You are here

Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (1)

Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (1)

Ví Dụ Của Người Gieo Giống (1)

Ma-thi-ơ 13:3 – 9, 18 – 23 (Mác 4:1 – 8, 13 - 20; Lu-ca 8:5 – 8, 11 – 15)

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Hôm nay chúng ta bắt đầu học tập những ví dụ trong Kinh Thánh. Trong Tân Ước có rất nhiều ví dụ. Khi Chúa Giê-su giảng dạy cho dân chúng, Chúa thường dùng những chuyện trong đời sống hàng ngày để làm ví dụ, rồi từ những ví dụ đó mà rút ra những bài học thuộc linh. Những ví dụ này đều mang ý nghĩa rất sâu rộng uyên thâm. Nếu chúng ta không hiểu ý nghĩa bao hàm trong đó, chúng ta chỉ thấy đó là những câu chuyện lý thú. Thực ra những ví dụ này là những lời dạy quan trọng liên quan đến ơn cứu chuộc của chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa của những ví dụ này tức là không hiểu rõ lời dạy của Chúa về ơn cứu chuộc vậy.

Ví Dụ Đầu Tiên Trong Lời Dạy Của Chúa Giê-su

Bây giờ chúng ta bắt đầu tra khảo ví dụ đầu tiên trong lời dạy của Chúa Giê-su.

Ma-thi-ơ 13:3 – 9. 3 Chúa dùng ví dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Chúa nói rằng: “Một người gieo giống đi ra để gieo. 4 Khi đang gieo, một số giống rơi dọc đường đi, chim bay xuống và ăn đi. 5 Một số khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, không có nhiều đất, giống mọc lên liền vì đất không sâu. 6 Nhưng khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ nên chết khô. 7 Một số khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc lên và giống bị chết nghẹt. 8 Một số khác rơi vào chỗ đất tốt thì sinh trái, hột ra được một trăm, hột ra sáu chục, hột ra ba chục. 9 Ai có tai, hãy lắng nghe!”

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su kể câu chuyện của người gieo giống. Có một số hột giống không có rơi vào trong ruộng mà rơi dọc đường đi. Hột giống ở ngoài đường thì lẽ dĩ nhiên không sinh sôi nảy nở, cho nên bị những con chim bay xuống mà ăn hết.

Có một số hột giống thì rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, không có nhiều đất, nó mọc lên liền vì đất không sâu. Nhưng tại vì hột giống mọc lên quá nhanh, nó chưa kịp bén rễ. Khi mặt trời chiếu vào hột giống, vì nó không có rễ, cho nên sức nóng khiến nó chết khô.

Cũng có một số hột giống rơi nhằm bụi gai. Khi giống mọc lên thì bụi gai cũng mọc lên cùng một lượt, rồi bụi gai khiến hột giống chết nghẹt.

Nhưng có một số hột giống rơi vào chỗ đất tốt thì có thể sinh trưởng mang trái. Có hột sinh được một trăm, có hột ra sáu chục, có hột ra ba chục.

Lời Giải Thích Của Ví Dụ Này

Câu chuyện này nghe thì rất lý thú, nhiều năm về trước, khi tôi đọc ví dụ này thì tôi mới biết cây mọc nhanh quá là không tốt. Tại vì tôi không hiểu biết gì về trồng trọt cầy cấy, và bản tánh tôi lại không kiên nhẫn, tôi làm bất cứ việc gì cũng muốn đạt được kết quả cho mau. Trước kia tôi cứ tưởng rằng hột giống mọc nhanh là tốt, tôi nghĩ rằng đất càng tốt thì hột giống sinh trưởng càng nhanh. Mãi đến khi tôi đọc đoạn Kinh Thánh này tôi mới biết nếu hột giống mọc quá nhanh thì nó cũng chết nhanh.

Trong ví dụ này có bốn thứ đất đai: đất ở ngoài đường, đất đá sỏi, đất có bụi gai và đất tốt. Cùng một thứ hột giống rơi vào bốn thứ đất đai khác nhau thì đưa đến bốn kết quả khác nhau. Hột giống là tượng trưng cho cái gì? Còn bốn thứ đất đai lại tượng trưng cho cái gì?

Chính Chúa Giê-su đã giải thích ý nghĩa của ví dụ này rồi, lời giải thích thì nằm ngay trong đoạn Kinh Thánh kế tiếp. Nhưng tôi phải nói rõ cho các bạn biết, Chúa Giê-su không có giải thích hết thảy các ví dụ, Chúa chỉ giải thích hai ví dụ thôi, còn những ví dụ khác thì chúng ta phải tự mình đi tìm hiểu ý nghĩa trong đó. Bây giờ để chúng ta đọc lời giải thích của ví dụ này.

Ma-thi-ơ 13:18 – 23. 18 Vậy thì các ngươi hãy lắng nghe ví dụ về kẻ gieo giống. 19 Khi người nào nghe đạo của nước Thiên Đàng mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng của người; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường. 20 Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo rồi liền vui mừng nhận lấy; 21 nhưng trong lòng của người không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp cực khổ hay bắt bớ, thì người vấp ngã liền. 22 Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo rồi, nhưng sự lo lắng về đời nầy và sự dối trá của giàu sang khiến đạo lý bị chết nghẹt và không kết qua được. 23 Nhưng kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt, tức là kẻ nghe đạo và hiểu rõ; người ấy kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục.

Căn cứ theo câu 19 của đoạn Kinh Thánh trên: “Khi người nào nghe đạo của nước Thiên Đàng mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng của người; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đường,” ta thấy hột giống là tượng trưng cho đạo của nước Thiên Đàng, đất đai là tượng trưng cho tấm lòng của con người. Vậy bốn thứ đất đai là tượng trưng cho tấm lòng của bốn hạng người khác nhau.

Cùng một thứ hột giống rơi vào trong bốn thứ đất đai khác nhau thì đưa đến bốn kết quả khác nhau. Tương tự như vậy lời dạy trong cùng một quyển Kinh Thánh gieo vào trong tâm hồn của bốn hạng người cũng đưa đến bốn kết quả khác nhau.

Tấm Lòng Chai Cứng Như Mặt Đất Ở Ngoài Đường

Quả thật có những người với tấm lòng cứng như mặt đất ở ngoài đường. Trong những năm trời hầu việc Chúa Trời tôi thường gặp những người như vậy. Khi tôi kể cho họ nghe tình yêu thương và lòng nhân từ thương xót của Chúa Trời, họ cãi lại với tôi, chẳng những thế có khi họ còn chê cười Chúa Trời và Chúa Giê-su nữa. Nếu họ chê cười chưởi mắng tôi thì tôi không thấy buồn, nhưng tôi rất buồn khi nghe thấy họ chê cười Chúa Trời và Chúa Giê-su. Tôi chỉ có cầu xin Chúa Trời tha thứ cho họ thôi.

Cũng có những người cho dù được nghe Tin Lành, nhưng họ không có cảm động gì cả, mà họ cũng không có cãi lại với chúng tôi, tại vì họ muốn giữ tình bạn bè với chúng tôi, họ biết Tín Đồ Cơ Đốc là người tốt, nhưng họ không muốn tin vào Chúa Trời và phó thác cuộc đời của họ cho Ngài.

Cũng có một số người thì rất tự cao, họ nghĩ rằng chính mình làm nên mọi việc, chứ không phải là Chúa Trời cung cấp giúp đỡ họ. Họ cứ nghĩ rằng mình là người tốt không có phạm tội lỗi trầm trọng, cho nên họ không cần Chúa Giê-su cứu vớt họ. Khi tôi còn chưa tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, chính tôi là một người như vậy. Cảm tạ Chúa Trời, Ngài đã mở mắt tâm linh của tôi để tôi thấy rõ tội lỗi của mình và Ngài còn giúp tôi ăn năn hối cải.

Có một người đàn bà khá tài giỏi và giàu sang, bà này không có tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su. Một hôm bà này mắc bịnh, bà đi khám bịnh thì mới biết rằng bà đã mắc bịnh ung thư. Ung thư của bà có thể chữa trị được, và bà phải bắt đầu sự điều trị liền. Bà này rất lo sợ, người chị của bà là một người Tín Đồ Cơ Đốc. Khi người chị Tín Đồ nghe tin rằng em gái của mình mắc bịnh ung thư, người chị liền đến hỏi thăm và an ủi bà này đừng có lo sợ mà hãy phó thác việc này cho Chúa Trời. Tuy rằng trước kia bà này không chịu tin vào Chúa Trời, nhưng bấy giờ bà lo sợ quá, bà và người chị cùng nhau cầu khẩn Chúa Trời giúp đỡ. Rồi cuộc điều trị cho bà này bắt đầu, một vài tháng sau thì bác sĩ thấy ung thư của bà dần dần thu nhỏ lại. Bà này mừng rỡ vô cùng, người chị Tín Đồ khuyên bà nên tạ ơn Chúa Trời, ấy chính là Ngài đã nhận lời cầu nguyện của bà và chữa trị cho bà.

Các bạn biết bà này nói cái gì không? Bà nói: “Nếu tôi biết trước bác sĩ có thể chữa trị được ung thư của tôi, thì tôi không có cầu xin Chúa Trời đâu!” Các bạn thấy chưa? Đàn bà này lại vô ơn đến dường này! Về sau ung thư của bà được chữa lành, nhưng bà không có tạ ơn Chúa Trời, và lẽ dĩ nhiên bà cũng không có tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su!

Những người có tấm lòng chai cứng như thế thì cho dù họ nhận được bao nhiêu ơn huệ của Chúa Trời, nhưng họ vẫn không có nhớ ơn Ngài, cho dù họ được nghe giảng Tin Lành, nhưng tấm lòng của họ cũng không có cảm động gì hết. Đạo lý của nước Thiên Đàng gieo vào trong lòng họ thì tựa như là hột giống rơi ở ngoài đường.

Những hột giống nằm ở ngoài đường thì sẽ bị con chim ăn hết. Câu 19 dạy rằng: “hễ người nào nghe đạo của nước Thiên Đàng mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng của người.” Vậy những con chim là tượng trưng cho quỉ dữ.

Xin các bạn để ý, những người này không hiểu đạo lý của nước Thiên Đàng không phải là tại vì họ kém thông minh hoặc là lời dạy của Ngài khó hiểu, họ không hiểu là tại vì lòng của họ chai cứng, họ tự cao không chịu chấp nhận mình là tội nhân, họ không chịu vâng phục Chúa Trời. Khi chúng ta tự cao không chịu vâng phục Chúa Trời thì chúng ta hẳn không hiểu được lời của Ngài. Ngược lại tôi từng thấy có nhiều ông già bà cụ và cả những người không biết chữ, nhưng họ có tấm lòng tìm cầu Chúa Trời, và họ đều hiểu được lời dạy của Ngài.

Lời Chúa Không Có Bén Rễ Trong Lòng

Trong trường hợp thứ hai, những hột giống rơi vào đất đá sỏi, không có nhiều đất, hột giống mọc lên liền vì đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên chiếu vào hột giống, sức nóng khiến nó khô héo.

Căn cứ theo câu 20 & 21, hột giống rơi vào đất đá sỏi là tượng trưng cho những kẻ nghe đạo rồi thì vui mừng nhận lấy liền, nhưng trong lòng của họ không có rễ, họ chỉ tin tạm thời thôi, đến khi họ gặp phải khổ nạn bắt bớ vì đạo của Chúa Trời thì họ vấp ngã liền.

Hột giống mọc lên quá nhanh là không tốt, tương tự như người ta nghe đạo rồi chịu lấy nhanh quá cũng không tốt. Điều này thì trái ngược với ý tưởng của chúng ta. Khi chúng ta rao truyền Tin Lành cho người khác, ta muốn họ tin nhận liền. Chính tôi từng nghĩ như vậy. Hễ ai có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su liền, thì ta cho rằng người ấy là xuất sắc thuộc linh. Nhưng ở đây Chúa Giê-su nói những kẻ chịu lấy đạo của Chúa Trời quá nhanh là không tốt.

Đây là một cảnh cáo cho chúng ta. Khi ta rao truyền Tin Lành cho người khác, ta không nên thôi thúc họ tin vào Chúa Trời một cách vội vã. Lời của Chúa Trời cần thời gian dài hơn để bén rễ trong lòng của họ, họ cần phải suy ngẫm tìm hiểu rồi mới lập quyết định có muốn phó thác cuộc đời của mình cho Ngài hay không. Ta không nên thôi thúc họ, ta nên phó thác việc này cho Chúa Trời để Ngài làm việc biến đổi tâm hồn của người, và ta cứ siêng năng cầu nguyện cho người.

Ở đây ánh nắng của mặt trời được so với cực khổ và bắt bớ. Ta nên nhớ rằng ánh nắng mặt trời là cần thiết cho cây cối sinh trưởng. Ánh nắng mặt trời có thể khiến cây cối trưởng thành nhưng cũng có thể khiến cây cối héo tàn. Nếu cây cối có rễ thì ánh nắng mặt trời sẽ giúp cây đó trưởng thành càng tốt đẹp hơn. Nhưng nếu cây cối không có rễ thì ánh nắng mặt trời sẽ thiêu đốt cây đó. Tương tự như vậy cực khổ bắt bớ có thể giúp Tín Đồ Cơ Đốc trưởng thành, nhưng cũng có thể khiến Tín Đồ Cơ Đốc vấp ngã. Nếu trong lòng chúng ta có rễ thì đức tin của ta sẽ trở nên càng vững mạnh hơn sau khi ta từng trải gian nan bắt bớ. Ngược lại nếu chúng ta không có rễ, khi ta gặp phải cực khổ gian nan thì ta sẽ vấp ngã.

Vậy lòng chúng ta có rễ có nghĩa là gì? Làm sao mà chúng ta có rễ trong lòng?

Giê-rê-mi 17:7 – 8. 7 Phước cho kẻ nhờ cậy Ðức Gia-vê, và lấy Ðức Gia-vê làm sự trông cậy mình. 8 Người giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ theo dòng sông. Không sợ nắng hạ đến, lá vẫn xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo, cứ ra trái không ngừng.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng khi một người nhờ cậy Chúa Trời Gia-vê và lấy Ngài làm sự trông cậy mình thì người ấy giống như một cây trồng bên dòng nước và đâm rễ theo dòng sông. Cho dù gặp nắng hạ hay hạn hán, cây này vẫn có lá cây xanh tươi và ra trái không ngừng.

Thi Thiên 1:1 – 3. 1 Phước cho kẻ chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường lối của tội nhân, chẳng ngồi trong chỗ của kẻ nhạo báng; 2 Nhưng người vui thích Luật Pháp của Đức Gia-vê, và người suy ngẫm Luật Pháp của Ngài ngày và đêm. 3 Người ấy sẽ như cây trồng bên dòng nước, sinh hoa quả đúng mùa, và lá chẳng tàn héo. Mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng.

Trong đoạn thơ này, thi nhân mô tả một người không theo mưu kế của kẻ dữ, không đứng trong đường lối của tội nhân, và cũng không ngồi trong chỗ của kẻ nhạo báng. Người này vui thích Luật Pháp của Chúa Trời Gia-vê, người suy ngẫm về Luật Pháp ngày và đêm. Thi nhân so sánh một người như vậy là tựa như cây cối trồng bên dòng nước. Tại vì rễ cây có thể thu hút nước sông để nuôi dưỡng cây đó, cho nên lá cây chẳng tàn héo và sinh hoa quả đúng mùa. Người ấy làm bất cứ việc gì đều thịnh vượng.

Bây giờ chúng ta tổng hợp hai đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng nếu chúng ta nhờ cậy Chúa Trời Gia-vê, lấy Ngài làm sự trông cậy mình, ta vui thích và suy ngẫm Luật Pháp của Ngài ngày và đêm, ta không theo đường lối của kẻ dữ và tội nhân, như vậy thì chúng ta tựa như một cây trồng bên dòng nước và đâm rễ theo dòng sông, lá cây chẳng tàn héo và sinh trái không ngừng.

Nói tóm lại, khi những người chưa tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su được nghe giảng về Tin Lành, họ cần thời gian để tìm hiểu suy ngẫm về đạo của Chúa Trời, rồi sau đó họ mới lập quyết định. Như vậy lời của Chúa Trời có thể bén rễ trong lòng họ, đức tin của họ sẽ vững mạnh hơn. Còn những người vừa mới nghe giảng về Tin Lành, chưa kịp tìm hiểu suy ngẫm gì cả mà đã chịu lấy đạo lý liền, thì đức tin của họ là yếu ớt lắm, tại vì lời của Chúa Trời còn chưa bén rễ trong lòng họ.

Hơn nữa cho dù chúng ta đã trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi, hàng ngày chúng ta vẫn phải ráng học tập và thực hành lời của Chúa Trời. Ta càng học tập thực hành lời của Chúa Trời thì đạo lý của Ngài càng ăn sâu vào trong lòng ta và biến đổi tâm hồn của ta, vậy đức tin của ta trở nên ngày càng vững mạnh. Như vậy cho dù sau này ta gặp phải gian nan bắt bớ, ta không có vấp ngã. Gian nan thử thách sẽ khiến ta càng trưởng thành tương tự như ánh nắng mặt trời khiến cây cối sinh trưởng càng tốt vậy.

Tấm Lòng Tràn Đầy Sự Lo Lắng Về Đời Này Và Sự Dối Trá Của Giàu Sang

Trong trường hợp thứ ba hột giống rơi vào đất có bụi gai, khi hột giống sinh trưởng thì bụi gai cũng sinh trưởng, và bụi gai khiến hột giống chết nghẹt.

Căn cứ theo câu 22, hột giống rơi vào đất có bụi gai là tượng trưng cho những kẻ nghe đạo rồi, nhưng sự lo lắng về đời nầy và sự dối trá của giàu sang khiến đạo lý bị chết nghẹt và không kết qua được.

Trong trường hợp thứ hai thì người ta tin nhận lời của Chúa Trời quá vội vàng, lời của Ngài chưa kịp bén rễ. Còn trong trường hợp thứ ba này thì họ có rễ trong lòng rồi, nhưng lòng của họ lại tràn đầy sự lo lắng về đời này và sự dối trá của giàu sang.

Sự lo lắng về đời này và sự dối trá của giàu sang có nghĩa là cái gì?

Có nhiều người chỉ nghĩ đến làm ăn kiếm tiền, và nhiều người học sinh vì bận việc học mà không muốn học tập lời của Chúa Trời. Nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cứ nói rằng: “Tôi bận việc quá, đâu có đi được, chừng nào tôi rãnh thì tôi đi!” Chính tôi từng là một người như vậy, khi tôi còn đang đi học, chỉ khi tôi không bận việc học thì tôi mới chịu đi dự buổi lễ thờ phượng, nhưng một khi tôi bận việc học thì tôi lại ngưng đi dự lễ.

Có người thì lo về đủ thứ chuyện. Trong những năm trời truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời, chồng tôi và tôi từng gặp nhiều hạng người khác nhau. Có người thì cũng tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, nhưng họ không muốn chịu phép báp-tem tại vì họ sợ rằng gia đình bạn bè sẽ chê cười họ. Những người như vậy thì hẳn không có một đức tin chân thành. Cũng có nhiều người khi được nghe giảng về Tin Lành, lúc đầu họ cũng thích lắm, nhưng đến khi họ biết rằng một người Tín Đồ Cơ Đốc phải phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời để Ngài cai quản cuộc đời của mình, thì họ rút lui liền.

Có một đôi vợ chồng, họ là Tín Đồ Cơ Đốc, họ có một đứa con trai và một đứa con gái. Khi họ mới đến Hội Thánh của chúng tôi, hoàn cảnh của họ rất nghèo, nhưng họ khá nhiệt thành tìm cầu học hỏi lời của Chúa Trời. Hội Thánh chúng tôi có buổi học tập Kinh Thánh vào buổi tối thứ tư từ bảy giờ rưởi đến khoảng chín giờ tối, tại vì ban ngày người ta phải đi làm, sau cơm chiều họ mới rãnh. Đôi vợ chồng này phải làm việc rất khó nhọc vào ban ngày, nhưng bà vợ vẫn chịu khó đi dự buổi học tập Kinh Thánh. Lúc đầu ông chồng tuy không có nhiệt thành bằng bà vợ, nhưng ông cũng không phản đối, ông không có đi dự buổi học tập Kinh Thánh, nhưng ông bằng lòng ở nhà trông giữ hai đứa con cái để bà vợ có thể đi dự buổi học tập. Rồi về sau dần dần người chồng cũng chịu đi dự buổi học tập Kinh Thánh, họ dắt theo hai đứa con cái đi cùng với họ. Vào ngày Chúa Nhật, trước khi buổi thờ phượng bắt đầu, chúng tôi có buổi họp cầu nguyện, đôi vợ chồng này cũng rất hăng say tham gia buổi cầu nguyện. Hơn nữa bà vợ còn tự nguyện cùng các chị em Tín Đồ thay phiên giảng dạy lớp Kinh Thánh cho trẻ con.

Chúa Trời ban phước cho họ, sau một năm người chồng được thăng chức và tăng lương, người vợ kiếm được một việc làm tốt hơn. Các bạn chắc nghĩ rằng họ sẽ cảm tạ Chúa Trời ban phước cho họ, và họ sẽ càng hăng say nhiệt thành hơn, phải không? Không! Hoàn toàn không phải như vậy! Dần dần họ không muốn đi dự buổi học tập Kinh Thánh nữa, rồi họ ngưng đi dự buổi cầu nguyện luôn, họ chỉ đi dự buổi lễ thờ phượng thôi. Tôi bèn đi hỏi chị này vì lý do gì mà họ ngưng đi dự buổi học tập Kinh Thánh và buổi cầu nguyện, bà nói rằng họ phải dắt con cái đi bơi lội, sau khi bơi lội xong phải về nhà tắm rửa rồi mới đi Hội Thánh, cho nên họ không kịp đi dự buổi cầu nguyện nữa.

Sau khi tôi nghe vậy tôi không muốn nói thêm cái gì nữa, tâm hồn của hai vợ chồng này đã thay đổi hẳn, họ không còn yêu mến Chúa Trời như trước kia nữa. Trước kia khi họ còn nghèo khổ thì họ có thì giờ đi dự buổi học tập Kinh Thánh vào buổi tối và dự buổi cầu nguyện, tại sao hồi đó họ không có bận đi bơi lội? Cho dù họ muốn đi bơi lội thì đi buổi khác cũng được, hoặc là sau buổi lễ thờ phượng rồi họ mới đi bơi lội cũng được, tại sao lại vì bơi lội mà ngưng dự buổi cầu nguyện? Nếu những người không tin vào Chúa Trời coi việc bơi lội là quan trọng hơn cầu nguyện thì tôi không thấy buồn, nhưng hai vợ chồng này từng kinh lịch tình yêu thương nhân từ của Chúa Trời và từng hăng say nhiệt thành tìm cầu Ngài, mà bây giờ lại coi việc bơi lội là quan trọng hơn cầu nguyện, điều đó khiến lòng tôi rất đau buồn. Chẳng bao lâu, bà này cũng không muốn giảng dạy lớp Kinh Thánh cho trẻ con nữa.

Khi hai vợ chồng này còn nghèo khổ, họ phải hoàn toàn nhờ cậy vào Chúa Trời để trông nom mọi điều cần thiết trong đời sống của mình, ngoài Chúa Trời ra không ai giúp đỡ họ được. Nhưng một khi hoàn cảnh của họ trở nên tốt hơn, họ có thể tự chăm lo cho mình, họ không cần dựa nương vào Chúa Trời nữa. Lẽ dĩ nhiên ý tưởng của họ là hoàn toàn sai lầm, thực ra chúng ta lúc nào cũng phải dựa vào ân điển của Chúa Trời mới có thể sống còn, nhưng khi chúng ta có tiền thì ta tưởng rằng mình có thể tự lo cho bản thân của mình. Ấy chính là sự dối trá của giàu sang. Tiền tài giàu sang lừa dối chúng ta khiến chúng ta nghĩ rằng mình không cần phải dựa nương vào Chúa Trời.

Khi chúng ta có tiền thì chúng ta bắt đầu nghĩ đến hưởng thụ, nếu chúng ta không có tiền thì đâu có dám nghĩ đến chuyện này chuyện nọ, tương tự như hai vợ chồng đó làm ăn có tiền rồi thì nghĩ đến bơi lội mà ngưng dự buổi cầu nguyện. Đó chính là sự lo lắng về những chuyện trên đời này. Bởi vậy Chúa Giê-su nói rằng những lo lắng về đời này và sự dối trá của giàu sang khiến cho đạo lý của Chúa Trời bị chết nghẹt mà không kết quả được.

Tấm Lòng Tốt

Trong trường hợp thứ tư hột giống rơi nhằm đất tốt thì có thể sinh trái, căn cứ theo câu 23 ấy là tượng trưng cho những người nghe đạo và hiểu rõ; họ kết quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột kia sáu chục, hột khác ba chục.

Trong bốn thứ đất đai kể trên thì chỉ có thứ này là đất tốt khiến hột giống có thể sinh trái, nhưng số lượng kết quả vẫn khác biệt rất nhiều. Hột giống vẫn là cùng một thứ hột giống, nhưng đất đai thì khác nhau. Hột giống là lời của Chúa Trời, đất đai là tấm lòng của con người, những người có tấm lòng càng tốt thì kết quả càng nhiều.

Trong hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh có nhiều người đầy tớ trung tín của Chúa Trời, họ suốt đời truyền giảng lời dạy của Ngài, họ đã dẫn đưa nhiều người tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su, họ đào tạo huấn luyện rất nhiều Tín Đồ trưởng thành. Ở bên nước Anh vào thế kỷ 18 có một thầy truyền đạo tên là John Wesley. Hồi đó Hội Thánh ở nước Anh và xã hội của nước Anh đều rất đồi bại, người giàu bốc lột người nghèo, chính phủ và kẻ giàu sang liên kết với nhau đàn áp người nghèo. Khi thầy Wesley giảng đạo, thầy thường chỉ ra những tội lỗi xấu xa đồi bại trong Hội Thánh nước Anh và trong xã hội Anh.

Rốt cuộc Hội Thánh nước Anh đuổi thầy ra không cho thầy giảng đạo trong bất cứ một giáo đường nào, thầy bèn giảng đạo ở ngoài đường, thầy đi vào đồng quê mà giảng đạo, và thầy cũng giảng đạo trong rừng núi. Thầy cưỡi ngựa đi từ làng này qua làng khác, từ thành này qua thành khác, thầy đi khắp cả nước Anh để truyền giảng lòng yêu thương và sự công nghĩa thánh sạch trong Kinh Thánh. Nhiều người lắng nghe lời giảng của thầy đều bị cảm động rồi khóc lóc ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Có nhiều khi thầy vừa mới bước lên giảng đài còn chưa mở miệng thì quyền năng của Chúa Trời đã khiến người ta chảy nước mắt ra. Thầy truyền giảng lời của Chúa Trời trong mấy chục năm, lời giảng của thầy đã khiến Hội Thánh nước Anh thay đổi hoàn toàn, sau cùng cả xã hội nước Anh cũng thay đổi luôn.

Thầy Wesley qua đời vào năm 1791, lời dạy của thầy đã truyền sang nước Mỹ, rồi từ nước Mỹ dần dần truyền khắp cả thế giới.

Kết Luận

Hột giống gieo vào trong lòng của thầy Wesley hẳn đã sinh trái một trăm lần, còn hột giống gieo vào trong lòng ta thì có sinh trái không? Nếu có sinh trái thì đã sinh trái bao nhiêu? Tôi mong rằng tôi cũng có thể sinh trái nhiều nhiều để dâng lên làm của lễ cho Chúa Trời.

Hôm nay chúng ta đã học tập phần thứ nhất của ví dụ của người gieo giống. Kỳ sau chúng ta sẽ học tiếp phần thứ hai của ví dụ này.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church