỳ diệu trong cuộc đời của mình. Có nhiều người từng gặp những tai nạn rất nguy hiểm, nhưng rồi có những chuyện kỳ diệu xảy ra, và họ được cứu vớt ra khỏi tai nạn đó. Bạn hãy ngẫm nghĩ coi, bạn nghĩ rằng những chuyện như vậy chỉ là ngẫu nhiên sao? Chính Chúa Trời đã dìu dắt bạn từng bước một trên đường đời mà bạn không hay biết thôi, và chính nhờ sự bảo hộ của Ngài mà bạn có thể sống còn đến hôm nay. Bạn đã kinh lịch quyền năng và ân điển của Chúa Trời trong quá khứ, bạn có muốn tiếp tục kinh lịch Chúa Trời càng nhiều hơn không?

Giăng 11:40 40 Chúa Giê-su bảo người rằng: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin, thì ngươi sẽ thấy sự vinh diệu của Chúa Trời sao?”

Ở đây Chúa Giê-su nói cùng Ma-thê rằng nếu người tin thì sẽ thấy sự vinh diệu của Chúa Trời. Sự kiện đó là như vậy: Có một người tên là La-tha-rơ sống ở thành Bê-tha-ni. La-tha-rơ và hai người em gái là Ma-ri và Ma-thê đều kính mến Chúa Giê-su, và Chúa cũng thương yêu họ. Một hôm La-tha-rơ bị bịnh nặng, hai người em gái sai người đến báo tin cho Chúa và xin Chúa đến chữa trị cho La-tha-rơ. Khi Chúa Giê-su nghe tin rồi, Chúa cố ý không đi thăm La-tha-rơ ngay lập tức, Chúa chờ thêm một vài ngày nữa cho đến La-tha-rơ đã chết đi, rồi Chúa mới cùng các môn đồ đi đến nhà của La-tha-rơ.

Có nhiều lúc chúng ta gặp khó khăn nguy hiểm, ta cầu xin Chúa Trời trợ giúp, nhưng Ngài cố ý không trợ giúp gì cả, rồi tình hình trở nên rất thê thảm đến nỗi chẳng ai có thể giải cứu được. Không chừng các bạn đã gặp những tình trạng như vậy rồi, bạn đừng có cằn nhằn oán trách Chúa Trời, bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi, Chúa Trời sẽ làm những chuyện kỳ diệu vô biên mà loài người không cách nào làm nỗi. Khi bạn chứng kiến những chuyện kỳ diệu đó thì bạn biết rằng ấy là quả thật do quyền năng của Chúa Trời, bởi vì loài người không cách nào làm được những chuyện như vậy.

Khi La-tha-rơ đã chết đi bốn ngày, bị chôn rồi, lúc đó Chúa Giê-su mới đến. Cho nên em gái của La-tha-rơ là Ma-thê than với Chúa rằng: “Nếu Chúa có ở đây, thì anh của con sẽ không chết!” Rồi Chúa đi đến cái mộ của La-tha-rơ, Chúa bảo lăn cái hòn đá đi. Ma-thê và Ma-ri rất kinh ngạc, Ma-thê bèn thưa cùng Chúa rằng: “Anh của con đã bị chôn bốn ngày rồi, có mùi rồi!” Rồi Chúa Giê-su nói cùng Ma-thê câu nói này: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh diệu của Chúa Trời sao?” Ma-thê và Ma-ri bèn làm theo lời của Chúa Giê-su mà lăn hòn đá đi, Chúa kêu gọi La-tha-rơ đi ra, thì ngay lập tức người chết được sống lại và đi ra khỏi cái mộ.

Chúng ta thường nói rằng nếu ta được thấy vinh diệu của Chúa Trời thì ta hẳn tin vào Ngài, nếu ta không thấy vinh diệu của Chúa Trời thì làm sao mà ta có thể tin vào Ngài được. Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn sẽ bị hư mất diệt vong. Bạn phải tin vào Chúa Trời, phó thác hoàn toàn cho Ngài để Ngài cai quản cuộc đời của bạn, rồi bạn sẽ thấy vinh diệu của Ngài. Chúng ta đã nói về những bằng chứng cụ thể để chứng tỏ sự tồn tại hiện hữu của Chúa. Chúa Trời đã bày tỏ bảy cái bằng chứng cho bạn rồi, nếu bạn không chịu chấp nhận bảy bằng chứng đó, thì Ngài sẽ không ban bằng chứng nào khác cho bạn nữa.

Bảy Bằng Chứng Cụ Thể về Sự Vinh Diệu của Chúa Trời

Đây là bảy bằng chứng cụ thể về sự vinh diệu của Chúa Trời:

  1. Trời đất muôn vật bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.
  2. Cuộc đời của Chúa Giê-su trên thế gian này bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.
  3. Cây thập giá bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.
  4. Sự phục sinh của Chúa Giê-su bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.
  5. Cuộc đời và lời làm chứng của các sứ đồ bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.
  6. Cuộc đời và lời làm chứng của những người từng kinh lịch Chúa Trời bày tỏ vinh diệu của Ngài.
  7. Những kinh lịch trong cuộc đời của bạn bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời.

Chúa Trời đã cho bạn bảy bằng chứng cụ thể này, Ngài không phải bảo bạn cứ tin một cách mù quáng. Nếu bạn nghĩ rằng bảy bằng chứng này vẫn chưa đủ, bạn muốn có những kinh lịch kỳ diệu hơn bảy bằng chứng này, rồi bạn mới chịu phó thác hoàn toàn cho Ngài, thì bạn sẽ đi đến hư mất diệt vong. Nhưng nếu bạn dựa vào bảy bằng chứng này mà đặt niềm tin vào Chúa Trời và phó thác cuộc đời của bạn cho Ngài, thì bạn sẽ tiếp tục kinh lịch vinh diệu của Chúa Trời ngày càng nhiều hơn.

Chúng Ta Sẽ Kinh Lịch Vinh Diệu của Chúa Trời như Thế Nào?

Vậy sau khi chúng ta phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời thì ta sẽ kinh lịch vinh diệu của Ngài như thế nào?

Đầu tiên bạn sẽ kinh lịch sự biến hóa trong cuộc đời của bạn, Chúa Trời sẽ biến hóa bạn trở nên một con người mới. Bạn sẽ nghĩ rằng như vậy có nguy hiểm không? Chẳng có nguy hiểm gì hết. Giả tỷ một người mắc bịnh nặng gần chết, rồi người đi coi bác sĩ, có nguy hiểm gì không? Những bác sĩ thì nhiều lúc cũng có lầm lẫn, nhưng Chúa Trời thì không bao giờ lầm lẫn cả. Bạn có muốn phó thác cuộc đời cho Chúa Trời để Ngài biến hóa bạn trở nên một con người mới không?

Chúa Trời sẽ cắt bỏ tội lỗi, lòng ích kỷ, lòng tự cao, lòng ghen ghét ganh tị, lòng thù oán người khác, tính tình nóng nảy, gian dâm ô uế, ăn chơi sa đọa, nói dối cười nhạo người khác v.v. Ngài sẽ cắt bỏ những tội này trong cuộc đời của bạn và khiến bạn trở nên một con người mới. Nếu bạn đi cùng với Chúa Trời, sống một cuộc đời phó thác hoàn toàn cho Ngài thì bạn sẽ kinh lịch vinh diệu của Ngài ngày càng nhiều hơn, ngày càng sâu hơn. Nhưng Chúa Trời không có làm phép lạ này phép lạ kia để thỏa mãn lòng hiếu kỳ của bạn đâu, mà bạn phải vâng phục ý chỉ của Ngài thì bạn mới có thể kinh lịch quyền năng vinh diệu của Ngài.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church